Năm 1330, Đệ Tam Thánh Tổ Huyền Quang mở rộng chùa, bình đồ kiến trúc nội công ngoại quốc, các công trình xây dựng từ hồ Bán Nguyệt lên đỉnh núi Côn Sơn. Ngọc phả chùa ghi:“Ở Côn Sơn Thánh Tổ Huyền Quang lập ra Cửu Phẩm Liên Hoa, giảng các phẩm kinh để truyền cho hậu thế...”. Sang thời Lê (thế kỷ XVII), Thánh Tổ Mai Trí Bản, hiệu là Huệ Pháp, tự Pháp Nhẫn đã tiếp tục tu bổ chùa. Năm 1721, Thánh Tổ Hải Ấn tu bổ tòa Cửu Phẩm Liên Hoa và Đăng Minh Bảo Tháp. Thế kỷ XIX, thực dân Pháp xâm lược nước ta, tòa Cửu Phẩm Liên Hoa và các công trình khác của chùa Côn Sơn bị tàn phá nặng nề.
Năm 2012 và năm 2014, Viện Khảo cổ học Việt Nam và Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc khai quật sau Thượng điện chùa Côn Sơn diện tích 471m2, đã phát lộ2 lớp nền móng kiến trúc của tòa Cửu Phẩm Liên Hoa thời Lê (thế kỷ XVII, XVIII) và thời Trần (thế kỷ XIV).Dấu tích kiến trúc tòa Cửu Phẩm thời Lê (thế kỷ XVII) ở địa tầng cách mặt đất 0,6m. Mặt bằng kiến trúc nhà Phẩm dài 16,2 m, rộng 7 m; diện tích 113,4 m2, gồm 3 gian 2 chái. Nền móng kiến trúc được xây kè bằng đá cuội. Nền nhà Phẩm đầm kỹ bằng cát trắng. Gian trung tâm còn dấu tích các trụ móng khá hoàn chỉnh gồm: 1 trụ móng chính giữa của cây Cửu Phẩm được đầm nèn bằng sỏi và cát; 4 trụ chân tảng đỡ cột của nhà Phẩm phân đều ở bốn góc (4 m x 4 m).
Qua địa tầng văn hóa thời Lê đến tầng văn hóa thời Trần (thế kỷ XIV) cách mặt đất 1 m. Dấu tích kiến trúc gồm 5 trụ móng. 1 trụ chính giữa và 4 trụ phân bố cân xứng (3,9 m x 3,9 m). Lớp kiến trúc thời Lê lui về phía sau chùa so với lớp kiến trúc thời Trần 1 m. Phía sau nền móng tòa Cửu Phẩm Liên Hoa là nền móng của 2 công trình Tổ đường và Hậu đường. Ngoài ra còn phát hiện nhiều hiện vật như ngói mũi hài kép, gạch Bát Tràng, ngói mũi hài tráng men, mảnh gốm hoa nâu, mảnh tháp đất nung thời Trần và nhiều hiện vật gốm sứ thời Trần, thời Lê…
Năm 2014, UBND tỉnh Hải Dương đã phê duyệt Dự án đầu tư tu bổ tòa Cửu Phẩm Liên Hoa chùa Côn Sơn. Bao gồm các hạng mục: Tòa Cửu Phẩm Liên Hoa, Tổ đường, Hậu đường, sân nội tự... Thời gian thực hiện dự án trong 2 năm (2015 - 2016).
Kiến trúc tòa Cửu Phẩm Liên Hoachùa Côn Sơn gồm cây Phẩm 9 tầng và nhà Phẩm. Nhà Phẩm có kết cấu 3tầng, 12 mái. Công trình sử dụng vật liệu truyền thốngđược làm từ 250 m3 gỗ lim, 15 m3 gỗ vàng tâm và hàng trăm m3 đá xanh Thanh Hóa, hàng nghìn viêngạch Bát Tràng, ngói mũi hài phục chế. Tòa Cửu Phẩm Liên Hoa có trục chịu lực là cây gỗ lim dài 9,7m, đường kính 0,55m; được dựng liên kết với ổ bi (chịu lực 130 tấn). Tháp hình bát giác, cao 10,3 m với 9 tầng, mỗi tầng chạm 3 lớp cánh sen. Ở tầng 1 có 8 đầu rồng đúc bằng đồng ở 8 cạnh làm tay vịn quay cây Phẩm. Từ tầng 2 lên đến tầng 9, các cạnh là cột chạm đốt trúc đỡ các đài sen. Trên tầng thứ 9 có trang trí 8 đầu rồng uốn cong dạng long đình quay ra bốn phía. Trên cùng cây Phẩm là Đức Phật A Di Đà tọa thiền trên đài sen, phía trên Đức Phật là bông sen lớn sơn son thếp vàng gắn trên đỉnh nhà Phẩm rủ xuống như lọng vàng. Ở mỗi mặt được bài trí tượng Đức Phật A Di Đà ở giữa, thị giả bên trái là Đức Phật Quán Thế Âm Bồ Tát, bên phải là Đức Phật Đại Thế Chí Bồ Tát. Hai bên tòa Cửu Phẩm bài trí 2 pho tượng Đức Phật A Di Đà (cao 1,27 m), tọa thiền trên bệ đá. Trên tòa Cửu Phẩm bài trí thờ 219 pho tượng Phật. Thân cây Phẩm chạm các tích Phật của thế giới Tây Phương Cực Lạc. Toàn bộ cây Phẩm, hệ thống tượng Phật và các bức chạm được sơn son thếp vàng.
Sau 2 năm xây dựng (2015 - 2016), đến đầu năm 2017, tòa Cửu Phẩm Liên Hoa đã hoàn thiện và lễ khánh thành đã được tổ chức vào ngày 12/02/2017. Tòa Cửu Phẩm Liên Hoa chùa Côn Sơn là công trình kiến trúc nghệ thuật Phật giáo đặc sắc. Công trình góp phần hoàn chỉnh hệ thống thờ tự đã bị tàn phá trong chiến tranh, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc./.
* Tài liệu tham khảo do Ban quản lý khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc cung cấp
Bài của Ninh Hải - Thế Cương
Đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 2 ra tháng 4/2017