Khoa học quản lý (số 3-2017) -0001-11-30 07:06:30

Hiện nay trên địa bàn huyện Kim Thành có diện tích khoảng 600 ha trồng củ đậu tập trung chủ yếu ở các xã khu C như Cẩm La, Đồng Gia, Kim Tân, Bình Dân. Đây là cây trồng truyền thống mang lại nguồn thu nhập chính cho người dân khu C của huyện Kim Thành.

Để nâng cao giá trị hàng hóa cho loại cây trồng này, trong giai đoạn từ năm 2011 - 2015 UBND tỉnh Hải Dương đã đầu tư phát triển thương hiệu cho sản phẩm này thông qua Đề án “Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Hải Dương”. Năm 2011 - 2012, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện chủ trì thực hiện đề tài “Xây dựng mô hình thâm hình cây củ đậu theo VietGAP ở một số xã trên địa bàn huyện Kim Thành”. Sau 2 năm triển khai thực hiện đã xây dựng được mô hình thâm canh cây củ đậu theo VietGAP ở một số xã trên địa bàn huyện Kim Thành và hoàn thiện được quy trình bảo quản củ đậu tại ruộng.

Củ đậu chính vụ được trồng từ ngày 15/6 đến 10/7 với diện tích khoảng 200 ha và củ đậu trái vụ trồng từ ngày 20/7 đến ngày 30/8 với giống củ đậu Miền Nam và củ đậu Trung Quốc. Để trồng củ đậu cho năng suất, hiệu quả cao người dân trồng phải chọn đật ruộng có tầng canh tác dầy, đất cát pha hoặc thịt nhẹ tơi xốp, thoát nước, làm đất trồng củ đậu cần phải cày, làm luống theo hình bán nguyệt với chiều rộng luống từ 1 đến 1,2 mét, chiều cao đỉnh luống từ 45 - 50 cm, bón từ 20 - 30 kg/sào vôi bột, diệt sạch cỏ dại và mầm bệnh. Mật độ trồng là 18 cm x 18 cm hoặc 15 cm x 17 cm. Khi thực hiện gieo hạt cần phải đặt hạt nằm không đặt hạt nghiêng và không để hạt tiếp xúc trực tiếp với phân bón lót, không phủ đất kín hạt và đặt hạt cách chân luống 20 - 25 cm sau khi đặt hạt xong dùng rơm rạ phủ kín mặt luống và tưới ẩm rơm rạ. Sau khi cây mọc được từ 20 - 22 ngày thì thực hiện bón thúc, sau đó cứ 15 - 20 ngày thì lại bón một lần cho đến khi trước lúc thu hoạch từ 30 - 40 ngày trở lên. Mỗi lần bón phân đạm với phân Kali kết hợp tát nước vào rãnh luống, tưới nước ướt rạ rồi mới pha phân đạm với phân Kali ra tưới. Sau đó dùng roa nước lã để tránh làm đạm, kali bám vào lá làm cháy lá. Cây củ đậu có thể leo, phát triển thân lá nhiều do đó để hạn chế cây phát triển thân lá, tập trung dinh dưỡng vào củ, người dân bấm ngọn cây. Bấm ngọn lần đầu sau khi cây mọc được 25 - 30 ngày khi cây cao khoảng 20 cm. Sau đó cứ 7 - 10 ngày lại bấm ngọt cho đến lúc thu hoạch. Trong thời gian trồng củ đậu áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp, hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra để đạt hiệu quả kinh tế cao, ít độc hại cho người và bảo vệ môi trường. Củ đậu được thu hoạch khi thời gian sinh trưởng khoảng từ 120 đến 150 ngày tùy theo điều kiện của thị trường có thể kéo dài thời gian thu hoạch. Cần ngừng phun thuốc bảo vệ thực vật, phân bón lá từ 25 - 30 ngày trước khi thu hoạch nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm.

Sau khi thực hiện mô hình thâm canh cây củ đậu chính vụ và trái vụ theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 15,5 ha tại 3 xã Cẩm La, Đồng Gia, Kim Tân. Các hộ dân sản xuất củ đậu theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt cho rau, quả tươi an toàn (VietGAP) của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cách ghi chép sổ tay về quá trình canh tác theo GAP như: sử dụng phân bón hợp lý, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM) cho củ đậu, thu hoạch và bảo quản sản phẩm. Mô hình sản xuất củ đậu theo tiêu chuẩn VietGAP có lãi cao hơn so với củ đậu thực hiện biện pháp truyền thống là 338,5 nghìn đồng/sào tương đương 9,4 triệu đồng/ha. Hiệu quả kinh tế từ củ đậu trái vụ và chính vụ chênh lệch nhau không đáng kể tuy nhiên so với gieo cấy lúa thì hiệu quả cao hơn từ 2,5 - 5 lần.

Với mô hình bảo quản tại ruộng thì sau 3 tháng tiến hành bảo quản cây củ đậu vẫn sinh trưởng bình thường, sâu bệnh có xuất hiện nhưng chưa đến ngưỡng phải phun trừ và bộ lá vẫn xanh. Theo kết quả phân tích hàm lượng Nitrat (NO3) là 135/150 mg/kg đều ở dưới ngưỡng cho phép ăn tươi.

Với mô hình bảo quản tại nhà thì qua theo dõi 60 kg củ đậu đã được đánh dấu trong tổng số 1000 kg củ đậu được bảo quản bằng cát khô. Sau gần 3 tháng bảo quản tỷ lệ hao hụt về trọng lượng chỉ là 15%. Tuy nhiên do thời gian từ tháng 1 đến tháng 3 nhiệt độ thấp, độ ẩm khổng khí cao do đó sự hao hụt chưa nhiều. Từ tháng 3 đến đầu tháng 4 nhiệt độ cao, độ ẩm không khí thấp đã dẫn đến tỷ lệ hao hụt tăng nhanh. Theo kết quả phân tích hàm lượng Nitrat (NO3) là 130/150 mg/kg đều ở dưới ngưỡng cho phép ăn tươi.

Về xây dựng nhãn hiệu tập thể, ông Bùi Quốc Trưởng - Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết: Năm 2015 được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể đối với sản phẩm củ đậu Kim Thành. Từ khi được công nhận đến nay, Hội Nông dân huyện Kim Thành thường xuyên tuyên truyền quảng bá nhãn hiệu củ đậu Kim Thành đến với người dân trong và ngoài tỉnh; chủ động tham gia quảng bá giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ hàng nông nghiệp. Cùng với đó Hội đã vận động nhân dân thực hành nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn VietGAP. Thời gian tới, Hội tiếp tục vận động nhân dân mở rộng sản xuất; đảm bảo thực hiện tốt quy trình kỹ thuật trong chăm bón, sản xuất củ đậu đảm bảo chất lượng, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Mặt khác quảng bá thương hiệu củ đậu trên các phương tiện thông tin đại chúng; gắn biểu tượng lên bao bì để đảm bảo sản phẩm củ đậu Kim Thành tới người tiêu dùng.

Bài của Phạm Ninh Hải

đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 3 ra tháng 6/2017

 

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.