Khoa học quản lý (số 2-2017) -0001-11-30 07:06:30

Viêm gan do virus viêm gan B  là một bệnh nhiễm trùng nặng và phổ biến, đã gây bệnh cho hàng trăm triệu người trên khắp thế giới. Tại Hải Dương, tỷ lệ thai phụ nhiễm virus viêm gan B khá cao. Kết quả nghiên cứu của ThS Phạm Thị Thanh Tâm và cộng sự tại Bệnh viện Phụ sản Hải Dương (năm 2012) trên 7.463 thai phụ cho thấy tỉ lệ thai phụ có kháng nguyên bề mặt của siêu vi B (HBsAg) chiếm 6%. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào đi sâu phân tích về các yếu tố tăng lây truyền virus viêm gan B từ mẹ sang con, đặc biệt là yếu tố tải lượng virus viêm gan B trong máu cao ở thai phụ, là căn cứ để đưa ra các khuyến cáo phòng bệnh hiệu quả nhằm ngăn chặn đường lây truyền này.

Chính vì vậy, Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương phối hợp với Bệnh viện Phụ sản Hải Dương thực hiện đề tài khoa học: “Hoàn thiện quy trình và phác đồ điều trị dự phòng lây truyền virus viêm gan B từ mẹ sang con ở các thai phụ có tải lượng virus máu cao tại bệnh viện Phụ sản tỉnh Hải Dương”. Đề tài do Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương chủ trì thực hiện từ tháng 1/2015 đến tháng 11/2016.

Ban chủ nhiệm đề tài đã tiến hành nghiên cứu đánh giá thực trạng thai phụ viêm gan B mạn tính có tải lượng virus máu cao tại bệnh viện phụ sản tỉnh Hải Dương. Nghiên cứu được thực hiện trong thời gian từ tháng 1/2015 đến tháng 11/2016, với quy mô 334 mẫu xét nghiệm máu định lượng HBV DNA, trên 334 đối tượng là thai phụ nhiễm virus viêm gan B mạn tính ở tuần thai 28. Kết quả nghiên cứu cho thấy: Trong tổng số 334 thai phụ nhiễm virus viêm gan B, có 45,5 % số thai phụ không phát hiện virus trong máu; 7,8% tỷ lệ thai phụ có kết quả xét nghiệm máu định lượng HBV DNA dưới ngưỡng phát hiện; 12,6% tỷ lệ thai phụ có kết quả xét nghiệm máu định lượng HBV DNA ≤ 106 copies/ml. Đặc biệt, tỷ lệ thai phụ có lượng virus trong máu cao > 106 copies/ml chiếm tới 34,1%. Đây là nhóm đối tượng có nguy cơ cao lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con. Theo đánh giá về mặt dịch tễ học, nhóm thai phụ có tải lượng HBV DNA cao ở các địa phương có tỷ lệ lớn là huyện Cẩm Giàng (19,3%), thành phố Hải Dương (14,9%), huyện Gia Lộc (11,4%); thấp nhất là các địa phương như: Ninh Giang (1,8%), thị xã Chí Linh (1,8%)... Trong độ tuổi của các thai phụ trong nghiên cứu (17 – 38 tuổi), thì tỷ lệ thai phụ bị nhiễm virus cao nhất ở độ tuổi từ 20 – 30 tuổi (chiếm tỷ lệ 88,5%), hoàn toàn phù hợp với độ tuổi sinh sản của phụ nữ.

Để xác định hiệu quả can thiệp điều trị bằng thuốc kháng virus trên thai phụ có tải lượng virus máu cao, đề tài đã tiến hành nghiên cứu điều trị trên 68 thai phụ, sử dụng ngẫu nhiên 2 loại thuốc Lamivudin và Tenofovir, thời gian điều trị trong 3 tháng cuối thai kỳ. Trong tổng số 68 thai phụ tham gia điều trị, chỉ có 02 trường hợp xảy ra tác dụng phụ, chiếm tỷ lệ 2,94%, với biểu hiện: ban đỏ xuất hiện quanh mắt trong thời gian 01 ngày, nôn trong 3 ngày đầu điều trị và không cần can thiệp thuốc hỗ trợ, không có trường hợp bùng phát viêm gan B trong đợt điều trị. Như vậy, hai loại thuốc trên đều thể hiện sự an toàn trong quá trình điều trị cho thai phụ.  Kết quả nghiên cứu đánh giá hiệu quả điều trị cho thấycó sự khác biệt về tải lượng HBV DNA trước và sau điều trị, sau điều trị tải lượng HBV DNA giảm có ý nghĩa thống kê với p < 0,001. Trong đó, nhóm thai phụ điều trị bằng Tenofovir có mức độ giảm tải lượng HBV DNA nhiều hơn so với nhóm thai phụ điều trị bằng Lamivudin, nhóm điều trị bằng Lamivudin chủ yếu giảm ở mức 1-3 log10 trong khi nhóm điều trị bằng Tenofovir giảm tập trung ở mức 5 log10.  Theo dõi 52 mẫu xét nghiệm máu định tính HBsAg, 53 mẫu xét nghiệm định lượng HBV DNA trên trẻ sơ sinh của các thai phụ trong thời gian nghiên cứu cho thấy, 13% xét nghiệm máu cuống rốn có kết quả HBsAg dương tính và 7,6 % xét nghiệm định lượng HBV DNA phát hiện thấy có virus trong máu. Tại thời điểm 1 tháng sau sinh, theo dõi 47 mẫu xét nghiệm máu định tính HBsAg, 46 mẫu xét nghiệm định tính anti HBsAg và 49 mẫu xét nghiệm định lượng HBV DNA kết quả xét nghiệm máu của các bé chưa có trường hợp nào HBsAg dương tính và chưa có trường hợp nào phát hiện có HBV DNA trong máu; 84,8 % trẻ đã có đáp ứng kháng thể bảo vệ chống nhiễm virus VGB. Kết quả này cho thấy hiệu quả điều trị thuốc kháng virus làm giảm tỷ lệ lây truyền virus viêm gan B từ mẹ sang con trong chu kỳ sinh là rất tốt.

Từ kết quả nghiên cứu trên, Ban chủ nhiệm đề tài đã hoàn thiện quy trình và phác đồ điều trị dự phòng lây truyền virus viêm gan B từ mẹ sang con ở các thai phụ có tải lượng virus máu cao tại bệnh viện Phụ sản tỉnh Hải Dương. Quy trình bao gồm 10 bước cụ thể, trong đó có các bước từ tư vấn ngay khi thai phụ mang thai tháng đầu tiên, đến việc xét nghiệm sàng lọc định tính HBsAg có thể thực hiện tại các cơ sở y tế, phòng khám thai. Các bước tư vấn khả năng lây truyền virus viêm gan B sang con, tư vấn điều trị, xét nghiệm trước, trong và sau quá trình sinh con 1 tháng cần được thực hiện tại các cơ sở y tế lớn tại tỉnh Hải Dương là Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương, Bệnh viện Phụ sản tỉnh Hải Dương và Bệnh viện Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương.

Kết quả nghiên cứu của đề tài đã được Hội đồng khoa học và công nghệ của tỉnh đánh giá có tính cấp thiết và giá trị cao đối với xã hội và ngành y tế, đồng thời có khả năng áp dụng cao trong tỉnh Hải Dương, góp phần phòng lây truyền virus viêm gan B từ mẹ sang con, giảm thiểu tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B trong cộng đồng tỉnh Hải Dương. Với ý nghĩa khoa học và thực tiễn đạt được, đề tài được Hội đồng nghiệm thu đánh giá xếp loại Khá. ThS Nguyễn Thị Thu Hiền – Phó trưởng Bộ môn Nhi (Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương) – chủ nhiệm đề tài, cho biết: Trước khi Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương thực hiện đề tài khoa học trên, tại Bệnh viện Phụ sản tỉnh Hải Dương mới thực hiện được việc xét nghiệm sàng lọc phát hiện các thai phụ nhiễm virus viêm gan B, theo dõi sát các thai phụ này để đảm bảo an toàn cho các thai phụ sinh con.

Với việc áp dụng đề tài khoa học công nghệ trong lĩnh vực y tế, các thai phụ không chỉ được xét nghiệm sàng lọc tình trạng nhiễm virus viêm gan B, được xét nghiệm đầy đủ các chỉ số đánh giá tình trạng nhiễm mà còn được áp dụng phác đồ điều trị phòng lây truyền virus viêm gan B từ mẹ sang con theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế nhằm hạn chế tối đa nguy cơ bùng phát viêm gan B trong thai kỳ và nguy cơ lây truyền virus viêm gan B sang con. Quy trình và phác đồ điều trị hoàn thiện cần được phổ biến rộng rãi đến đội ngũ nhân viên y tế trên địa bàn tỉnh Hải Dương, các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực y tế trong tỉnh để đưa vào chương trình giảng dạy cho các đối tượng Bác sĩ đa khoa, điều dưỡng, nữ hộ sinh.
Bài của Thu Hiền - Anh Nguyên
Đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 2 ra tháng 4 năm 2017

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.