Khoa học quản lý (số 3-2017) -0001-11-30 07:06:30

Trong sản xuất cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Hải Dương, cây ổi và cây cam là hai loại cây trồng có thế mạnh, đã được sản xuất thành vùng tập trung tại một số địa phương, phát triển thành thương hiệu như ổi Thanh Hà, cam Ninh Giang, cam Cẩm Giàng, cam Kinh Môn… Mặc dù vậy, chất lượng và độ an toàn vệ sinh thực phẩm của hai loại quả ổi, cam vẫn chưa được khẳng định. Chính vì vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương đã triển khai dự án khoa học: “Xây dựng mô hình sản xuất cam và ổi an toàn theo quy trình VietGAP tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Hải Dương” (năm thực hiện 2016 - 2017). Qua hơn 1 năm triển khai thực hiện đề tài đã bước đầu khẳng định những ưu thế của mô hình sản xuất cây ăn quả theo hướng an toàn, đồng thời bộc lộ một số điểm cần điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.

Năm 2016, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã triển khai xây dựng 2 vùng sản xuất ổi với tổng diện tích 50 ha tại xã Liên Mạc (Thanh Hà) và xã Hiệp Lực (Ninh Giang); 20 ha trồng cam tại xã Thất Hùng (Kinh Môn) và phường Bến Tắm (thị xã Chí Linh). Các vùng sản xuất đảm bảo đủ các tiêu chuẩn của vùng sản xuất an toàn, cách ly khu dân cư, bệnh viện, khu chăn nuôi tập trung; kết quả kiểm nghiệm mẫu đất và mẫu nước ở vùng sản xuất đảm bảo theo quy định của sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Các hộ sản xuất không sử dụng chất phụ gia cho quá trình sản xuất mà thay bằng sử dụng phân hữu cơ hoai mục đã qua xử lý; đảm bảo cách ly thuốc bảo vệ thực vật trước khi thu hoạch. Hội Nông dân các xã đều có hướng dẫn các hộ nông dân cách ghi chép nhật ký sản xuất đảm bảo truy nguyên nguồn gốc. Từ kết quả đánh giá sơ bộ và kết quả giám sát sản xuất, kiểm tra việc ghi chép nhật ký, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã cấp 4 giấy chứng nhận cho 67,15 ha trồng ổi, cam, đạt 96% diện tích; trong đó có 47,15 ha ổi và 20 ha cam.

Quá trình sản xuất cam và ổi theo quy trình sản xuất VietGAP đã cho thấy những kết quả khả quan. Năng suất của cây ổi đạt khoảng 1,2 tấn/sào, giá bán ổi trung bình đạt 9 - 10 nghìn đồng/kg, trừ chi phí cho thu lãi trên 200 triệu đồng/ha. Năng suất cây cam đạt khoảng 20 tấn/ha, giá bán cam trung bình đạt 35 nghìn đồng/kg, trừ chi phí cho thu lãi khoảng 500 - 600 triệu đồng/ha. Sản phẩm cam và ổi có chất lượng ngon, đảm bảo độ an toàn và sản phẩm đã tiếp cận được với thị trường có tiềm năng kinh tế cao. Bà Nguyễn Thị Thắm, thôn Mạc Thủ I, xã Liên Mạc, huyện Thanh Hà là hộ nông dân tham gia mô hình trồng ổi theo quy trình VietGAP, cũng là người có cơ sở thu mua nông sản ở xã Liên Mạc cho biết: Trước đây, gia đình bà thu mua ổi từ các vườn ở địa phương để tiêu thụ cho các thương lái bán quả ở chợ. Từ năm ngoái đến nay, gia đình bà thu mua ổi của các hộ tham gia mô hình trồng cây ổi theo VietGAP, sản phẩm đã có công ty mua lại với giá bán 18 nghìn đồng/kg, cao hơn giá bán trước đây 5 - 8 nghìn đồng/kg. “Quả ổi xuất bán cho công ty phải được lựa chọn những quả có mẫu mã đồng đều, chất lượng ngon và đảm bảo an toàn, hơn nữa phải chi thêm công sơ chế và đóng gói nên giá bán cao hơn hẳn so với bán cho thương lái trước đây. Chỉ có ổi trồng theo mô hình VietGAP mới đáp ứng được yêu cầu này. Hơn nữa, từ khi trồng ổi theo VietGAP, chúng tôi thấy tự tin hơn khi đưa ổi Thanh Hà trưng bày tại các hội chợ” - bà Thắm cho biết.

Tương tự như gia đình bà Thắm, gia đình ông Phạm Văn Cường, thôn Vũ Xá, xã Thất Hùng (Kinh Môn) người sở hữu hàng chục ha trồng cam theo quy trình VietGAP cũng khẳng định chất lượng của nông sản VietGAP khi tham gia mô hình. Ông Cường cho biết: Vườn cam của gia đình ông hoàn toàn sử dụng phân chuồng hoai mục để bón lót, sử dụng đậu tương ngâm để bón thúc cho cây, kết hợp với sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh nguồn gốc nhập Mỹ và áp dụng các kỹ thuật canh tác theo từng thời điểm của cây. Vì vậy, vườn cam cho quả có mã vỏ đẹp, chất lượng quả ngon, ngọt đậm đà hơn so với cam ở các nơi khác. “Cam Thất Hùng nói chung và cam của gia đình tôi luôn có giá bán tại vườn trên 35 nghìn đồng/kg. Trừ chi phí, mỗi ha cam cho thu lãi khoảng 500 triệu đồng/năm”

Tham gia mô hình sản xuất cam và ổi theo quy trình an toàn, các hộ nông dân đã được hỗ trợ cung cấp túi đựng sản phẩm có logo Vietgap với số lượng 14.000 túi, và được sử dụng mã số chứng nhận sản phẩm VietGAP để quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại, liên kết với hệ thống phân phối sản phẩm để tiêu thụ nông sản. Tuy vậy, việc hỗ trợ bao bì sản phẩm đối với quả cam, theo ông Cường là chưa phù hợp. “Chúng tôi xuất bán hàng tấn quả, nên sử dụng những túi nilon đóng 5 kg quả/túi là không phù hợp, mong muốn của chúng tôi là được hỗ trợ những thùng carton có thể đóng được 40 kg quả/thùng”. Bên cạnh đó, việc thực hiện mô hình sản xuất cây ăn quả theo VietGAP đối với các hộ còn gặp khó ở khâu ghi chép nhật ký sản xuất do nông dân chưa có thói quan ghi chép, sự quản lý và hướng dẫn của cán bộ cơ sở đôi khi chưa kịp thời và thường xuyên. Hiện chưa có đơn vị đứng ra thu mua sản phẩm cho nông dân tham gia mô hình, mà việc tiêu thụ phụ thuộc vào các thương lái ở địa phương. Song, những thương lái thu mua sản phẩm lại chưa thực sự tin tưởng việc ghi chép của các hộ nông dân do có hiện tượng ghi chép nhật ký sản xuất (nhất là phun thuốc trừ sâu) không đầy đủ, thiếu trung thực. Vì vậy, cần có giải pháp cung cấp mã số, mã vạch để phục vụ việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm đối với sản phẩm trong mô hình. Đồng thời, phía cơ quan chuyên môn cần có hướng dẫn cụ thể hơn về danh mục thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trên cây ổi, cam để phổ biến tới các hộ nông dân, nhằm tránh thực trạng “loạn thuốc bảo vệ thực vật”.

Bài của Nguyễn Thị Ánh

đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 3 ra tháng 6/2017

 

 

 

 

 

 

 

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.