Những vấn đề chung (số 2-2017) -0001-11-30 07:06:30

Hải Dương là một trong 7 tỉnh, thành thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Sản xuất nông nghiệp đã phát triển theo hướng sản xuấthàng hóachonăng suất, chất lượngvàhiệu quả được nâng lên, giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản tăng, trung bìnhđạt trên130,5 triệu đồng. Về cơ cấu, tỷ trọng chăn nuôi chiếm ngày càng lớn chiến trên 33,4%, tỷ trọng ngành thủy sản đạt 12,5% năm 2015.

Những năm gần đây, tỉnh đã tích cực hợp tác với các trường đại học, các cơ quan, viện nghiên cứu trong và ngoài tỉnh, như: Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Viện cây Lương thực và Cây thực phẩm, Viện Nghiên cứu rau quả, Viện nghiên cứu và phát triển cây trồng, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I, Viện chăn nuôi, v.v... nghiên cứu, khảo nghiệm và tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới về giống cây trồng và vật nuôi, về các biện pháp canh tác, ứng dụng chế phẩm sinh học để đưa vào áp dụng trong sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cho cán bộ và nông dân, nâng cao hiệu quả sử dụng trên một đơn vị diện tích gieo trồng.

Hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) của tỉnh luôn luôn quan tâm đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, số nhiệm vụ KH&CN và kinh phí đầu tư trong lĩnh vực này hằng năm chiến gần 50% số nhiệm vụ KH&CN và kinh phí sự nghiệp khoa học của tỉnh. Các công trình nghiên cứu và phát triển công nghệ đã tập trung vào việc đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ KH&CN mới trong quản lý, sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường nông thôn. Nghiên cứu, thử nghiệm lựa chọn các giải pháp KH&CN trong sản xuất và đời sống, các giống mới phù hợp với điều kiện sinh thái của tỉnh, năng lực của người dân và tập quán sản xuất từng vùng trên địa bàn tỉnh để chuyển giao cho người dân đưa vào sản xuất đại trà; đồng thời xác định các biện pháp canh tác, các giống cây trồng, vật nuôi mới không phù hợp với điều kiện của tỉnh để có biện pháp quản lý, khuyến cáo cho người dân không áp dụng trong sản xuất và đời sống để tránh thiệt hại. Nghiên cứu các giải pháp về quy hoạch phát triển nông thôn; thực hiện các chính sách về khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư,… Trong những năm gân đây đã nghiên cứu thử nghiệm thành công một số biện pháp canh tác mới, xây dựng thành công nhiều mô hình sản xuất các giống cây trồng và vật nuôi mới, đã kết luận và đưa một số giống lúa, cây rau mầu, giống gia cầm, thủy sản có năng suất, chất lượng vào cơ cấu giống cây trồng vật nuôi của tỉnh để sản xuất đáp ứng nhu cầu của thị trường hiện nay.

Các giải pháp khoa học trong lĩnh vực trồng trọt đã được áp dụng vào sản xuất có hiệu quả như: thực hiện gieo cấy theo phương thức một vùng, một giống, một thời gian; mô hình tổ chức và quản lý sản xuất lúa tập trung, phát triển vùng sản xuất lúa hàng hóa, xây dựng “cánh đồng mẫu lớn”; giải pháp trồng ngô mật độ cao không làm đất kết hợp đặt bầu, chỉnh tán giảm công lao động, giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế trồng ngô so với biện pháp canh tác truyền thống lên 20%; giải pháp kỹ thuật phục tráng giống, cải tạo vườn cây ăn quả kém hiệu quả bằng công nghệ nghép chồi nhằm góp phần dải vụ thu hoạch cho cây ăn quả, nâng cao giá trị kinh tế; áp dụng các kỹ thuật nhân giống chủ động sản xuất cung cấp giống chất lượng cho người dân trong và ngoài tỉnh góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trên đơn vị diện tích.

Khảo nghiệm, sản xuất thử đã kết luận và lựa chọn được nhiều giống lúa đưa vào cơ cấu giống lúa của tỉnh, trong đó tỉnh có quyền sở hữu giống Bắc thơm số 7 kháng bạc lá. Việc ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất lúa đã góp phần đưa năng suất lúa bình quân của tỉnh lên 60,4 tạ/ha/vụ, cao hơn năng suất lúa trung bình của cả nước (56,6 tạ/ha) 4,2 tạ/ha. Duy trì mô hình vùng giống lúa nhân dân đáp ứng cho 65%-70% diện tích gieo cấy lúa của tỉnh; xây dựng thành công các cánh đồng mẫu lớn sản xuất các giống lúa chất lượng cho hiệu quả kinh tế cao, hình thành và phát triển các mô hình cơ giới hóa từ khâu làm đất, sản xuất mạ khay, cấy bằng máy đến khâu thu hoạch bằng máy giảm chi phí sản xuất nâng cao hiệu quả kinh tế so với sản xuất thông thường từ 6-7 triệu đồng/ha. Triển khai mở rộng hàng ngàn ha giống lúa mới cho hiệu quả kinh tế cao hơn các giống cũ từ 7-15% như các giống lúa: lúa thuần RVT, PC6, P6 ĐB, GL 105, Hương cốm 4; các giống lúa lai TH7-2, Bio 404, Nghi Hương 2308; Hương ưu 3068, v.v…

Nghiên cứu áp dụng các biện pháp canh tác mới, chủ động xây dựng hệ thống sản xuất giống sạch bệnh; các giống cây rau mầu, cây công nghiệp và cây ăn quả mới đã được khảo nghiệm, nghiên cứu kết luận phù hợp với điều kiện của tỉnh có năng suất, chất lượng, đạt hiệu quả kinh tế cao đã được đưa vào cơ cấu giống của tỉnh, mở rộng tạo các vùng sản xuất hàng hóa như các giống: cà chua ghép gốc cà tím, khoai tây Sinora, bí xanh số 1, bí xanh số 2, dưa hấu F1 super Hoàn Châu, Thúy Đào 169, dưa bở vàng thơm, và các giống ngô nếp lai,… Các kết quả nghiên cứu đã góp phần đưa sản lượng cây rau mầu các loại đạt trên 663.222 tấn, nâng cao giá trị sản xuất/ha đất trồng trọt, xây dựng được một số vùng sản xuất hàng hoá tập trung giá trị sản xuất đạt 150-300 triệu đồng/ha/năm.

Trong nhiều năm tỉnh đã đầu tư nghiên cứu áp dụng các biện pháp phục tráng giống, cải tạo vườn cây ăn quả kém hiệu quả bằng công nghệ nghép chồi; đã đưa 7 giống cây ăn quả mới vào cơ cấu cây trồng của tỉnh, một số giống đã được nhân rộng thành các vùng sản xuất hàng hóa hàng chục ha cho giá trị kinh tế cao như các giống: Thanh long ruột đỏ, ổi lê Đài Loan, ổi trắng, cam vinh... Hiện nay tỉnh đã đầu tư xây dựng và duy trì được vườn cây ăn quả đầu dòng với 23 loại cây ăn quả quí hiếm gồm 700 cây các loại như: Vải thiều, nhãn sớm, nhẫn muôn, bưởi đào Thanh Hà, ổi, cam,… để sản xuất và cung cấp giống đảm bảo chất lượng cho người dân trong và ngoài tỉnh. Triển khai áp dụng các kỹ thuật tiến bộ về giống, chăm sóc, bảo quản, rải vụ kéo dài thời gian thu hoạch cùng với quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP cho  các vùng sản xuất hàng hóa hàng đối với các cây quả như: vải thiều, nhãn, na, cam, ổi với diện tích hàng trăm ha cho năng suất tăng 10-15%, giá trị sản xuất tăng 15-20% so với sản xuất trước đây. Cùng với việc quy hoạch phát triển các vùng sản xuất hàng hóa các cây ăn quả tỉnh còn đầu tư phát triển mở rộng vùng sản xuất các giống chè mới Phúc Vân Tiên, Kim Tuyên thay thế vườn chè giống cũ và các vườn cây kém hiệu quả trên địa bàn thị xã Chí Linh, cung cấp nguyên liệu cho chế biến chè, duy trì và phát triển thương hiệu trà Dược Sơn mới được xây dựng.

Tỉnh đã thực hiện quy hoạch và phát triển chăn nuôi theo mô hình tập trung qui mô trang trại, gia trại đến nay chất lượng đàn gia súc, gia cầm được nâng lên, đàn lợn nái chiếm 14% tổng đàn, có khoảng 42% gia cầm giống mới được đưa vào sản xuât, tỷ lệ bò lai chiếm 83%. Để đạt được kết quả này, tỉnh đã nghiên cứu, áp dụng các giải pháp kỹ thuật như: kéo dài thời gian bảo quản, nâng cao chất lượng tinh dịch lợn để đáp ứng yêu cầu sản xuất ở cơ sở, nhất là vùng sâu, vùng xa; đưa các dòng lợn nái mới vào sản xuất đã tăng năng suất và chất lượng thịt cho đàn lợn của tỉnh, tỷ lệ thịt lạc đạt 58-62% và cho hiệu quả kinh tế cao hơn các dòng nái khác trên 10%, phát triển một số giống lợn đực ngoại như: Landrace, Yorkshire, Piétrain RéHal, PiDu … để cung ứng tinh dịch giúp người chăn nuôi tạo đàn lợn lai thương phẩm có năng suất, chất lượng thịt cao.  Đến năm 2016 toàn tỉnh đã có 945 trang trại chăn nuôi gia súc gia cầm, tổng đàn lợn 657.000 con, tổng đàn gia cầm 11,7 triệu con, tổng đàn trâu bò 25.000 con; xây dựng được 7 khu chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung với quy mô từ 3 ha trở lên/khu tại 6 huyện trong tỉnh, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Các giống gia cầm mới cũng đã được đưa vào sản xuất thử nghiệm, rồi sản xuất hàng hóa tại các huyện trong tỉnh như: gà lông màu, Lương Phượng, gà mía lai, gà ri lai, gà chọi lai, vịt Super, v.v... Năm 2015 tỉnh đã xây dựng được nhãn hiệu tập thể “Gà đồi Chí Linh”, góp phần ổn định trong chăn nuôi gia cầm của tỉnh.

Đối với thủy sản tỉnh đã đầu tư cho việc tiếp nhân công nghệ sản xuất và xây dựng hoàn chỉnh khu sản xuất con giống cá Rô phi đơn tính đực lai tạo bằng công nghệ lai xa, cá chép V1 có thể sản xuất được trên 3,0 triệu con giống/năm để chủ động cung cấp giống đáp ứng cho nhu cầu người dân trên địa bàn tỉnh,... Đến nay các giống cá rô phi đơn tính đực, cá rô phi từ Điêu Hồng, cá chép V1 và một số loại cá đặc sản khác đã được phát triển sản xuất mở rộng ở 12 huyện, thị xã, thành phố trên toàn tỉnh, diện tích nuôi đã lên tới trên 10.847 ha, sản lượng hiện nay đạt trên 66.672 tấn/năm, giá trị sản xuất thủy sản đạt 2.417,3 tỷ đồng…., riêng cá rô phi đạt trên 18.000 tấn/năm. Ngoài ra còn ứng dụng rộng rãi các kỹ thuật xử lý môi trường ao nuôi bằng công nghệ sinh học,…

Các cơ sở, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản, ngành nghề nông thôn đã có nhiều nỗ lực trong việc tiếp thu các kỹ thuật tiến bộ mới nhằm ổn định và phát triển sản xuất. Đối với việc giết mổ, chế biến nông sản sau thu hoạch tỉnh đã xây dựng và đưa vào hoạt động 01 mô hình giết mổ tập trung tại thành phố Hải Dương; áp dụng công nghệ sấy rau gia vị mới đảm bảo vệ sinh thực phẩm, tiết kiệm năng lượng vào sản xuất các sản phẩm nông sản phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu như: hành, cà rốt, bí ngô, các loại rau gia vị,…

Để phát triển thị trường cho các sản phẩm nông sản, sản phẩm các làng nghề, tỉnh luôn chú trọng đến việc hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm của tỉnh. Đến năm 2016 tỉnh đã xây dựng được 01 chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm vải thiều Thanh Hà, 18 nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm nông sản đặc sản của tỉnh và các sản phẩm nông sản, sản phẩm làng nghề khác như: Gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn, Cà rốt Đức Chính (Cẩm Giàng), Gà đồi Chí Linh, Củ đậu Kim Thành, Sắn dây Kinh Môn, Bánh đa Hội Yên, Bánh gai Ninh Giang, Na Chí Linh, Bưởi Lập Lễ (Thanh Hà), Giầy da Hoàng Diệu (Gia Lộc), …

Đối với môi trường khu vực nông thôn tỉnh đã nghiên cứu thử nghiệm thành công công nghệ chôn lấp rác hợp vệ sinh quy mô xã, thực hiện đầu tư xây dựng bãi chôn lập rác hợp vệ sinh cho các thị trấn, các xã thuộc các huyện, thị xã trong tỉnh. Nghiên cứu lựa chọn giải pháp xử lý rác thải đồng ruộng, xử lý rơm rạ dư thừa sau thu hoạch thành phân bón hữu cơ bằng chế phẩm sinh học giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp.

Hoạt động KH&CN của tỉnh trong những năm qua đã có những đóng góp quan trọng đối việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tại tỉnh, đến hết năm 2016 toàn tỉnh có 95/226 xã được công nhận chuẩn nông thôn mới. Trong những năm tới tỉnh tiếp tục tập trung đầu tư trong việc nghiên cứu về nông hoá, thổ nhưỡng, rà soát, lập quy hoạch phát triển từng cây trồng chủ lực, vùng sản xuất hàng hoá tập trung trên phạm vi toàn tỉnh và của từng địa phương trong tỉnh. Tiếp tục lựa chọn, đưa nhanh các giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao, thích ứng tốt với thời tiết, chống chịu sâu bệnh tốt, phù hợp thị trường, cho hiệu quả cao vào sản xuất; mở rộng diện tích sản xuất nông  nghiệp theo quy trình sản xuất an toàn. Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đối với cây rau và cây hoa. Mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản gắn với bảo vệ môi trường, nhất là đối với những thủy sản cho giá trị cao. Tiếp tục nghiên cứu để phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng tập trung như: trang trại, gia trại và xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung tại các huyện trong tỉnh. Tiếp tục tập trung hỗ trợ xây dựng thương hiệu nông sản hàng hóa đối với các sản phẩm nông nghiệp đặc thù, có thế mạnh của tỉnh.

Bài của Phạm Văn Bình

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 2 ra tháng 4/2017

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.