Khoa học và công nghệ (số 1-2018) 2018-02-17 15:28:48

Trong lịch sử bảo hộ nhãn hiệu, phương thức sử dụng giành được quyền nhãn hiệu hình thành sớm hơn nhiều so với phương thức đăng ký giành được quyền nhãn hiệu. Vào thời kỳ đầu của chế độ bảo hộ nhãn hiệu, phương thức sử dụng giành được quyền nhãn hiệu đã từng chiếm địa vị quan trọng và được thừa nhận là một căn cứ duy nhất để trao quyền nhãn hiệu.

 

Theo phương thức này, nhân tố cốt lõi để xác định quyền nhãn hiệu phát sinh và thuộc về ai là dựa vào việc sử dụng nhãn hiệu để quyết định. Nghĩa là, người nào đem nhãn hiệu sử dụng thực tế trong hoạt động sản xuất kinh doanh thì quyền nhãn hiệu sẽ được xác lập cho người đó và được pháp luật Nhà nước bảo hộ. Trường hợp có nhiều người cùng sử dụng nhãn hiệu giống nhau hoặc tương tự nhau cho hàng hóa, dịch vụ cùng loại hoặc tương tự thì quyền nhãn hiệu sẽ thuộc về người đầu tiên đã sử dụng nhãn hiệu đó trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Như vậy có thể thấy hai yếu tố cần phải xem xét khi trao quyền nhãn hiệu theo phương thức này chính là “việc sử dụng thực tế” và “tính sử dụng trước” đối với nhãn hiệu. Trong đó, yếu tố “sử dụng thực tế” là yếu tố mang tính xác lập quyền, tức là căn cứ để hình thành quyền nhãn hiệu; còn yếu tố “tính sử dụng trước” là yếu tố mang tính loại trừ, để xác định nhãn hiệu nào được trao quyền nếu có hai người trở lên cùng sử dụng nhãn hiệu trùng hoặc tương tự nhau.

Cở sở lý luận của phương thức sử dụng giành được quyền nhãn hiệu chính là lý luận nhãn hiệu truyền thống. Quan điểm lý luận truyền thống cho rằng chỉ trong điều kiện nhãn hiệu có tồn tại danh tiếng thương mại nhất định thì nhãn hiệu đó mới có giá trị bảo hộ. Mục tiêu mà lý luận này hướng tới chính là nhằm bảo vệ danh tiếng, uy tín thương mại đã được hình thành, kết tinh trong nhãn hiệu. Nhưng danh tiếng thương mại của nhãn hiệu không đột nhiên hình thành, nó cũng không xuất hiện đồng thời ngay từ khi nhãn hiệu được đưa vào sử dụng. Ngược lại, danh tiếng thương mại của nhãn hiệu chỉ có thể từng bước hình thành thông qua quá trình sản xuất kinh doanh và có thể tăng lên theo quá trình này khi người sản xuất, kinh doanh có biện pháp tích cực nhằm phát huy giá trị của nó. Hơn nữa, nhãn hiệu được dùng với tư cách là một công cụ để nhận biết, phân biệt sản phẩm, dịch vụ của các chủ thể sản xuất kinh doanh khác nhau, nên nó chỉ thực sự phát huy tác dụng khi được đưa vào sử dụng trong thực tế. Nếu nhãn hiệu không được sử dụng hoặc hàng hóa mang nhãn hiệu không được đưa ra thị trường thì nhãn hiệu cũng chẳng thể thực hiện được công năng phân biệt nguồn gốc sản phẩm, dịch vụ. Khi đó ngay cả nhãn hiệu cũng không tồn tại chứ đừng nói gì tới danh tiếng thương mại của nhãn hiệu. Do vậy, lý luận truyền thống dựa vào việc sử dụng thực tế nhãn hiệu làm căn cứ để trao quyền nhãn hiệu là phù hợp với học thuyết về bản chất của nhãn hiệu.

Ngoài ra, phương thức sử dụng giành được quyền nhãn hiệu còn được củng cố cơ sở tồn tại bởi học thuyết đạt được quyền sở hữu truyền thống. Học thuyết này chỉ ra rằng, lao động là một trong những con đường quan trọng nhất để tạo ra của cải vật chất cho xã hội, đồng thời lao động cũng là cơ sở chính đáng và thuyết phục nhất cho việc sở hữu tài sản của con người. Bằng sức lao động của mình con người đã làm chuyển hóa trạng thái của các tài nguyên thiên nhiên vốn thuộc về chung mọi người thành tài sản cá nhân có tính loại trừ người khác. Bởi vì thông qua quá trình này, sức lao động của người lao động đã được chuyển hóa và kết tinh vào trong các sản phẩm lao động, cho nên người lao động xứng đáng được hưởng những thành quả do mình tạo ra. Lao động không chỉ ảnh hưởng tới phương thức đạt được quyền tài sản mà còn quyết định cả giá trị của tài sản thông qua giá trị sức lao động đã hao phí để tạo ra chúng. Vận dụng lý luận này để lý giải cơ sở tồn tại của phương thức sử dụng giành được quyền nhãn hiệu có thể thấy, thông qua quá trình lao động sản xuất kinh doanh, người sản xuất kinh doanh đã sử dụng và chuyển hóa các dấu hiệu trao đổi vốn là để dùng chung của nhân loại thành dấu hiệu riêng kết tinh và hàm chứa danh tiếng, thông tin thương mại của cá nhân người sản xuất kinh doanh (tức nhãn hiệu). Không những thế trong quá trình sử dụng này, người sản xuất kinh doanh lại bằng công sức lao động, trí tuệ, của cải đầu tư để từng bước bồi đắp, gia tăng danh tiếng và giá trị cho dấu hiệu trao đổi đó. Với lý lẽ đó việc thừa nhận và trao quyền nhãn hiệu cho người đã mang đến cho dấu hiệu dùng chung một hàm nghĩa thứ hai, một danh tiếng thương mại nhất định là việc làm công bằng và chính đáng mà phương thức sử dụng giành được quyền nhãn hiệu hướng tới bảo vệ.

Cho đến nay, phương thức sử dụng giành được quyền nhãn hiệu vẫn còn tồn tại và áp dụng ở một số nước thuộc hệ thống pháp luật Anh Mỹ. Trong đó Mỹ là quốc gia điển hình thực thi phương thức này. Mặc dù sau này đã ban hành luật nhãn hiệu liên bang và kiến lập chế độ đăng ký nhãn hiệu liên bang nhưng Mỹ vẫn duy trì và thực thi phương thức sử dụng giành được quyền nhãn hiệu.Việc đăng ký nhãn hiệu ở đây chỉ mang tính chất đưa ra thông báo, chứ không có tính chất quyết định đến việc xác lập quyền nhãn hiệu.

Căn cứ vào luật nhãn hiệu Mỹ, một dấu hiệu muốn đăng ký và sử dụng làm nhãn hiệu thì dấu hiệu đó nhất thiết phải được sử dụng trong hoạt động thương mại. Trong đó khái niệm “sử dụng trong hoạt động thương mại” dùng để chỉ việc sử dụng thực tế nhãn hiệu trong hoạt động thương mại thuộc phạm vi quốc gia và hoạt động ngoại thương. Đây chính là hoạt động đem hàng hóa có gắn nhãn hiệu tung ra thị trường, để hàng hóa được tiếp xúc với người tiêu dùng, từ đó khiến cho nhãn hiệu có thể phát huy tác dụng phân biệt, nhận biết nguồn gốc hàng hóa dịch vụ trong mắt người tiêu dùng, chứ không phải là việc sử dụng nhãn hiệu mang tính chất tượng trưng. Tuy nhiên, đến năm 1988 “chế độ sử dụng” trong luật nhãn hiệu Mỹ sửa đổi đã có sự mở rộng nhất định. Theo đó, không chỉ yếu tố “sử dụng thực tế” mà cả yếu tố “ý đồ sử dụng” đều có thể được chấp nhận khi xem xét căn cứ xác lập quyền nhãn hiệu. Nói cách khác cả hai yếu tố “sử dụng thực tế” và “ý đồ sử dụng” đều phù hợp với yêu cầu của phương thức sử dụng giành được quyền nhãn hiệu trong luật nhãn hiệu Mỹ.

Mọi sự vật hiện tượng đều có tính hai mặt của nó. Mặc dù phương thức sử dụng giành được quyền nhãn hiệu một mặt phù hợp với bản chất, công năng của nhãn hiệu; mặt khác nó cũng bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người thực tế sử dụng nhãn hiệu, góp phần duy trì nguyên tắc công bằng, chính nghĩa trong hoạt động bảo vệ nhãn hiệu. Nhưng phương thức này cũng tồn tại một số điểm bất cập vốn có của nó. Cụ thể là: phương thức sử dụng giành được quyền nhãn hiệu dựa vào “sự thật sử dụng nhãn hiệu" làm căn cứ để xác lập quyền nhãn hiệu, song nó lại khó có thể thông báo “sự thật sử dụng nhãn hiệu” này tới mọi người, trong khi đó hoạt động sản xuất kinh doanh thường chỉ trong một phạm vi nhất định; vậy làm thế nào khiến mọi người ở các khu vực khác nhau có thể biết được người này đã sử dụng nhãn hiệu này để khỏi phải sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự làm nhãn hiệu? Liên quan đến vấn đề trên, khi xảy ra tranh chấp về quyền nhãn hiệu sẽ rất khó tra xét rõ ràng ai là người sử dụng trước nhãn hiệu này. Hơn nữa, để có thể tra xét rõ ràng, có sức thuyết phục việc “sử dụng trước” đối với một nhãn hiệu nào đó cũng phải mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền của của đương sự, cũng như của cơ quan thực thi pháp luật mới có thể thực hiện được. Ngoài ra, phương thức này cũng khó thích nghi và theo kịp với yêu cầu về mặt hiệu suất kinh tế và sự phát triển nhanh chóng mà nền kinh tế thị trường đặt ra. Chính từ những hạn chế và tốn kém nêu trên nên hiện nay trên thế giới còn rất ít quốc gia áp dụng phương thức sử dụng giành được quyền nhãn hiệu./.

 

Bài của Lê Lương Thịnh

Đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 1 ra tháng 2 năm 2018

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.