Khoa học và công nghệ (số 1-2017) -0001-11-30 07:06:30

Sau nhiều năm gắn bó với công việc lao động trên những thửa ruộng trồng rau, ông Phạm Văn Hát ở thôn Kim Đôi, xã Ngọc Kỳ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) luôn suy nghĩ làm thế nào để có thể tăng hiệu quả năng suất lao động, giảm thiểu sức lao động cho người nông dân. Chính từ những trăn trở đó đã thôi thúc ông nghiên cứu và  sáng chế ra nhiều loại máy móc, thiết bị ứng dụng thành công vào lĩnh vực nông nghiệp, tăng hiệu quả sản xuất cho nông dân.

Sinh năm 1972, trong một gia đình nông dân có đến 8 anh em, nên học xong lớp 7 thì ông Phạm Văn Hát đã phải nghỉ học để phụ giúp gia đình. Ông đến phụ việc cho Xưởng cơ khí Bông Sen (TP.Hải Dương) – đây là cơ duyên đầu tiên của ông Hát đối với nghề cơ khí. Vừa học vừa làm không lâu thì ông trở thành thợ sửa chữa chính của xưởng, rồi mở xưởng sửa chữa cơ khí tại nhà. Sau một thời gian, ông đi xuất khẩu lao động ở Israel, làm việc tại một trang trại bên nước bạn. Mặc dù công việc lao động chân tay, không liên quan đến cơ khí, song đây cũng chính là cơ hội để ông trải nghiệm những sáng chế đầu tiên của mình. Ông Hát cho biết: Israel là đất nước có nền nông nghiệp hiện đại, sản xuất rau sạch ở trang trại sử dụng rất nhiều loại máy móc, thiết bị nhưng công đoạn mà ông đảm nhận lúc ấy là rải phân gà trên các gốc cây lại hoàn toàn thủ công. Chính vì vậy, tôi đã nghĩ đến việc chế tạo một chiếc máy làm công việc này. Được sự ủng hộ của chủ trang trại, sau gần 6 tháng tự mày mò nghiên cứu, cuối cùng tôi cũng đã sáng chế ra chiếc máy rải phân tự động phục vụ cho hàng chục ha rau của trang trại. Trước đây một ngày phải mất 25 lao động rải phân cho khoảng 2 ha thì nay chỉ cần từ 2 - 3 người. Thành công này được ông chủ trang trại ghi nhận và thưởng cho tôi 5.500 USD cùng với máy tính, điện thoại. Song điều khiến tôi bất ngờ là chiếc máy rải phân của tôi sau đó đã được Hội đồng thẩm định cấp Nhà nước nghiệm thu và cấp bằng sáng chế, được hoàn thiện và sản xuất hàng loạt để bán đại trà.

Sau thành công đầu tiên với sáng chế trên đất nước bạn, ông Phạm Văn Hát vẫn không ngừng sáng tạo máy móc và nông cụ phục vụ nông dân. Năm 2011, sau khi trở về nước, ông Hát quyết định mở lại xưởng cơ khí. Kể từ đó, ông liên tục cho ra mắt các sản phẩm nông cụ có tính ứng dụng cao với thực tế sản xuất của nông dân, đó là chiếc máy đánh luống, soi rạch trồng cây vụ đông, áp dụng từ vụ đông năm 2012, giúp nông dân không phải mất thêm công đoạn vét đất lên luống và soi rạch như trước. Đó là dàn cày 2 lưỡi giúp khắc phục hoàn toàn việc quấn rạ vào máy, tốc độ nhanh hơn, thớ đất sâu hơn và tạo điều kiện cho các công đoạn làm đất sau dễ dàng hơn, tăng năng suất từ 8 sào lên thành 2 mẫu chỉ với 1 công lao động. Cũng từ thành công này, ông Hát tiếp tục sáng chế ra dàn cày 3 lưỡi, 4 lưỡi áp dụng cho các loại máy cày có công suất lớn hơn.

Đặc biệt phải kể đến trong số các sáng chế của ông Phạm Văn Hát chính là rô-bốt đặt hạt, được chế tạo thành công và cung ứng ra thị trường vào năm 2013. Đây là sáng chế giúp khắc phục thực trạng gieo hạt giống bằng máy sạ kéo tay, khoảng cách hạt không đều khiến nông dân bị lãng phí hạt giống và tốn công nhổ tỉa cây. Trải qua gần 1 năm thử nghiệm, chiếc máy mới được ra đời và đưa vào sử dụng. Ưu điểm của chiếc rô-bốt này là sử dụng bình ắc quy nên không cần người vận hành, tiết kiệm được công lao động; van điều khiển tự động đóng mở nên mật độ cây đồng đều, đặc biệt không gây lãng phí hạt giống. So với công đoạn gieo hạt trước đây, rô-bốt đặt hạt đã giải phóng hoàn toàn lao động thủ công, tiết kiệm được 20% lượng hạt giống. Sản phẩm rô-bốt đặt hạt ban đầu dùng cho các loại hạt rau như cà rốt, mồng tơi, rau dền, sau được ông Hát cải tiến và cho ra đời các loại máy gieo hạt dùng cho từng loại như máy gieo hạt ngô, máy gieo hạt đậu đỗ, máy gieo hạt rau giống, máy gieo hạt rau giống và rau ăn lá… Rô-bốt đặt hạt và các loại máy gieo hạt chuyên dụng có độ chính xác đến 97%, với giá thành chỉ từ 20-30 triệu đồng/chiếc nên phù hợp với khả năng đầu tư của nhiều hộ nông dân. Chính vì vậy, sản phẩm rô-bốt đặt hạt đã được tiêu thụ rộng khắp thị trường trong và ngoài tỉnh, sử dụng trong các vườn ươm cây giống cà rốt, su hào, cải bắp và các loại rau ăn lá… Đồng thời, sản phẩm đã đoạt giải nhất Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ VIII (2012 – 2013), giải khuyến khích cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn quốc lần thứ 5 năm 2013 và giải nhất cuộc thi Nhà sáng chế số 9 năm 2014. Không dừng lại ở phạm vi toàn quốc, sản phẩm rô-bốt đặt hạt của ông Phạm Văn Hát còn nhận được sự quan tâm của thị trường quốc tế. Sản phẩm đã được xuất khẩu sang các nước như: Mỹ, Đức, Singapore, Thái Lan… Ông Hát hào hứng kể: Có khách hàng người Mỹ, qua thông tin trên internet biết đến chiếc máy gieo hạt của ông, đã tìm đến tận nhà ông để mục sở thị và mua chiếc máy này để mang về nước họ. Mỗi chiếc máy gieo hạt xuất ngoại được ông Hát bán với giá 2.500 USD, giá trị cao gấp 2 lần so với giá sản phẩm bán ra trong nước. Từ đầu năm 2016 đến nay, ông đã bán ra thị trường trong nước 50 chiếc máy gieo hạt, 8 chiếc xuất đi nước ngoài.

Ngoài các sản phẩm kể trên, ông Phạm Văn Hát còn sáng chế ra các loại máy như máy cấy, máy trồng khoai, máy trồng ngô- đậu – đỗ liên hoàn, có sự kết hợp khâu làm đất và gieo thẳng; máy đóng túi không cần sử dụng chip điện tử mà hoàn toàn cơ học. Với những sáng chế hữu ích trong nông nghiệp, các loại máy công cụ do ông Phạm Văn Hát sáng chế đã giúp người nông dân ở nhiều địa phương giảm thiểu được sức lao động, tăng thu nhập. Năm 2016, Xưởng cơ khí Hát sáng chế của gia đình ông mỗi năm thu lãi trên 1 tỷ đồng, tạo việc làm cho 2 lao động thường xuyên và 2 lao động thời vụ.

Với ý chí ham học hỏi, nỗ lực không ngừng sáng tạo và niềm mong mỏi giải phóng lao động chân tay cho nông dân, ông Phạm Văn Hát là một trong những nông dân tiên tiến vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba vì có nhiều thành tích trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn tại Đại hội Thi đua yêu nước và biểu dương nông dân tiên tiến giai đoạn 2010 – 2015; là 1 trong 63 nông dân trong cả nước đạt danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2016”.

Hiện nay, các sáng chế của ông Hát được nhiều nông dân trong cả nước tìm đến đặt mua. Ngoài các sáng chế về máy nông cụ phục vụ nhu cầu sản xuất của nông dân, ông Phạm Văn Hát còn nhận sáng chế theo đơn đặt hàng của các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp ở một số lĩnh vực khác. Các sáng chế của ông có tính ứng dụng cao, dễ sử dụng, chi phí sản xuất thấp hơn nhiều so với sản phẩm nhập ngoại nên được khách hàng tin tưởng và ưa chuộng. Mặc dù vậy, các sản phẩm do ông Hát sáng chế chưa có sản phẩm nào được đăng ký bảo hộ sản phẩm. Điều này sẽ gây ra những bất lợi đối với người chủ sáng chế khi có các tranh chấp xảy ra. Để bảo vệ quyền lợi cũng như được hưởng lợi nhuận từ việc khai thác thành quả sáng tạo của mình, ông Phạm Văn Hát rất cần sự tư vấn, giúp đỡ của các cơ quan chức năng trong việc hoàn thiện các thủ tục để được cấp bảo hộ độc quyền sáng chế.

Bài của Nguyễn Thị Ánh

Đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 1 ra tháng 2 năm 2017

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.