Hoạt đông TC-ĐL-CL (số 2-2017) -0001-11-30 07:06:30

Trong thời gian qua, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tỉnh Hải Dương đã đạt được những kết quả trên nhiều lĩnh vực. Công tác thông tin, truyền thông, giáo dục, phổ biến kiến thức pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) được đẩy mạnh đã tạo được sự quan tâm của toàn xã hội. Bước đầu đã làm chuyển biến về nhận thức của nhà quản lý, người sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng, tạo tiền đề thuận lợi trong các hoạt động đảm bảo ATTP. Công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường, phát hiện nhiều vụ vi phạm, giúp ngăn chặn và xử lý nhiều vụ vi phạm về ATTP trên địa bàn góp phần làm cho thị trường thực phẩm an toàn hơn.

Từ năm 2011 - 2016 trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã xây dựng được 10 mô hình quản lý thực phẩm an toàn theo chuỗi để phân tích, kiểm soát các sản phẩm rau, củ, quá, trứng gà và gà thịt. Chất lượng sản phẩm nông lâm thủy sản ngày càng được đảm bảo, tỷ lệ nhiễm vi sinh vật, thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh vượt ngưỡng, sản phẩm có chất cấm ngày càng giảm. Trên địa bàn tỉnh đã xây dựng các vùng sản xuất cây rau mầu tập trung có giá trị kinh tế cao như: Vùng hành, tỏi củ của huyện Kinh Môn, Nam Sách với diện tích 5.000 ha; vùng củ đậu của huyện Kim Thành, Kinh Môn với diện tích 700 ha; vùng cà rốt của huyện Cẩm Giàng, Nam Sách với diện tích 1.400 ha; vùng su hào, cải bắp, súp lơ của huyện Gia Lộc, Tứ Kỳ, Kim Thành với diện tích 3.500 ha; vùng cà chua của huyện Nam Sách, TP. Hải Dương…Tỉnh đã và đang xây dựng 6 vùng sản xuất rau an toàn của 6 địa phương gồm: xã Phạm Trấn (Gia Lộc) với diện tích 37 ha; xã Hồng Lạc (Thanh Hà) với diện tích 10 ha; phường Việt Hòa (TP. Hải Dương) với diện tích 4,5 ha; xã Phạm Kha (Thanh Miện) với diện tích 10 ha; xã Tam Kỳ (Kim Thành) với diện tích 20 ha; xã Đức Chính (Cẩm Giàng) với diện tích 50 ha. Đến năm 2016 đã có 313,95 ha rau, vải, ổi, cam được chứng nhận VietGAP; 12 ha vải quả được sản xuất theo GlobalGAP; 6000 ha vải ở Thanh Hà, Chí Linh nông dân được hướng dẫn sản xuất theo quy trình VietGAP. Thực hiện đề án “Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016 - 2020” có 7 huyện đã và đang lập quy hoạch vùng sản xuất rau mầu tập trung an toàn giai đoạn 2016 - 2020. Hàng năm xây dựng mới khảng 150 ha rau mầu, 100 ha cây ăn quả sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, xây dựng mới khoảng 50 ha lúa, 50 ha rau mau và 50 ha cây ăn quả sản xuất theo hướng hữu cơ.

Toàn tỉnh hiện có 642 trang trại chăn nuôi, có 183 cơ sở chăn nuôi quy mô lớn, một số cơ sở có quy mô lớn từ 300 - 800 con lợn nái ngoại, 5000 - 12.000 lợn thịt, 40.000 con gia cầm trở lên… Tập trung chủ yếu ở huyện Cẩm Giàng, Nam Sách, Thanh Hà, Tứ Kỳ, TX Chí Linh…. Đến nay có 5 trang trại chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận VietGAP, 420 hộ nuôi lợn và gà được cấp chứng nhận GAP nông hộ. Hiện nay tỉnh Hải Dương có 1 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung ở phường Thạch Khôi (TP. Hải Dương) tổ chức giết mổ 250 - 300 con lợn, 1300 - 1500 con gia cầm/ngày và xây dựng được 9 cơ sở giết mổ tập trung theo hình thức liên gia với quy mô từ 10 - 20 con lợn, 100 - 200 con gia cầm/ngày và 40 cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh động vật được Cục Thú y công nhận. Tỉnh cũng đã xây dựng được 24 cơ sở chăn nuôi sản xuất theo quy trình VietGAHP có quy mô thường xuyên tập trung từ 300 con lợn thịt, 7000 con gia cầm thịt, 200 con bò thịt trở lên. Phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng hình thành các khu chăn nuôi tập trung, trang trại, cơ sở chăn nuôi công nghiệp, gắn với xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm. Trong 5 năm 2012 - 2016, toàn tỉnh đã triển khai các chương trình lấy mẫu, kiểm tra đánh giá chất lượng rau, quả và lấy 355 mẫu sản phẩm rau, củ, quả gửi đi kiểm tra, phân tích dư lượng Nitrate, thuốc BVTV và vi sinh vật gây bệnh. Kết quả phân tích có 58/355 mẫu có tồn dư lượng Nitrate và 9/355 mẫu có phát hiện dư lượng các hoạt chất thuốc BVTV vượt ngưỡng cho phép, 104/355 mẫu rau, quả nhiễm vi sinh vật vượt ngưỡng cho phép.

Hằng năm duy trì thường xuyên kiểm dịch vận chuyển đảm bảo sự lưu thông, buôn bán vận chuyển động vật trong và ngoài tỉnh, đến nay đã kiểm tra vệ sinh thú y được 115/137 chợ có buôn bán thực phẩm. Từ năm 2012 - 2016 đã lấy mẫu thịt tại một số chợ, cơ sở và lò mổ các huyện trên địa bàn tỉnh để phân tích các chỉ tiêu an toàn thực phẩm gồm: các chất kháng sinh, hooc môn cấm và vi sinh vật nguy hại. Kết quả 2/200 mẫu có chất cấm trong sản phẩm thịt, có 93/200 mẫu thịt nhiễm vi sinh cật vượt ngưỡng cho phép. Các cơ quan quản lý đã xếp loại 29 cơ sở giết mổ động vật; 35 cơ sở sơ chế, chế biến các sản phẩm động vật, cấp 29 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Toàn tỉnh hiện có khoảng 10.847 ha diện tích nuôi thủy sản với sản lượng đạt 66.424 tấn, năng suất bình quân 6,2 tấn/ha. Có 8 huyện, thị xã, thành phố nuôi cá lồng trên sông với 2.174 lồng nuôi, khoảng 240.264 m3, sản lượng đạt 5000 tấn. Các hộ nuôi đều được tập huấn kiến thức về nuôi thủy sản theo hướng VietGAP. Các đơn vị của ngành đã lấy 60 mẫu thủy sản và các sản phẩm thủy sản nuôi để phân tích các chỉ tiêu về VSATTP như vi sinh vật, kim loại nặng, kháng sinh và các chất cấm. Kết quả đã không phát hiện hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng, chỉ tiêu kim loại nặng, vi sinh vật nằm trong giới hạn cho phép.

Năm 2015 tỉnh Hải Dương đã kiểm tra và đình chỉ hoàn toàn 200 cơ sở không đủ điều kiện kinh doanh. Toàn tỉnh hiện có 850 cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật và các cơ sở đều tham gia lớp huấn luyện và cấp chứng nhận chuyên môn về thuốc BVTV. Có 215/850 cơ sở kinh doanh thuốc BVTV được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện kinh doanh thuốc BVTV. Số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm của toàn tỉnh là 3094/4233 cơ sở thuộc đối tượng cấp đạt 73,1%. Công tác công bố chất lượng sản phẩm được quan tâm, toàn tỉnh đã cấp được 1.186 sản phẩm tiếp nhận công bố hợp quy và giấy xác nhận phù hợp quy định ATTP. Các cơ sở không thuộc diện phải cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, cơ quan quản lý tổ chức ký cam kết đảm bảo ATTP và thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, nhắc nhở chấp hành các quy định pháp luật về ATTP, tổ chức tập huấn, xác nhận kiến thức ATTP và khám sức khỏe cho người trực tiếp tham gia sản xuất, chế biến thực phẩm. Toàn tỉnh có 5.273 cơ sở tham gia ký kết đảm bảo ATTP đạt tỷ lệ 84,25% tổng số cơ sở thuộc diện không phải cấp chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Một số làng nghề như bánh đa, bún, nấu rượu thủ công… hàng năm đều được các cơ quan chuyên môn tổ chức tuyên truyền, tập huấn, phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm cho những người tham gia chế biến của các làng nghề thực phẩm.

Với 60 bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp và 30 bếp ngoài khu công nghiệp, khoảng hơn 400 bếp ăn của trường học, hầu hết các bếp ăn tập thể đều được cấp chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, người trực tiếp tham gia chế biến trong bếp được tham gia tập huấn và xác nhận kiến thức ATTP. Các nhà hàng, khách sạn đều đã có sự đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ chế biến nên cơ bản đáp ứng yêu cầu đảm bảo ATTP. Do vậy nhiều năm qua, không có các vụ ngộ độc thực phẩm tại các cơ sở khách sạn, nhà hàng. Với 10 cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ chất phụ gia, chế hỗ trợ chế biến, chất bảo quản thực phẩm đa số các sản phẩm đều có nguồn gốc, xuất xứ, tem nhãn đầy đủ.

Nhờ làm tốt công tác thông tin, truyền thông, kiểm tra, giám sát việc đảm bảo ATTP nên các vụ ngộ độc thực phẩm và số người mắc đã giảm, không có trường hợp tử vong. Trong 5 năm trên địa bàn tỉnh có 7 vụ với 176 người mắc, không có vụ ngộ độc lớn. Có 2/7 vụ ngộ độc được xác định nguyên nhân do nhiễm vi sinh vật vào thực phẩm. Số vụ ngộ độc thực phẩm và số người mắc đã giảm dần, không có trường hợp tử vong. Hằng năm chỉ xảy ra từ 1 - 2 vụ ngộ độc thực phẩm với số người mắc trong một vụ rất ít, tỉ lệ 1,1/100.000 đến 4/100.000. Trong năm 2016 trên địa bàn toàn tỉnh không có vụ ngộ độc nào xảy ra. Do đẩy mạnh công tác truyền thông nên kiến thức và thực hành về an toàn thực phẩm cho người quản lý, người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng đã tăng: Người quản lý có kiến thức và  thực hành đúng về an toàn thực phẩm năm 2010 đạt 60% đến năm  2015 đạt 75%; người tiêu dùng có kiến thức và thực hành đúng về ATTP năm 2010 đạt 55% đến năm 2015 đạt 75%. Công tác tuyên truyền còn được tăng cường trong những đợt cao điểm như tháng hành động về chất lượng ATTP, trong những ngày lễ, tết, hoặc những thời điểm xảy ra dịch bệnh… Cũng trong 5 năm toàn tỉnh đã tổ chức 54.326 lần kiểm tra và 1.751 đoàn thanh, kiểm tra đạt 81,51% đã xử phạt 1.275 cơ sở với số tiền là hơn 1,21 tỷ đồng. Hiện nay đã có một số cơ sở xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng như ISO 22000, HACCP, GMP, VietGAP… và tích cực tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATTP.

Giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh Hải Dương tiếp tục nâng cao năng lực hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về chất lượng ATTP từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn nhằm đảm bảo chất lượng ATTP đáp ứng nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực. Nâng cao nhận thức của chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong việc thực hiện các quy định về ATTP. Người dân trên địa bàn tỉnh được sử dụng các thực phẩm an toàn góp phần bảo vệ sức khỏe và môi trường. Phấn đấu đến hết năm 2017 có trên 87% người sản xuất, người kinh doanh thực phẩm, trên 81% người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh có hiểu biết đúng và thực hành đúng về ATTP. Tăng tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đạt yêu cầu về an toàn thực phẩm, 85% cơ sở thực phẩm đạt yêu cầu về ATTP, giảm tỷ lệ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

Bài của Phạm Ninh Hải

Đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 2 ra tháng 4 năm 2017

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.