Hoạt đông TC-ĐL-CL (số 4-2017) 2017-08-31 10:02:46

Năng suất là yếu tố then chốt cho sự phát triển của mỗi quốc gia và là yếu tố quyết định sự tồn tại của một doanh nghiệp. Năng suất cũng đồng nghĩa với khả năng cạnh tranh, là cơ sở để phát triển lâu dài và bền vững. Mục tiêu của việc tăng năng suất là nâng cao chất lượng cuộc sống của con người, đảm bảo một xã hội tốt đẹp hơn thông qua cải thiện điều kiện lao động. 

Thúc đẩy phát triển kinh tế với mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất chất lượng (NSCL), hiệu quả và sức cạnh tranh là một trong những định hướng và giải pháp phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn hiện nay. Việc xây dựng, triển khai và tìm đến các giải pháp hữu hiệu đóng góp vào sự chuyển biến về NSCL của các sản phẩm, hàng hóa chủ lực, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam nói chung đang thu hút sự quan tâm của các bộ ngành, địa phương và các cơ quan, doanh nghiệp. Các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các phương thức quản lý tiên tiến cùng với đội ngũ nhân lực có kỹ năng và chất lượng là những điểm tựa quan trọng để các doanh nghiệp hội nhập thị trường quốc tế và từng bước có mặt trong các chuỗi cung ứng có sức cạnh tranh toàn cầu. 

Xuất phát từ ý nghĩa trên của vấn đề NSCL, ngày 21/05/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 712/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”.

Để triển khai thực hiện Chương trình này, tỉnh Hải Dương đã phê duyệt Đề án: “Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho các doanh nghiệp tỉnh Hải Dương giai đoạn 2013-2020” tại Quyết định số 804/QĐ-UBND ngày 22/4/2013của UBND tỉnhHải Dương. Mục tiêu chung của Đề án là xây dựng phong trào năng suất, chất lượng thông qua việc xây dựng, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, các công cụ cải tiến năng suất, chất lượng tiên tiến tại các doanh nghiệp; đẩy mạnh hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng nhằm góp phần tạo chuyển biến về năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh;Nâng cao nhận thức, năng lực quản lý, xây dựng đội ngũ chuyên gia về năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa tại các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp.

Thực hiện Đề án được phê duyệt, hàng năm Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chủ động xây dựng thuyết minh chi tiết đề xuất Sở Khoa học và Công nghệ phê duyệt. Thực hiện triển khai các nội dung được phê duyệt: tiến hành khảo sát để đánh giá thực trạng quản lý, sản phẩm và khả năng tham gia của các doanh nghiệp, hướng dẫn các đơn vị có nhu cầu tham gia hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đăng ký; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của lãnh đạo các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý tổ chức; tổ chức các hội thảo thống nhất danh sách các đơn vị được tham gia Đề án ….

Qua 4 năm nỗ lực triển khai, từ năm 2013 đến năm 2016 với tổng kinh phí thực hiện là 2.243,5triệu đồng, việc triển khai Đề án NSCL đã thu được những kết quả đáng khích lệ, cụ thể: đã hỗ trợ xây dựng được 04 mô hình doanh nghiệp điểm; thực hiện 14 phóng sự, 01 tọa đàm, 28 bài báo về chuyên mục năng suất chất lượng; hỗ trợ kinh phí cho 06 doanh nghiệp tham gia Giải thưởng chất lượng Quốc gia; hỗ trợ 03 doanh nghiệp chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn; hỗ trợ 14 doanh nghiệp chứng nhận phù hợp quy chuẩn; hỗ trợ 17 doanh nghiệp chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng; hỗ trợ 24 doanh nghiệp đăng ký mã số mã vạch và 38 tiêu chuẩn cơ sở cho các doanh nghiệp.

Việc triển khai Đề án bước đầu hình thành phong trào NSCL trong phạm vi của tỉnh, thông qua đó huy động được nguồn lực của xã hội tập trung cho mục tiêu nâng cao NSCL của sản phẩm hàng hoá, nâng cao khả năng cạnh tranh, thương hiệu của doanh nghiệp. Việc hỗ trợ doanh nghiệp tuy còn hạn chế nhưng phần nào đã khích lệ động viên doanh nghiệp mạnh dạn áp dụng các giải pháp để nâng cao NSCL sản phẩm dịch vụ của mình, tạo được sự gắn kết giữa khoa học và sản xuất, đời sống. Thông qua việc xây dựng, áp dụng các hệ thống quản lý, các công cụ tiên tiến đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian, giảm chi phí sản xuất, duy trì tính ổn định của chất lượng sản phẩm; cải tiến năng suất lao động; nâng cao năng lực cạnh tranh đồng thời xây dựng được phong cách làm việc khoa học có tính hệ thống. Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp điểm được hỗ trợ tích hợp hai hệ thống quản lý tiên tiến cho thấy hiệu quả rõ rệt như: đơn giản hóa các tài liệu quy trình, quy định áp dụng tại công ty, tiết kiệm nhân lực vận hành, làm cho hoạt động quản lý điều hành tinh gọn hơn qua đó nâng cao NSCL sản phẩm cũng như hình ảnh thương hiệu của đơn vị.

Trong thời gian tới Chi cục tiếp tục triển khai Đề án:thực hiện hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng, áp dụng các hệ thống quản lýchất lượng, các công cụ cải tiến, chứng nhận hợp chuẩn/hợp quy, giải thưởng chất lượng quốc gia... nhằm nâng cao sức cạnh tranhcho các doanh nghiệp, đồng thời đẩymạnh hoạt động quảng bá, tuyên truyền, phổ biến về năng suất, chất lượng tại địa phương.

Bài của Trịnh Đăng Hoàn

Đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 4 ra tháng 8 năm 2017

 

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.