Bảo vệ môi trường (số 3-2017) -0001-11-30 07:06:30

Đến nay trên địa bàn tỉnh Hải Dương 18 khu công nghiệp (KCN) nhưng mới có 11 khu công nghiệp được cấp phép đầu tư, 8/11 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với khoảng 150 doanh nghiệp kinh doanh. Trong đó có 6/8 khu công nghiệp đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung gồm KCN Đại An, KCN Nam Sách, KCN Đại An mở rộng, KCN Tân Trường, KCN Phúc Điền và KCN Phú Thái, 1 KCN đang xây dựng hệ thống xử lý nước thải (KCN Lai Vu). Các chủ đầu tư các khu công nghiệp đã chấp hành tốt các quy định của pháp luật bảo vệ môi trường, từng bước đầu tư các công trình xử lý môi trường, trạm quan trắc nước thải tự động, bố trí khu vực tập kết chất thải tập trung và phối hợp với lực lượng cảnh sát môi trường phát hiện các vụ việc vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Công tác chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp hoạt động tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực, các doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư đúng mức các công trình biện pháp bảo vệ môi trường giảm thiểu ô nhiễm, ký kết hợp đồng với các đơn vị có đủ chức năng, năng lực để chuyển giao, xử lý theo đúng quy định, không ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, nhân dân không bức xúc, phản ánh, kiến nghị về việc gây ô nhiễm môi trường. Đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ của doanh nghiệp có dự án đầu tư hoặc không có đầu tư đều thực hiện lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường.

Đến tháng 12/2016 đã có 33 cụm công nghiệp đi vào hoạt động với khoảng 250 doanh nghiệp. Các doanh nghiệp hoạt động tại các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa quan tâm, đầu tư đúng mức các công trình xử lý môi trường, nhất là hệ thống xử lý nước thải, khí bụi thải dẫn đến tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật bảo vệ môi trường diễn ra thường xuyên, không khắc phục kịp thời. Tình trạng chôn lấp, đổ, thải chất thải nguy hại, chất thải rắn thông thường và rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định trái quy định pháp luật về bảo về môi trường vễn diễn ra phức tạp, tập trung ở các địa bàn các huyện Nam Sách, Cẩm Giàng, Thanh Hà và thành phố Hải Dương, gây bức xúc trong nhân dân. Đến nay trên địa bàn tỉnh Hải Dương mới có 4 đơn vị chức năng xử lý chất thải nguy hại gồm: Công ty TNHH sản xuất dịch vụ thương mại Môi Trường Xanh (KCN Nam Sách), Công ty Cổ phần môi trường Tình Thương An Sinh (xã Hoàng Diệu, huyện Gia Lộc) và Công ty TNHH Thành Công III (xã Hiệp Sơn, huyện Kinh Môn), 2 đơn vị có chức năng xử lý rác thải sinh hoạt gồm Công ty Cổ phần APT - Seraphin Hải Dương, xã Việt Hồng, huyện Thanh Hà và Công ty Cổ phần Môi trường Tình Thương, thị trấn Kẻ Sặt, huyện Bình Giang không đáp ứng được yêu cầu xử lý thực tế các loại chất thải phát sinh trên địa bàn tỉnh nhất là rác thải sinh hoạt lượng phát sinh thực tế rất lớn khoảng hơn 300 tấn rác thải/ngày.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường thì đến tháng 3/2017 tỉnh Hải Dương đã thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường cho 611 dự án; thẩm định Đề án bảo vệ môi trường cho 180 cơ sở; xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường 11 dự án; xác nhận hoàn thành các công trình, biện pháp phục vụ giai đoạn vận hành của dự án 140 cơ sở. Chủ nguồn chất thải nguy hại đã phân định, phân loại, lưu giữ chất thải nguy hại trong các bao bì hoặc thiết bị lưu chứa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và quy trình quản lý theo quy định; Ký hợp đồng để chuyển giao chất thải nguy hại với tổ chức, cá nhân có giấy phép phù hợp; Đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại với Sở.

Số chủ nguồn đã kê khai đăng ký nguồn chất thải nguy hại với Sở Tài nguyên và Môi trường đến nay là 507 cở sở. Trong đó đăng ký theo hình thức cấp Sổ chủ nguồn thải (đối tượng cơ sở phát sinh chất thải nguy hại trên 600 kg/năm) là 472 cơ sở; số cơ sở đăng ký theo hình thức xác nhận tiếp nhận báo cáo quản lý chất thải nguy hại lần đầu (đối tượng cơ sở phát sinh chất thải nguy hại dưới 600 kg/năm) là 35 cơ sở. Tổng số cơ sở đã thực hiện báo cáo quản lý chất thải nguy hại định kỳ là 307 cơ sở với số lượng chất thải chuyển giao xử lý năm 2016 chất thải nguy hại đã chuyển giao xử lý là 15.760 tấn; chất thải rắn thông thường là 1.568.000 tấn. Một số đơn vị đã đầu tư, lắp đặt hệ thống xử lý khí thải bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường, có sàn thao tác bảo đàm an toàn tại vị trí lấy mẫu khí thải; có nhật ký vận hành hệ thống xử lý khí thải được ghi chép đầy đủ, lưu giữ tối thiểu 2 năm. Thực hiện quan trắc khí thải khí thải tự động, liên tục đối với các nguồn thải lưu lượng lớn theo quy định.

Trước thực trạng trên, lực lượng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh Hải Dương) đã thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, chú trọng công tác phòng trừ. Lực lượng Cảnh sát môi trường đã tiến hành rà soát, nắm tình hình và quản lý 30 lĩnh vực và 1 địa bàn với hơn 1.500 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh liên quan đến công tác chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường. Tập trung tại các KCN, CCN và trên 12 huyện, TP, TX, trong đó tập trung tại các địa bàn trọng điểm: Kinh Môn, Chí Linh, Cẩm Giang, TP.Hải Dương. Qua đó cho thấy hầu hết các cơ sở kinh doanh còn nhiều sai phạm trong công tác chấp hành pháp luật về BVMT chủ yếu là vi phạm về thủ tục hành chính về môi trường và công tác quản lý, xử lý chất thải, nước thải phát sinh. Trong năm 2014, PC 49 đã trực tiếp phát hiện, kiểm tra 67 vụ, xử phạt 1,802 tỷ đồng; năm 2015, phát hiện kiểm tra 73 vụ, xử phạt 1,471 tỷ đồng; năm 2016, PC 49 đã phát hiện, xử lý 73, xử phạt 1,2 tỷ đồng. Riêng 2 tháng cuối năm giáp tết nguyên đán Đinh Dậu 2017, PC 49 phát hiện 32, xử phạt và chuyển cơ quan khác xử phạt 1,273 tỷ đồng. Các hành vi chủ yếu là xả nước thải vượt quy chuẩn cho phép; đổ thải chất thải không đúng quy định, gây ô nhiễm môi trường; khai thác đất cát trái phép, không kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật, sử dụng chất cấm trong chế biến thực phẩm… Trong đó nổi lên nhiều hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn cho phép, sử dụng chất cấm trong chế biến thực phẩm. Phòng Cảnh sát môi trường đã tập trung lực lượng, sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, quyết liệt đấu tranh, xử lý.

Từ thực trạng trên, lực lượng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh Hải Dương) đã chủ động phòng ngừa, đấu tranh theo chức năng nhiệm vụ, đã góp phần ổn định tình hình, không để xảy ra các vụ việc vi phạm nghiêm trọng. Tuy nhiên hiệu quả công tác đấu tranh vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường vẫn còn nhiều hạn chế nguyên nhân là do sự thiếu hiểu biết của các cơ sở kinh doanh sản xuất về pháp luật bảo vệ môi trường; Một số doanh nghiệp vì lợi ích kinh tế đã cố tình vi phạm pháp luật như công ty TNHH Pacific xả nước thải gây ô nhiễm môi trường (làm đen một một đoàn kênh dài 100 m), Cơ sở sản xuất giò, chả Y Nguyên (Công ty TNHH MTV Thạch Bảo Tháp) có hành vi sử dụng chất phụ gia ngoài danh mục được phép “Hàn the” sử dụng vào chế biến giò, chả.

Trong thời gian tới, tỉnh Hải Dương sẽ tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong công tác đấu tranh, giám sát, hậu kiểm việc khắc phục tồn tại, thiếu sót trong công tác chấp hành pháp luật BVMT, khắc phục hậu quả do vi phạm pháp luật về BVMT gây ra. Hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ tiếp nhận, xử lý, lưu giữ số liệu quan trắc tự động, liên tục chất thải của cơ sở, khu công nghiệp truyền về đảm bảo việc kiểm soát, giám sát xử lý kịp thời các trường hợp hệ thống xử lý môi trường của cơ sở vận hành không ổn định, không đảm bảo hiệu quả xử lý môi trường theo quy định.
Bài của Vũ Thị Duyên - Học viện Cảnh sát nhân dân
Bài đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 3 ra tháng 6/2017

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.