Khoa học và công nghệ (số 2-2017) 2017-08-28 08:12:00

  Tổ chức đào tạo, tập huấn chuyển giao kết hợp với xây dựng các mô hình trình diễn ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để người dân ở các địa phương học tập áp dụng vào sản xuất là một nhiệm vụ thực hiện thường xuyên hàng năm của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học tỉnh Hải Dương (gọi tắt là Trung tâm). Năm 2017, Trung tâm đã phối hợp với phòng chuyên môn cấp huyện và một số xã tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao một số kỹ thuật tiến bộ về giống cây trồng, vật nuôi, biện pháp canh tác, thú y phòng bệnh, xử lý môi trường mới vào sản xuất theo hướng an toàn. Xu hướng sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững là xu thế tất yếu hiện nay trên cơ sở đáp ứng nhu cầu của thị trường. Việc chuyển giao các kỹ thuật mới theo hướng này góp phần giúp cho bà con nông dân tại các địa phương triển khai các mô hình sản xuất tạo ra các sản phẩm có năng suất, chất lượng và đạt hiệu quả kinh tế cao hơn.

Đối với sản xuất lúa gạo: Trung tâm tiếp tục tổ chức 06 lớp tập huấn với 350 lượt hộ tham dự để chuyển giao và mở rộng mô hình sản xuất giống lúa Bắc thơm số 7 Kháng bạc lá với việc áp dụng biện pháp canh tác lúa vụ mùa có sử dụng chế phẩm sinh học xử lý gốc rạ tại ruộng. Một số hộ nông dân không có điều kiện tham gia đã được cấp phát tài liệu, quy trình kỹ thuật. Thông qua các lớp tập huấn người dân đã nắm vững được quy trình kỹ thuật gieo cấy, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây lúa, kỹ thuật xử lý gốc rạ tại ruộng bằng chế phẩm sinh học Fito- Biomix RR. Mô hình sản xuất giống lúa Bắc thơm số 7 Kháng bạc lá đã được triển khai thực hiện với quy mô 120 ha tại xã Cẩm Đoài (Cẩm Giàng), Kim Xuyên (Kim Thành), Đồng Lạc (Chí Linh), trong đó có 60 ha lúa cấy trong vụ mùa sử dụng chế phẩm sinh học Fito- Biomix RRxử lý gốc rạ ngoài ruộng vào thời vụ làm đất (cày, bừa) để gieo cấy. Phương pháp sử dụng chế phẩm sinh học xử lý gốc rạ tại ruộng so với đối chứng ruộng vùi dập gốc rạ trong khi làm đất nhưng không bón chế phẩm sinh học có nhiều ưu điểm như làm cho rạ nhanh hoai mục (chỉ sau khi vùi dập 10 ngày), đất cấy lúa có độ nhuyễn (mát chân), giảm lượng phân bón hóa học 20%, tạo điều kiện thuận lợi cho cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt ở ngay từ giai đoạn đầu (giai đoạn cây lúa bén rễ hồi xanh), góp phần làm tăng năng suất, chất lượng và khả năng chống chịu sâu bệnh và điều kiện ngoại cảnh của cây lúa. Tổ chức 02 lớp tập huấn chuyển giao cho 200 lượt hộ nông dân và xây dựng mô hình về canh tác giống lúa mới QP5 với quy mô 20 ha tại Hồng Lạc (Thanh Hà), Kim Xuyên (Kim Thành). QP5 là giống lúa thơm chất lượng cao do GS.TSKH. Trần Duy Quý và cộng sự của Viện Nghiên cứu Hợp tác KHKT châu Á Thái Bình Dương tiến hành chọn lọc và lai tạo. Đây là giống lúa có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt, chất lượng gạo ngon, bông to, chịu thâm canh, có tiềm năng năng suất cao.

Mô hình nuôi cá sử dụng đồng bộ một số chế phẩm sinh học tạo sản phẩm sạch và duy trì sự ổn định của các chỉ số môi trường ao nuôi trong quá trình sản xuất được các hộ chăn nuôi nhất là các hộ ở vùng nuôi cá chuyển đổi tập trung quy mô lớn có nhu cầu. Trung tâm, đã phối hợp với một số Chi hội, Hợp tác xã thủy sản ở các địa phương này tổ chức 02 lớp tập huấn chuyển giao cho trên 100 lượt hộ  nông dân và xây dựng mô hình đồng bộ hóa xử lý chế phẩm sinh học xử lý đáy và môi trường nước trong ao nuôicá chép V1 ghép với cá rô phi và một số giống cá truyền thống ở xã Cẩm Định (Cẩm Giàng) và Đoàn Kết (Thanh Miện). Quy mô nuôi: 10 ha, với số lượng giống cá chép V1: 100.000 con. Trong quá trình nuôi được thực hiện xử lý đáy ao nuôi thuỷ sản bằng chế phẩm Biof  và xử lý nước ao nuôi bằng chế phẩm E.M thứ cấp là các sản phẩm được sản xuất tại Trung tâm.

Chăn nuôi lợn theo hướng an toàn dịch bệnh: Mô hình chăn nuôi dòng lợn nái sinh sản VCN21 góp phần tăng năng suất và chất lượng thịttiếp tục được mở rộng với quy mô chăn nuôi trang trại ở xã Hồng Lạc (Thanh Hà), Tân Kỳ (Tứ Kỳ). Trung tâm đã tổ chức 2 lớp tập huấn chuyển giao cho gần 100 hộ nông dân và kết hợp xây dựng mô hình với quy mô 50 con lợn nái hậu bị dòng VCN21(Lợn nái hậu bị được chọn lọc, nuôi được 5- 6 tháng tuổi, khối lượng bình quân 90 - 120 kg/con). Lợn nái được thụ tinh gián tiếp bằng tinh của đực giống Pidu 50 và Duroc 100 Đài Loan do Công ty TNHHMTV Giống gia súc Hải Dương cung ứng.

Trồng thử nghiệm một số cây trồng mới có khả năng kháng tốt với một số sâu bệnh: Trung tâm đã tổ chức 04 lớp tập huấn cho trên 250 lượt hộ nông dân để  chuyển giao quy trình kỹ thuật và xây dựng mô hình sản xuất thử một số giống cây trồng mới. Mô hình trồng giống ngô đột biến gen NK4300Bt/GT có khả năng kháng sâu đục thân gây hại trong suốt quá trình sinh trưởng phát triển ở xã Nhân Huệ (Chí Linh), Minh Tân (Nam Sách) với quy mô 5,0 ha trong vụ xuân. Mô hình trồng giống dưa lê Hàn Quốc Super 007 Honey ở xã Lam Sơn (Thanh Miện) với quy mô 1,0 ha trong vụ xuân. Mô hình trồng giống lạc đen CNC1 có khả năng chống chịu tốt với các loại sâu bệnh hại như héo xanh, đốm nâu, thối trắng thân bệnh rỉ sắt với quy mô 1,0 ha tại Bến Tắm (Chí Linh) trong vụ xuân và thu đông

Vùng cây ăn quả thị xã Chí Linh với diện tích các giống cây thanh long ruột đỏ, cam vinh, cam V2 là mô hình của các đề tài, dự án, nhiệm vụ thường xuyên đã được Trung tâm triển khai xây dựng từ năm 2010 đến nay vẫn phát triển tốt và được các hộ nông dân tiếp tục tự mở rộng. Trung tâm, đã tổ chức 04 lớp tập huấn, cấp phát tài liệu tăng cường hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc các cây trồng nói trên ở thời kỳ kinh doanh cho trên 100 lượt hộ nông dân. Các nội dung kỹ thuật đi sâu vào biện pháp thâm canh, phòng trị bệnh và áp dụng một số chế phẩm làm tăng khả năng ra hoa đậu quả của cây trồng.

Năm 2017, chỉ tích riêng đến thời điểm hiện tại Trung tâm đã tổ chức được 20 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ tại các địa phương. Thông qua việc tổ chức các lớp tập huấn đã có trên 1.100 lượt hộ nông dân tham gia nắm vững được quy trình kỹ thuật mới về các giống cây trồng, vật nuôi, biện pháp canh tác, bảo vệ thực vật, thú y phòng bệnh, sử dụng chế phẩm sinh học trong canh tác lúa mùa và xử lý môi trường ao nuôi cá để áp dụng vào sản xuất. Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế của các địa phương và bà con nông dân thì việc tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao công nghệ vẫn chưa đáp ứng được đủ nhu cầu. Trong thời gian tới, Trung tâm tiếp tục phối hợp với các địa phương tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao công nghệ theo các nội dung chuyên sâu và sát với thực tiễn hơn nữa.

Bài của KS Vũ Văn Tân

PGĐ Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học

Bài đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 4 ra tháng 8 năm 2017

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.