Khoa học quản lý (số 3-2017) -0001-11-30 07:06:30

Xã An Thanh huyện Tứ Kỳ hiện có khoảng 130 ha diện tích bãi khai thác cáy, nằm bên bờ sông Thái Bình. Những ngày hè nắng nóng cũng chính là mùa thu hoạch cáy của người dân nơi đây.

Vùng đất bãi xã An Thanh được biết đến là vùng đất trù phú nhờ khai thác con rươi. Song, người dân nơi đây còn có thêm nguồn thu nhập không nhỏ từ việc khai thác con cáy. Điều đáng mừng là việc khai thác rươi, cáy luân phiên trong năm, tạo ra nguồn thu nhập đáng kể cho người dân địa phương. Theo các hộ dân An Thanh, tháng 9, tháng 10 hàng năm là thời kỳ cáy trú đông trong các lỗ, hang nên tỉ lệ cáy xuất hiện rất ít; sang tháng 3 con cáy bắt đầu sinh sôi nảy nở trong ruộng lúa, bãi cỏ dọc triền sông. Thời điểm thu hoạch cáy kéo dài từ cuối tháng 3 âm lịch đến đầu tháng 8 âm lịch hàng năm. Đây là khoảng thời gian có nắng nhiều nhất trong năm, cũng là thời điểm kết thúc vụ thu hoạch rươi. Con cáy sinh sống trong môi trường tự nhiên ở các ruộng khai thác rươi, dọc bờ sông Thái Bình.

Cũng giống như con rươi, con cáy ăn thức ăn trong tự nhiên mà không cần cung cấp nguồn thức ăn nhân tạo, vì vậy nông dân chỉ cần bỏ công khai thác, đánh bắt để có thu nhập. Trước đây, người dân An Thanh đánh bắt cáy theo cách vác cần đi câu những con cáy trú ngụ trong hang. Ngày ấy, câu cáy chỉ cần mang theo một cái giỏ đeo bên hông, thong dong cả buổi cũng được một giỏ này. Còn giờ đây, nông dân đã nghĩ ra cách đánh bắt cáy bằng bẫy chứa mồi. Chúng tôi theo chân ông Phạm Văn Mên, thôn An Lao, xã An Thanh trong một buổi đánh cáy ngày hè. Để thực hiện việc đánh cáy, ông Mên chuẩn bị dụng cụ là các vỏ chai nhựa đã qua sử dụng, cắt bỏ một đầu chai, rang thơm cám gạo để làm mồi nhử, đặt vào đáy chai. Sau đó, ông đem các vỏ chai đã có mồi, đặt xung quanh bờ ruộng lúa. Thời điểm đặt bẫy đánh cáy là 5 giờ sáng, khi thời tiết còn mát mẻ. Khoảng 1- 2 tiếng sau khi đặt bẫy, ông lội quanh bờ ruộng để đổ cáy từ trong các bẫy chai vào giỏ cáy. Công việc được thực hiện một cách khá dễ dàng, không tốn nhiều công sức và thời gian, trong khi lượng cáy thu được tăng đáng kể so với cách câu cáy truyền thống. Ông Mên cho biết: Cách đánh bắt cáy này vừa nhanh, vừa thu được nhiều, song cần có thời gian tạm nghỉ giữa các lần đánh bắt để cáy không bị quen mồi, khó đánh bắt. “Khoảng mỗi tháng 1 lần, chúng tôi tạm nghỉ vài hôm cho cáy không bị quen mồi cám”.

Những hộ khai thác cáy ở An Thanh đã am hiểu đặc điểm sinh sống của con cáy và nhận thấy điều kiện tốt nhất cho con cáy phát triển là trong các ruộng bãi trồng chuối xung quanh bờ, cấy lúa dưới ruộng. Vì vậy, ruộng bãi nào càng nhiều bờ trồng chuối, năng suất cáy thu hoạch được càng cao.Theo ước tính của các hộ dân An Thanh, sản lượng cáy thu hoạch ở đây đạt khoảng 30kg/sào/năm. Trong vài năm trở lại đây, giá bán cáy được thu mua tại đầu ruộng đạt trung bình 80.000 đồng/kg, lợi nhuận thu được trên 2 triệu đồng/sào. Cộng với lợi nhuận từ khai thác rươi khoảng 10 triệu đồng/sào/năm, thu nhập từ con cáy đã góp phần tăng lợi nhuận của việc khai thác bãi rươi lên đáng kể. Toàn xã An Thanh có khoảng 270 hộ khai thác bãi rươi, cáy, trung bình mỗi hộ có khoảng 0,5 ha ruộng bãi, có thu nhập từ ruộng bãi trên 150 triệu đồng/năm.

Anh Phạm Văn Luận, Giám đốc HTXDVNN An Thanh cho biết: Trong 2 năm trở lại đây, giá bán cáy tươi sống không dưới 80 nghìn đồng/kg, thậm chí trong những ngày nắng nóng cuối tuần, giá bán cáy đạt trên 100 nghìn đồng/kg. Thời điểm tháng 8 âm lịch, khi thời tiết bớt oi nóng, nhu cầu mua cáy nấu canh ít đi, việc tiêu thụ cáy tươi sống chậm lại thì người dân nơi đây lại bắt tay vào chế biến mắm cáy. Việc chế biến mắm cáy được thực hiện ngay tại từng hộ dân, tiêu thụ quanh năm khá dễ dàng, chủ yếu là phục vụ khách hàng thân quen. Đây là giải pháp giúp các hộ khai thác cáy vừa góp phần nâng cao giá trị của con cáy, vừa tạo ra sản phẩm nước chấm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, an toàn với người tiêu dùng.

Đối với các hộ dân sử dụng diện tích đất bãi ven bờ sông Thái Bình ở xã An Thanh, nguồn lợi từ khai thác con rươi là chủ đạo. Song, việc khai thác con cáy cũng tạo ra nguồn thu nhập đáng kể, góp phần nâng cao giá trị sử dụng diện tích đất bãi ven sông. Người dân nơi đây đã có ý thức trong việc giữ gìn môi trường sống tự nhiên của con cáy, con rươi. Họ trồng chuối trên các bờ đập, cấy lúa theo cách hoàn toàn không sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, đánh bắt nguồn lợi theo cách thủ công. Chình vì vậy, các sản phẩm rươi, cáy, lúa thu hoạch từ ruộng bãi hoàn toàn không có hóa chất độc hại với người tiêu dùng. Để nâng cao giá trị của nguồn lợi này, tỉnh Hải Dương đã xây dựng nhãn hiệu tập thể \“Mắm cáy Tứ Kỳ” góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tạo nguồn thu nhập ổn định cho các hộ khai thác, chế biến cáy ở địa phương.

Bài của Nguyễn Thị Ánh

đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 3 ra tháng 6/2017

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.