Khoa học quản lý (số 3-2017) -0001-11-30 07:06:30

Lịch sử vùng đất Hải Dương hình thành cùng với lịch sử dựng nước và giữa nước của dân tộc ta, đã trải qua hơn bốn nghìn năm, đọng lại với thời gian là những nét đặc trưng văn hóa và hệ thống các di tích lịch sử văn hóa. Theo số liệu công bố của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương đến năm 2016, toàn tỉnh có 2.207 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 147 di tích được xếp hạng Quốc gia (với 2 khu di tích xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt), 206 di tích được xếp hạng cấp tỉnh.

Cùng với hệ thống các di tích lịch sử văn hóa ở tỉnh Hải Dương, các di tích lịch sử cách mạng đang được các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội nhận thức sâu sắc và coi đó là tài sản vô giá, giúp gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa, cần phải coi trọng bảo tồn, kế thừa, phát huy. Trong kế hoạch khoa học và công nghệ của tỉnh năm 2015 và 2016  UBND tỉnh giao Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hải Dương đã thực hiện đề tài: Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử cách mạng tiêu biểu tỉnh Hải Dương. Đề tài đã thực hiện với mục tiêu: Xây dựng bộ tiêu chí xác định di tích lịch sử cách mạng tiêu biểu. Bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử cách mạng của các di tích lịch sử cách mạng tiêu biểu. Đề tài đã đạt được những kết quả sau:

Thứ nhất: Xác định số lượng di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn tỉnh

Sau khi nghiên cứu, đối chiếu, xem xét các nguồn tư liệu, Đề tài đã xác định đến năm 2015 tỉnh có 145di tích lịch sử cách mạng này gắn các sự kiện cách mạng diễn ra trên địa bàn tỉnh và được ghi nhận cụ thể, rõ ràng về nội dung trong các nguồn tài liệu của Đảng bộ các cấp và được cơ quản quản lý nhà nước về văn hóa xác định là đối tượng quản lý, bảo tồn.

Thứ hai: Xây dựng bộ tiêu chí để xác định di tích lịch sử cách mạng tiêu biểu tỉnh Hải Dương

Đề tài đã xây dựng bộ tiêu chí với 4 tiêu chí bắt buộc và 7 điều kiện để sàng lọc.Bốn tiêu chí xác định với mỗi di tích là: Phải gắn với một sự kiện cách mạng điển hình có ảnh hưởng tới cách mạng Hải Dương, gắn với sự lãnh đạo của Đảng; phải xảy ra trên một không gian và thời gian cụ thể, được xác định; phải có nguồn tư liệu lịch sử đáng tin cậy; phải có ý nghĩa giáo dục truyền thống cho thế hệ sau.

Bẩy điều kiện cụ thể để sàng lọc, đối chiếu xem di tích nào đủ điều kiện, thỏa mãn để xếp vào nhóm các di tích lịch sử cách mạng tiêu biểu (trường hợp đặc biệt, một di tích cần thỏa mãn thêm 2 hoặc nhiều điều kiện khác nhau mới trở thành di tích lịch sử cách mạng tiêu biểu) là di tích gắn với các cá nhân có tầm ảnh hưởng lớn đến phong trào cách mạng Hải Dương thì cá nhân đó phải được Đảng, Nhà nước tôn vinh là lãnh tụ hoặc là lãnh đạo tiền bối của Đảng, Nhà nước theo Kết luận 88 của Bộ Chính trị; Di tích gắn với sự kiện cách mạng đặc biệt quan trọng của tỉnh thì sự kiện đó phải có ảnh hưởng tích cực tới kết quả của phong trào đấu tranh cách mạng. Di tích gắn với sự ra đời của các tổ chức đảng trong tỉnh, gồm tất cả các chi, đảng bộ ra đời trước ngày 10/6/1940 (ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Hải Dương), còn các chi bộ ra đời sau ngày 10/6/1940 thì phải là chi bộ tiền thân của Đảng bộ các huyện; Di tích gắn với sự ra đời của lực lượng cách mạng thì lực lượng đó phải có điểm mới so với các lực lượng trước ở tổ chức, số lượng, trình độ, phương thức hoạt động; Di tích gắn với chiến thắng quân sự của quân và dân Hải Dương trong đấu tranh cách mạng thì phải là chiến thắng đặc biệt quan trọng làm thay đổi tương quan lực lượng của ta và địch (tiêu diệt 1 đại đội địch trở lên), chiến lược chiến tranh, phạm vi ảnh hưởng của ta và địch trên địa bàn tỉnh;Di tích ghi dấu tội ác kẻ thù phải là những chứng tích nói lên hành động tàn bạo, dã man của kẻ thù thể hiện ở quy mô càn quét lớn, bắn giết người hàng loạt ở một cụm dân cư và để lại hậu quả nghiêm trọng; Di tích gắn với tấm gương hy sinh anh dũng cho cách mạng của quân và dân Hải Dương thì người hy sinh phải được Nhà nước phong là Anh hùng lực lượng vũ trang.

Từ 4 tiêu chí và 7 điệu kiện, Ban chủ nhiệm đề tài đã xác định được 48/145 di tích lịch sử cách mạng của tỉnh Hải Dương.

Thứ ba, khảo sát thực trạng di tích lịch sử cách mạng tiêu biểu

Đề tài đã khảo sát thực tế hiện trạng di tích, đối khớp, thẩm tra các tài liệu, các nguồn thông tin, kết quả: Có 13/48 di tích có tên gọi không trùng khớp với tên gọi được đề cập trong các nguồn tài liệu đang quản lý; Có 48 di tích lịch sử cách mạng cụ thể, rõ ràng và chính xác; Có 9/48 di tích được xếp hạng di tích các cấp, còn lại 39 di tích chưa được xếp hạng; Có 12/48 di tích lịch sử cách mạng hiện nay chưa có cơ quan quản lý di tích, do những di tích này hiện nay không còn hiện trạng hoặc chưa được các cấp ở địa phương quan tâm, quản lý đúng mức; Có 26/48 di tích lịch sử cách mạng có hiện trạng được lưu giữ từ khi có sự kiện cách mạng diễn ra hoặc mới được xây dựng để phục vụ hoạt động tưởng niệm, giáo dục, lưu giữ sự kiện; 47/48 di tích xác đinh được vị trí địa lý cụ thể, còn 1 di tích là nơi thành lập Chi bộ đảng tiền thân Đảng bộ huyện Gia Lộc, hiện nay không xác định được địa điểm nơi tổ chức thành lập Chi bộ Đảng này vì không còn tư liệu lưu trữ.

Thứ 4, đề xuất giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng tiêu biểu

Đề tài xây dựng hệ thống các giải pháp mang tính toàn vẹn và đồng bộ để bảo tồn, phát huy hiệu quả giá trị của các di tích lịch sử cách mạng tiêu biểu tỉnh Hải Dương. Với 9 giải pháp cụ thể là: Xây dựng hệ thống văn bản quy định phục vụ hoạt động bảo tồn; Tuyên truyền giáo dục nâng cao ý thức cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử cách mạng tiêu biểu; Mở rộng hợp tác, ứng dụng công nghệ mới vào trong hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng tiêu biểu; Xác định đúng nguồn gốc sở hữu của các di tích lịch sử cách mạng tiêu biểu trên địa bàn toàn tỉnh; Từng bước đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét xếp hạng các di tích lịch sử cách mạng tiêu biểu trên địa bàn toàn tỉnh; Thực hiện hiệu quả hơn nữa các hoạt động xây dựng, tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử cách mạng tiêu biểu; Xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa cơ quan văn hóa của tỉnh với các công ty lữ hành du lịch trong việc tổ chức các hoạt động văn hóa - du lịch; Thực hiện việc gắn kết hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử cách mạng tiêu biểu với giáo dục học đường; Tăng cường công tác cán bộ cho các di tích lịch sử cách mạng tiêu biểu tỉnh.

Thứ năm, xây dựng, phát hành phim và tài liệu tuyên truyền về di tích lịch sử cách mạng tiêu biểu

Xây dựng 5 tập phim phóng sự về hệ thống các di tích lịch sử cách mạng tiêu biểu tỉnh Hải Dương đề bảo tồn các di tích lịch sử cách mạng dưới dạng thông tin, ảnh hiện trạng di tích theo từng nhóm như: Các di tích gắn với quá trình thành lập Đảng bộ tỉnh; Các di tích gắn với cá nhân có tầm ảnh hưởng lớn đến cách mạng tỉnh; Các di tích gắn với các sự kiện cách mạng đặc biệt quan trọng của tỉnh; Các di tích gắn với sự ra đời của các chi bộ Đảng tiền thân của Đảng bộ cấp huyện trên địa bàn tỉnh

Biên soạn và phát hành cuốn sách “Di tích lịch sử cách mạng tiêu biểu tỉnh Hải Dương” với thông tin cụ thể của 48 di tích lịch sử cách mạng tiêu biểu. Cuốn sách gồm 240 trang sách khổ 17 x 24 cm, được in với số lượng 2000 cuốn và phát hành trong toàn bộ hệ thống chính trị của tỉnh và thư viện các trường phổ thông trong toàn tỉnh làm tài liệu thông tin, tuyên truyền lịch sử truyền thống cách mạng và biên soạn cuốn tài liệu về “Di tích lịch sử cách mạng tiêu biểu tỉnh Hải Dương dùng cho các Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện” gồm 80 trang khổ A4, in số lượng 1440 cuốn phát hành tại 12 Trung tâm Bồi dưỡng chính trị của 12 huyện, thị xã, thành phố.

Với những kết quả của đề tài “Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử cách mạng tiêu biểu tỉnh Hải Dương” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, thực hiện, đề tài đã hoàn thành đầy đủ mục tiêu, nội dung nghiên cứu, phương pháp đảm bảo tính khoa học. Những sản phẩm của đề tài là cơ sở khách quan, khoa học cho các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử cách mạng tiêu biểu tỉnh hải Dương cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Bài của Ninh Hải - Hằng Nga

đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 3 ra tháng 6/2017

 

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.