Khoa học quản lý (số 4-2017) 2017-08-31 10:49:56

Trong những năm qua, các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) trên địa bàn tỉnh Hải Dương  đã nghiên cứu, triển khai thực hiện các mô hình dạy, học theo hướng phát huy năng lực người học nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh,... đặc biệt là xu thế hội nhập giáo dục quốc tế.

Cùng với sự phát triển và trưởng thành của ngành giáo dục, Trường Đại học Hải Dương đã và đang phát triển theo định hướng đào tạo đa lĩnh vực và đa ngành. Tính đến thời điểm tháng 01/7/2017, toàn trường có 313 người là giảng viên, công chức, viên chức và lao động, trong đó có 01 giáo sư, 04 phó giáo sư, 33 tiến sĩ; 226 thạc sĩ; 33 cử nhân, kỹ sư đang và chuẩn bị học cao học. Bên cạnh đó Trường hiện có 16 nhiên cứu sinh đang chuẩn bị bảo vệ LATS ở trong và ngoài nước… Hiện nay, Nhà trường đang đào tạo đa ngành, trong đó hệ chính quy gồm: 01 ngành bậc cao học, 12 ngành bậc ĐH và 14 ngành bậc CĐ với 50 chuyên ngành bậc học ĐH và 55 chuyên ngành bậc CĐ.

Trong hai năm 2015 - 2016, Trường Đại học Hải Dương đã được UBND tỉnh phê duyệt thực hiện đề tài cấp tỉnh: “Hoàn thiện mô hình dạy, học và nghiên cứu khoa học gắn liền với thực tiễn và năng lực ngoại ngữ trong các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh Hải Dương nhằm nâng cao chất lượng đào tạo”.

Mục tiêu của đề tài:Hệ thống cơ sở lý luận về mô hình dạy, học và nghiên cứu khoa học gắn liền với thực tiễn và năng lực ngoại ngữ trong các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng; Đánh giá thực trạng dạy, học, nghiên cứu khoa học và năng lực ngoại ngữ trong các trường ĐH, CĐ trên địa bàn tỉnh Hải Dương; Đề xuất hoàn thiện mô hình dạy, học và nghiên cứu khoa học gắn liền với thực tiễn và năng lực ngoại ngữ trong các trường ĐH, CĐ trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Để đánh giá thực trạng dạy, học, nghiên cứu khoa học và năng lực ngoại ngữ của giảng viên, sinh viên, đề tài đã tiến hành các cuộc khảo sát cán bộ quản lý, giảng viên và sinh viên với số lượng từ 3.000 phiếu khảo sát được phân theo từng tiêu chí đánh giá. Kết quả phân tích số liệu khảo sát cho thấy trong những năm gần đâycác trường ĐH, CĐ trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, nghiên cứu, thực hiện nhiều giải pháp đổi mới phương pháp dạy, học và nghiên cứu khoa học gắn liền với thực tiễn và năng lực ngoại ngữ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực, để đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của xã hội. Tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế cơ bản sau:

- Định hướng thiết kế chương trình đào tạo chưa thực sự theo năng lực;

- Phương pháp tổ chức đào tạo chưa thực sự gắn với yêu cầu thực tiễn và năng lực ngoại ngữ, phát huy năng lực thực hiện của người học;

- Kỹ năng vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các tình huống thực tiễn đặt ra còn yếu, chủ yếu phụ thuộc vào giáo trình;

- Kỹ năng giảng dạy tích hợp chưa gắn liền với thực tiễn công việc khi sinh viên ra trường, không căn cứ vào mục tiêu đào tạo và chuẩn đầu ra của ngành học;

- Hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên và sinh viên chưa được gắn kết chặt chẽ với quá trình dạy học và yêu cầu thực tiễn và năng lực ngoại ngữ;

- Phương pháp tự học của sinh viên còn nhiều hạn chế chưa phát huy được năng lực trong quá trình học tập;

- Năng lực ngoại ngữ của giảng viên và sinh viên sử dụng trong giảng dạy và học tập chuyên môn còn hạn chế.

Thông qua kết quả khảo sát và đánh giá thực trạng nhiều mặt còn hạn chế trong công tác dạy, học và nghiên cứu khoa học tại các trường,Ban chủ nhiệm đề tài đã đề xuất một số nội dung cần hoàn thiện cho mô hình dạy, học và nghiên cứu khoa học gắn liền với thực tiễn và năng lực ngoại ngữ trong các trường ĐH, CĐ trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Cần tập trung hoàn thiện một số nội dung sau:

- Tiếp tục đổi mới nội dung chương trình đào tạo cho phù hợp với mục tiêu đào tạo, thích ứng với nhu cầu của thị trường lao động, bổ sung những kiến thức mới, những phần học thực hành để khi ra trường người học vận dụng ngay được kiến thức đào tạo.

- Hoàn thiện phương pháp tổ chức đào tạo, khuyến khích tính chủ động phát huy tính năng động sáng tạo của người học, kết hợp giữa lý thuyết thực hành và những tình huống thực tiễn. Nâng cao hiệu quả phương pháp tự học của sinh viên, chú trọng trang bị cho sinh viên phương pháp lập kế hoạch học tập; trang bị cho sinh viên cách nghiên cứu và giải quyết vấn đề.

- Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học của giảng viên và sinh viên: Có chế độ khuyến khích, đãi ngộ hợp lý; đầu tư kinh phí thích đáng cho hoạt động nghiên cứu khoa học để khuyến khích động viên tính tích cực của cán bộ giáo viên tích cực tham gia hoạt động này, phát huy được tính sáng tạo và tiềm năng giảng viên và sinh viên. Hoàn thiện và ban hành các văn bản quy định cụ thể để nâng cao hiệu quả công tác quản lý như, xây dựng kế hoạch nghiên cứu khoa học theo năm học.

- Nâng cao năng lực ngoại ngữ của giảng viên và sinh viên sử dụng trong giảng dạy và học tập chuyên môn: Xây dựng và công bố công khai chuẩn đầu ra về ngoại ngữ. Sử dụng chuẩn ngoại ngữ quốc tế để xét tốt nghiệp sẽ giúp cho sinh viên phát huy tinh thần chủ động, đồng thời là một bước chuẩn bị thiết yếu cho sinh viên trước khi bước vào môi trường làm việc toàn cầu.

Trên cơ sở các nội dung cần hoàn thiện, để tài đãtổ chức giảng dạy thực nghiệm 15 học phần trong chương trình đào tạo các ngành học cho bình quân 10 lớp học tại Trường Đại học Hải Dương, Kết quả giảng dạy thực nghiệm bước đầu cho thấy mô hình dạy học theo đề xuất của Ban chủ nhiệm đề tài đã hướng tới phát huy năng lực thực hiện của người học. Phát huy sự hứng thú học tập, tạo được kinh nghiệm thực tiễn cho sinh viên, hình thành kỹ năng nghề nghiệp, thực hiện được những kỹ năng thường diễn ra trong thực tế, điều này giúp người học hiểu lý thuyết sâu hơn và nhớ lâu hơn, yêu thích môn học hơn và đặc biệt là hoàn thiện kỹ năng nghề nghiệp phục vụ công việc, đáp ứng yêu cầu tuyển dụng sau khi ra trường. Tuy nhiên, qua kết quả giảng dạy thực nghiệm, một số vấn đề cần hoàn thiện để áp dụng có hiệu quả mô hình dạy, học và nghiên cứu khoa học gắn liền với thực tiễn và năng lực ngoại ngữ trong đào tạo đại học, cao đẳng, cụ thể là:

Thứ nhất, Để có thể áp dụng phương pháp giảng dạy tích hợp theo chủ đề, đòi hỏi giảng viên phải có trình độ và kinh nghiệm khá cao, đồng thời phải có phông kiến thức rộng,sâu và phải được trải nghiệm thực tiễn, đồng thời giảng viên phải có năng lực kết nối nhuần nhuyễn giữa lý thuyết và thực tiễn. Mặt khác nguồn thông tin dữ liệu để xây dựng ngân hàng tình huống phải phong phú đa dạng, sinh viên phải là người năng động, có tinh thần ham học hỏi, học tập nghiêm túc và khả năng tư duy độc lập, sáng tạo.

Thứ hai, Để dạy, học và nghiên cứu khoa học gắn liền với thực tiễn và năng lực ngoại ngữ, giảng viên và sinh viên cần phải có quan điểm và nhận thức đúng đắn về năng lực ngoại ngữ. Mặt khác đề củng cố năng lực ngoại ngữ đòi hỏi thời gian khá dài. Do vậy trong giảng thực nghiệm (1 năm) thì vấn đề dạy, học và nghiên cứu khoa học gắn liền với thực tiễn và năng lực ngoại ngữ chưa thể áp dụng được đầy đủ, cần tiếp tục hoàn thiện trong những năm tiếp theo và phải có lộ trình thực hiện.

Sau khi kết thúc thời gia thực hiện Đề tài đã được Hội đồng Tư vấn nghiệm thu cấp tỉnh đánh giá hoàn thành các mục tiêu, nội dung nghiên cứu và xếp loại Khá.

PGS.TS. Phạm Đức Bình - Hiệu trưởng trường Đại học Hải Dương

Bài đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 4 ra tháng 8 năm 2017

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.