Khoa học và công nghệ (số 2-2017) 2017-11-10 07:57:23

UBND tỉnh Hải Dương ban hành Quyết định số 20/2015/QĐ-UBND ngày 19/11/2015 về việc “Quy định quản lý và định mức xây dựng dự toán kinh phí đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Hải Dương”, Quyết định số 08/2012/QĐ-UBND ngày 06/02/2012 về “Quy định quản lý các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Hải Dương” nhằm cụ thể hóa Luật Khoa học và Công nghệ sửa đổi năm 2013, các nghị định, thông tư hướng dẫn phù hợp với thực tiễntỉnh Hải Dương trong giai đoạn hiện nay, góp phần đưa hoạt động khoa học và công nghệ gắn thực tiễn đời sống, kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Các nhiệm vụ KH&CN gồm có các nhiệm vụ do tỉnh đặt hàng và các nhiệm vụ do các tổ chức và cá nhân đề xuất là các cơ quan Nhà nước, các đoàn thể chính trị-xã hội, các tổ chức KH&CN, doanh nghiệp, các nhà khoa học độc lập, v.v... nhằm giải quyết các nhu cầu bức xúc của sản xuất, đời sống, xã hội, an ninh, quốc phòng; quản lý kinh tế, kỹ thuật và quản lý xã hội ở một ngành, một địa phương trong tỉnh hoặc các vấn đề bức xúc của sản xuất, kinh doanh, đổi mới công nghệ, có tác động đến nhiều lĩnh vực. Các yếu tố đầu vào cấu thành dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH&CN theo Điều 6 Thông tư Liên tịch số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN ngày 22/4/2015 của Bộ Tài chính - Bộ Khoa học và Công nghệ về hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước, gồm các mục chi: công lao động trực tiếp cho các chức danh chủ nhiệm nhiệm vụ, thành viên thực hiện chính, thư ký khoa học; thành viên, kỹ thuật viên, nhân viên hỗ trợ; thuê chuyên gia trong nước và chuyên gia ngoài nước phối hợp trong quá trình nghiên cứu và thực hiện nhiệm vụ KH&CN; thuê tài sản, mua sắm tài sản thiết yếu,phục vụ trực tiếp cho hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ...; chi hội thảo khoa học, công tác phí trong và ngoài nước phục vụ hoạt động nghiên cứu. Chi trả dịch vụ thuê ngoài phục vụ hoạt động nghiên cứu; chi điều tra, khảo sát thu thập số liệu; chi văn phòng phẩm, thông tin liên lạc, in ấn phục vụ hoạt động nghiên cứu; chi họp hội đồng tự đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN; chi quản lý chung nhiệm vụ KH&CN nhằm đảm bảo yêu cầu quản lý trong triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN; chi khác có liên quan trực tiếp đến triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN.

Ngoài ra, tỉnh Hải Dương quy định bổ sung một số yếu tố đầu vào cấu thành dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH&CN cho phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh Hải Dương gồm: công cán bộ tại các địa phương hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ KH&CN; in ấn, xuất bản và phát hành các sản phẩm nghiên cứu; hội thảo đánh giá tiến độ thực hiện; tuyên truyền, xăng xe phục vụ hoạt động nghiên cứu; nội dung chi khác có liên quan trực tiếp đến triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN.

Trong lĩnh vực khoa học nông nghiệp người dân và các đối tượng khác tham gia thực hiện các nhiệm vụ KH&CN được hỗ trợ tiền mua thuốc bảo vệ thực vật; phân bón, thuốc thú y, thuốc thủy sản, chế phẩm sinh học,...về giống cây trồng vật nuôi đưa vào nghiên cứu, sản xuất thử, sản xuất trình diễn, mô hình sản xuất mở rộng, cụ thể định mức được hỗ trợ như sau:

a. Đối với giống cây trồng, vật nuôi đưa vào khảo nghiệm, áp dụng sản xuất thử lần đầu trên địa bàn tỉnh: hỗ trợ 100% kinh phí mua giống cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ 100% phân bón, chế phẩm sinh học, thuốc bảo vệ thực vật: là loại đặc chủng hoặc theo yêu cầu khoa học; hỗ trợ 100% thuốc thú y, thuốc thủy sản.

b. Đối với giống cây, giống con đưa vào mô hình sản xuất trình diễn, mô hình sản xuất mở rộng: hỗ trợ 50% tiền mua giống cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ 50% tiền mua phân bón, chế phẩm sinh học, thuốc bảo vệ thực vật là các loại đặc chủng hoặc theo yêu cầu khoa học; hỗ trợ 50% tiền thuốc thú y, thuốc thủy sản.

Tổ chức chủ trì thực hiện các nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước được dự toán các nội dung chi quản lý chung phục vụ nhiệm vụ KH&CN, bao gồm: chi điện, nước, các khoản chi hành chính phát sinh liên quan đảm bảo triển khai nhiệm vụ KH&CN tại tổ chức chủ trì; chi tiền lương, tiền công phân bổ đối với các hoạt động gián tiếp trong quá trình quản lý nhiệm vụ KH&CN của tổ chức chủ trì. Dự toán kinh phí quản lý chung nhiệm vụ KH&CN bằng 5% tổng dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước nhưng tối đa không quá 150 triệu đồng. Các Nhiệm vụ KH&CN cần phải thuê chuyên gia trong nước không quá 30 triệu đồng/người/tháng (22 ngày/tháng). Tổng dự toán kinh phí thực hiện nội dung chi thuê chuyên gia trong nước không quá 30% tổng dự toán kinh phí chi tiền công trực tiếp thực hiện nhiệm vụ KH&CN. Trong trường hợp nhiệm vụ KH&CN có nhu cầu thuê chuyên gia ngoài nước thì kinh phí thực thuê chuyên gia không quá 50% tổng dự toán kinh phí chi tiền công trực tiếp thực hiện nhiệm vụ KH&CN.

Ngoài ra các đơn vị thực hiện nhiệm vụ KH&CN được chi về hội thảo khoa học, hội thảo đánh giá tiến độ, nghiệm thu cấp cơ sở, chi điều tra, khảo sát thu thập số liệu phục vụ nghiên cứu theo định mức đã quy địnhvà các khoản chi khác được vận dụng theo các quy định hiện hành của tỉnh và các quy định hiện hành của pháp luật.

UBND tỉnh ban hành Quyết định số 804/QĐ-UBND ngày 22/4/2013 về việc phê duyệt Đề án: Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho các doanh nghiệp tỉnh Hải Dương giai đoạn 2013-2020 nhằm xây dựng phong trào năng suất, chất lượng thông qua việc xây dựng, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, các công cụ cải tiến năng suất, chất lượng tiên tiến tại các doanh nghiệp; đẩy mạnh hoạt động tiêu chuẩn, đo lường,chất lượng nhằm góp phần tạo chuyển biến về năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.Nâng cao nhận thức, năng lực quản lý, xây dựng đội ngũ chuyên gia về năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa tại các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp.Đề án Hỗ trợ doanh nghiệp (HTDN) về chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn/phù hợp quy chuẩn kỹ thuật/hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến với mức hỗ trợ là 20 triệu đồng/DN. HTDN xây dựng tiêu chuẩn cơ sở 5 triệu đồng/tiêu chuẩn. HTDN đăng ký sử dụng mã số mã vạch 1 triệu đồng/DN. Hỗ trợ tham gia giải thưởng chất lượng quốc gia 5 triệu đồng/giải bạc, 10 triệu đồng/giải vàng. Kết quả từ năm 2013 đến nay Đề án đã hỗ trợ trực tiếp cho 5 doanh nghiệp xây dựng mô hình doanh nghiệp điểm; 7 đơn vị tham gia Giải chất lượng quốc gia; 3 doanh nghiệp chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn; 24 doanh nghiệp chứng nhận phù hợp quy chuẩn; 22 doanh nghiệp chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng; 32 doanh nghiệp đăng ký mã số mã vạch và hỗ trợ xây dựng 51 tiêu chuẩn cơ sở.

Trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án “Phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Hải Dương giai đoạn 2017 - 2020” tại Quyết định số 2541/QĐ-UBND ngày 19/9/2016. Đề án tư vấn, hướng dẫn xác lập quyền sở hữu công nghiệp (SHCN), tuyên truyền, đào tạo, tập huấn kiến thức về tạo lập, quản lý, khai thác, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ (TSTT); hỗ trợ tạo lập, đăng ký xác lập quyền SHCN trong và ngoài nước cho khoảng 300-500 đối tượng SHCN; Hỗ trợ xây dựng, phát triển mô hình quản lý, khai thác và phát triển TSTT cho các tổ chức, doanh nghiệp, hiệp hội, làng nghề có nhu cầu; Hỗ trợ khai thác, áp dụng các sáng chế, giải pháp hữu ích, ứng dụng về chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp, các tổ chức cá nhân có nhu cầu.

Định mức hỗ trợ 6 triệu đồng/nhãn hiệu đăng ký bảo hộ 1 nhóm sản phẩm/ dịch vụ, nếu nhãn hiệu có nhiều nhóm sản phẩm/dịch vụ thì từ nhóm thứ 2 trở đi hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/nhóm; 8 triệu đồng/kiểu dáng công nghiệp bao gồm các chi phí dịch vụ thiết lập hồ sơ bảo hộ, nộp đơn, theo đuổi đơn; Hỗ trợ 30 triệu đồng/sáng chế/giải pháp hữu ích bao gồm chi phí dịch vụ tư vấn, viết mô tả sáng chế/giải pháp hữu ích. Mức hỗ trợ đối với nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý được xác định theo nội dung thuyết minh, dự toán kinh phí xây dựng và phát triển TSTT đối với được xác định được phê duyệt thực hiện. Hỗ trợ đăng ký bảo hộ cho các đối tượng SHCN ở nước ngoài sẽ căn cứ mức phí dịch vụ thiết lập hồ sơ bảo hộ, nộp đơn, theo đuổi đơn, phí cấp giấy chứng nhận và duy trì hiệu lực văn bằng bảo hộ của từng và theo quyết định hỗ trợ kinh phí của UBND tỉnh phê duyệt. Hỗ trợ tham gia hội chợ khu vực phía Bắc 15 triệu đồng/doanh nghiệp; khu vực miền Trung, Tây nguyên 20 triệu đồng/doanh nghiệp, khu vực miền Nam 25 triệu đồng/doanh nghiệp. Hỗ trợ 30% tổng kinh phí cho việc áp dụng hoặc chuyển giao các đối tượng SHCN, hợp đồng chuyển giao công nghệ.

Đối tượng là các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, nhà nghiên cứu sáng chế, cán bộ nghiên cứu khoa học; HTX, hiệp hội, hội ngành hàng thành lập hợp pháp, làng nghề được UBND tỉnh công nhận; tổ chức, đơn vị sự nghiệp được thành lập hợp pháp thuộc mọi lĩnh vực hoạt động trên địa bàn tỉnh. Đề án áp dụng cho các hoạt động liên quan đến việc nâng cao nhận thức về SHTT, hoạt động tạo lập, đăng ký, quản lý khai thác, phát triển TSTT, các hoạt động chuyển giao và áp dụng sáng chế, giải pháp hữu ích, giải pháp kỹ thuật công nghệ và hoạt động khác nhằm quảng bá, tôn vinh năng lực sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh DN, đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Từ đầu năm đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ đã tiến hành hỗ trợ đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho 41 nhãn hiệu, 5 kiểu dáng công nghiệp với tổng kinh phí hỗ trợ là 312 triệu đồng.

Bài của Lê Lương Thịnh

Đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 5 ra tháng 10/2017

 

 

 

 

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.