Khoa học quản lý (số 2-2017) -0001-11-30 07:06:30

A- GIỐNG CÂY ĂN QUẢ Hiện nay, trên thị trường cung ứng giống cây trồng có rất nhiều loại cây ăn quả đem lại giá trị kinh tế cao do có chất lượng ngon, năng suất tốt và phù hợp với thị hiếu tiêu dùng. Chính vì vậy, việc lựa chọn giống cây trồng có nguồn gốc rõ ràng, phù hợp với điều kiện canh tác của từng hộ gia đình, ở từng địa phương đóng vai trò rất quan trọng. Chúng tôi xin giới thiệu một vài giống cây ăn quả do Xí nghiệp Cây ăn quả và Cây dược liệu Cầu Xe (Công ty Cổ phần giống cây trồng Hải Dương) cung ứng, đã được các hộ làm vườn ở nhiều địa phương lựa chọn.

1. Cây bưởi

Trong các giống bưởi được các hộ làm vườn lựa chọn, bưởi Diễn chiếm ưu thế hơn cả. Đây là một trong những loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, có nguồn gốc là loại trái cây đặc sản ở Phường Phúc Diễn - Bắc Từ Liêm - Hà Nội. Bưởi Diễn có chất lượng quả ngon, mùi thơm đặc biệt, vỏ mỏng, tép vàng, múi mọng nước, vị ngọt thanh. Vì vậy mặc dù trọng lượng quả chỉ từ 0,8 – 1 kg, song giá bưởi Diễn trên thị trường giao động từ 25 – 60 nghìn đồng/quả, có thể cho thu nhập trên 20 triệu đồng/sào/năm. Với giá trị kinh tế cao và là loại cây dễ trồng, có thể thích nghi với rất nhiều vùng đất khác nhau, cây bưởi Diễn đã trở thành cây ăn quả chủ lực và là lựa chọn của nhiều hộ làm vườn ở các địa phương trong khoảng 4 năm trở lại đây. Chỉ tính riêng 2 tháng đầu năm nay, đơn vị đã xuất bán 2.000 cây bưởi Diễn chiết cành được nhân giống từ những cây bưởi Diễn đầu dòng trồng tại vườn lưu giữ cây mẹ.

Ngoài bưởi Diễn, bà con nông dân có thể lựa chọn các giống bưởi mới như bưởi đỏ Tiến Vua, bưởi da xanh, bưởi đào đường….

2. Cây cam

Đối với cây cam, sản phẩm chủ lực của đơn vị là cây cam Chanh, ngoài ra đơn vị còn cung ứng các giống cam Canh, cam Vinh, cam V2, cam Cara ruột đỏ, cam Xoàn để đáp ứng nhu cầu đa dạng giống cây trồng của nông dân.

Cam Chanh là một giống cam đặc sản của huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, đã được phục tráng thành công từ khi triển khai đề tài khoa học và công nghệ của tỉnh sau một thời gian dài mai một. Đây là một giống cam quý, có vị ngọt đậm, hương thơm, quả ít hạt và nhiều nước, bảo quản được lâu. Trồng cam Chanh từ năm thứ 3 có thể cho thu hoạch, với năng suất 8-12 kg quả/cây. Giá bán cam Chanh dao động từ 45-60 nghìn đồng/kg. Từ khi trồng cây cam Chanh đầu dòng phục vụ lưu giữ giống cam quý hiếm, Xí nghiệp Cây ăn quả và Cây dược liệu Cầu Xe đã nhân giống hàng nghìn cây cam Chanh để đáp ứng nhu cầu cây giống của các hộ làm vườn.

Giống cam Canh và cam Vinh là hai loại cam hiện đang được mở rộng ở nhiều vùng chuyển đổi trên địa bàn tỉnh ta. Hai loại cam này có vị ngọt, vỏ màu vàng và vàng đỏ, cho thu hoạch vào dịp tháng 11 âm lịch và có thể kéo dài thời gian thu hoạch đến Tết nguyên đán, với giá bán dao động từ 45 – 70 nghìn đồng/kg. Sau trồng 2 năm, cây đã có thể thu hoạch. Từ năm thứ 4 trở đi, năng suất cây cam ổn định và có thể cho thu nhập từ 30- 40 triệu đồng/sào/năm, cao gấp nhiều lần so với các cây ăn quả khác. Các địa phương như Cẩm Giàng, Bình Giang, Chí Linh đã có nhiều hộ gia đình mở rộng diện tích trồng hai giống cam trên.

3. Táo Đài Loan, táo Thái Lan, táo đào

Đây là ba giống táo đang được trồng phổ biển trong khoảng 2 năm trở lại đây. Với ưu điểm chi phí cây giống thấp, cây cho thu hoạch ngay năm đầu tiên sau trồng, chất lượng quả to, ngon và dễ bảo quản cũng như vận chuyển, các giống táo đang được nông dân lựa chọn phát triển với diện tích ngày càng tăng.

Đặc biệt, bộ 3 giống táo trên có thời gian thu hoạch chia tách làm 3 thời kỳ: trước Tết, trong Tết và sau Tết Nguyên đán. Nhờ vậy, người trồng cả 3 loại táo trên có thể thu hoạch rải vụ. Mỗi sào trồng táo cho thu nhập từ 10-30 triệu đồng/năm trong khi chi phí đầu tư không đòi hỏi vốn lớn. Vì thế nông dân nhiều địa phương như Thanh Hà, Tứ Kỳ, Gia Lộc đang phát triển mạnh các loại táo để trồng ruộng cũng như trồng vườn.

4. Ổi lê Đài Loan

Tại các vùng trồng ổi truyền thống của Thanh Hà, Ninh Giang, Kinh Môn hiện đang sử dụng các giống ổi đã được trồng lâu nay như ổi bo, ổi sần. Bên cạnh các giống ổi cũ, nông dân đã trồng thử nghiệm ổi lê Đài Loan và cho kết quả tốt. Đây là giống ổi có ưu điểm chất lượng quả giòn, ngọt, ít hạt, mã quả màu vàng sáng rất phù hợp với thị hiếu tiêu dùng.

Hiện có các loại cây giống ghép mắt và cây giống chiết cành, song nông dân ưa chuộng cây giống chiết cành hơn do chi phí cây chiết cành không quá cao, cây lại nhanh cho thu hoạch. Năng suất và giá trị của cây ổi lê Đài Loan cho thu nhập khoảng 10-20 triệu đồng/sào/năm.

5. Mít Thái Lan

Khác với các loại mít truyền thống, giống mít Thái Lan có thể cho thu hoạch sau trồng từ 2-3 năm, vì vậy đang trở thành một trong những lựa chọn hàng đầu của các hộ trồng cây lâu năm. Bộ giống mít Thái khá đa dạng, từ mít da xanh siêu sớm, mít ruột đỏ, mít không hạt, mít lá bàng… với trọng lượng quả to, từ 8-12 kg/quả, chất lượng quả ngọt, giòn, khô ráo. Mặc dù vậy, mỗi giống mít phù hợp với từng chất đất cụ thể, nên bà con cần khảo sát điều kiện đất trồng để lựa chọn giống cây phù hợp.

Trên đây là các giống cây ăn quả đã được trồng phổ biến ở nhiều vùng cây ăn quả nước ta. Song, các hộ nông dân cần cân nhắc việc lựa chọn giống cây ăn quả sao cho phù hợp với điều kiện canh tác và mục đích tiêu dùng hay kinh doanh của từng hộ gia đình. Với các hộ trồng cây thành vùng hàng hóa, cần có sự đầu tư tìm hiểu về nhu cầu tiêu thụ trái cây tươi, trái cây phục vụ chế biến, công nghệ bảo quản, thị trường tiêu thụ đối với mỗi loại để có hướng cho việc lựa chọn giống cây trồng thích hợp.

B – KỸ THUẬT CẢI TẠO VƯỜN CÂY ĂN QUẢ

Đối với những vườn cây ăn quả đã trồng lâu năm, cây trở nên già cỗi, hiệu quả kinh tế không cao (gọi chung là vườn tạp), bà con nông dân cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật cải tạo để phát huy lợi ích của vườn cây trồng.

Có 3 phương pháp để cải tạo vườn tạp tùy theo hiện trạng vườn cây ăn quả của mỗi hộ gia đình. Với những cây có chất lượng quả ngon, phẩm chất cây tốt cần phải giữ lại thì bà con nên cải tạo bằng việc tỉa cành, tạo tán rồi chăm sóc, bón phân để cung cấp dinh dưỡng cho cây phát triển lại. Đối với những cây ăn quả lâu năm có hiện trạng khỏe mạnh, không sâu bệnh nhưng chất lượng quả không ngon, bà con nên tiến hành giữ lại gốc cây, ghép cải tạo giống mới lên gốc cây giống cũ theo phương pháp ghép nối cành. Cách làm này giúp tiết kiệm chi phí cây giống, thời gian thu hoạch quả nhanh hơn so với trồng cây mới. Còn đối với những cây ăn quả đã già cỗi, không còn khả năng phục hồi thì bà con nên chặt bỏ để trồng cây mới. Các bước cải tạo vườn tạp cụ thể như sau:

Bước 1. Khảo sát, đánh giá hiện trạng vườn tạp, dự toán kinh phí cải tạo vườn, tìm hiểu thông tin thị trường tiêu thụ và giống cây ăn quả.

Bước 2. Tiến hành loại bỏ nhưng cây già cỗi, không phù hợp với nhu cầu thị trường hiện tại, giá trị kinh tế không cao; đồng thời loại bỏ cây hoang dại trong vườn. Đối với những cây cần giữ lại, tiến hành phục tráng, cắt tỉa, tạo hình tạo tán, ghép cải tạo.

Bước 3. Thiết kế hệ thống tưới tiêu thoát nước, cải tạo lý - hóa tính của đất trồng.

Bước 4. Trong quá trình trồng, bà con nông dân cần lưu ý:

- Lựa chọn đúng giống, cây khỏe bệnh

- Trổng đúng mật độ, đúng khoảng cách với từng loại cây

- Đào hố trước khi trồng 1 tháng để phơi ải cho đất

- Sử dụng phân chuồng hoai mục kết hợp với lân và vôi bột để bón lót vào các hố trồng cây.

Để tìm hiểu về các biện pháp kỹ thuật cụ thể trong việc trồng, chăm sóc các loại cây ăn quả, bà con nông dân có thể liên hệ với kỹ sư Phạm Xuân Bình, Xí nghiệp Cây ăn quả và Cây dược liệu Cầu Xe theo số điện thoại 0979 749 838.

Bài của Đồng Văn Quang - Nguyễn Thị Ánh

đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 2 ra tháng 4 năm 2017

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.