Khoa học và công nghệ (số 2-2018) 2018-05-16 11:24:07

Những năm qua, tỉnh Hải Dương đã có nhiều chủ trương, chính sách đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn tạo điều kiện nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Các mô hình tích tụ ruộng đất, nhà màng nhà lưới, cơ giới hoá và ứng dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, giúp tăng năng suất, chất lượng, giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân.

Năm 2009, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học (TBKH) đã xây dựng mô hình thâm canh các giống lúa chất lượng HT6, N46 và áp dụng kỹ thuật gieo hạt bằng máy kéo tay trên địa bàn tỉnh Hải Dương” với quy mô 40 ha trong 2 vụ tại thị trấn Thanh Miện(Thanh Miện)và xã An Đức (Ninh Giang). Áp dụng công cụ gieo sạ theo hàng có điều kiện thâm canh phát huy tối đa tiềm năng năng suất của giống, tiết kiệm hạt giống từ 40-50%, công lao động, chi phí thuốc bảo vệ thực vật giảm 30%. Từ kết quả đó, nhiều địa phương trong tỉnh như Kinh Môn, Nam Sách, Chí Linh, Thanh Miện, Ninh Giang… nông dân đã tự mua giàn sạ lúa theo hàng để thay thế phương pháp gieo vãi truyền thống.

Năm 2010, Trung tâm Ưng dụng TBKH đã xây dựng mô hình tổ chức và quản lý sản xuất lúa tập trung để phát huy tác dụng của giàn sạ lúa theo hàng với quy mô 80 ha trong vụ xuân và vụ mùa tại các xã xã Minh Đức (Tứ Kỳ), xã Bình Minh (Bình Giang), xã Tân Dân (Kinh Môn) và xã Nam Tân (Nam Sách). Sạ lúa theo hàng quy mô tập trung có tính cộng đồng cao, góp phần đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp phần nào giải phóng sức lao động trong những năm tới trên diện rộng.

Năm 2014, huyện Thanh Miện thực hiện Ứng dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật trong các khâu sản xuất lúa trên cánh đồng mẫu lớn với diện tích 100 ha tại xã Hồng Quang (Thanh Miện), trong đó 20 ha được ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa vào sản xuất, 80 ha được ứng dụng một phần cơ giới hóa vào sản xuất. Năm 2015, đề tài tiếp tục được mở rộng với diện tích 160 ha tại 2 xã Ngũ Hùng và Hùng Sơn (Thanh Miện), trong đó 60 ha được ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa vào sản xuất, 100 ha được ứng dụng một phần cơ giới hóa vào sản xuất. Mô hình đã ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa vào sản xuất từ khâu làm đất, gieo mạ bằng khay, cấy bằng máy, thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp, cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn sản xuất đại trà từ 20 – 25%.

Năm 2015 - 2016, huyện Thanh Miện thực hiện dự án ứng dụng hệ thống tưới nước theo công nghệ tiên tiến cho các vùng sản xuất chuyên rau màu với quy mô 170 ha tại các xã Lam Sơn, thị trấn Thanh Miện, xã Hùng Sơn, xã Phạm Kha. Qua một năm thực hiện, dự án đã đạt được các tiêu chí như: Chi phí lắp đặt hệ thống tưới tiên tiến chỉ bằng 22% đến 24,5% chi phí xây dựng kênh mương,thời gian sử dụng bền hơntừ 2- 3 lần, không làm ảnh hưởng đến diện tích đất sản xuất của các hộ dân. Sản xuất rau màu giảm gần 90% thời gian, công tưới dưỡng và 40% công bảo vệ chăm sóc của nông dân; giảm chi phí cho sản xuất; năng suất, thu nhập các loại cây trồng trong vùng dự án tăng so với tưới truyền thống từ 16% đến 28%; các hộ dân chủ động về lượng nước và thời gian tưới, tiết kiệm 55,6% nước tưới, kiểm soát được mức nước đáp ứng yêu cầu cho từng giai đoạn sinh trưởng của từng loại cây trồng, hình thành vùng sản xuất tập trung bước đầu gắn với tiêu thụ sản phẩm góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên 1 ha đất nông nghiệp, qua thực tế sản xuất hiệu quả kinh tế trong vùng dự án đã đạt 500-600 triệu đồng/ha.

Năm 2016, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng mô hình mẫu về sản xuất lúa trên cánh đồng sau dồn điền đổi thửa tại huyện Bình Giang và huyện Kinh Môn với quy mô 200ha. Mô hìnháp dụng phương thức gieo mạ khay, cấy máy…đồng bộ cơ giới hóa vào sản xuất từ khâu làm đất, gieo cấy đến thu hoạchcho năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn cấy thủ công từ 10 – 15%.

Cùng với việc thực hiện các dự án, đề tài khoa học công nghệ của các đơn vị, từ năm 2008 - 2010, Hội Nông dân tỉnh đã hỗ trợ nông dân đầu tư cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2008 - 2010. Qua 2 năm đã giúp hơn 1.000 hộ nông dân trong tỉnh có máy móc phục vụ sản xuất, gồm 966 máy làm đất và 57 ô tô tải nhẹ, với tổng số tiền mua máy là gần 35 tỷ đồng. Đề án đã nâng cao hiệu quả sản xuất do giá công làm đất hạ từ 140.000 - 160.000 đồng/sào xuống còn 80.000 - 100.000 đồng/sào.

Giai đoạn 2012 - 2015, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục thực hiện dự án hỗ trợ nông dân đầu tư cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp đã có 607 hộ tham gia dự án mua 627 máy với số tiền gần 101 tỷ đồng, trong đó đã hỗ trợ lãi suất là gần hơn 15,5 tỷ đồng. Giá dịch vụ làm đất, thu hoạch bằng máy giảm từ 35% - 40% so với giá dịch vụ thủ công, nông dân phấn khởi tích cực sử dụng dịch vụ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, nâng hiệu quả kinh tế sản xuất lúa tăng lên khoảng 10%. Chi phí sử dụng cơ giới hoá trong các khâu sản xuất thấp hơn so với sử dụng lao động thủ công khoảng trên 7 triệu đồng/ha/vụ.

Việc chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp đã từng bước triển khai qua hoạt động khuyến cáo, trình diễn, kết hợp chuyển giao đề tài nghiên cứu khoa học với triển khai ứng dụng. Trình diễn các mẫu máy móc như gặt đập liên hợp, cày xá nhỏ nhiều lưỡi, máy cấy lúa nhiều hàng, các kiểu lò sấy nông sản cải tiến, hiện đại có tác dụng nâng cao năng suất chất lượng, giảm tổn thất trong sản xuất nông nghiệp, giảm ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe người lao động. Việc về đầu tư trang bị máy móc cơ khí nông nghiệp không đồng đều trên các lĩnh vực như: Cơ khí hóa trong trồng trọt đạt tỷ lệ cao, cơ khí hóa trong chế biến, bảo quản nông sản đạt tỷ lệ thấp. Cơ khí hóa trong một lĩnh vực phát triển cũng không đều như: khấu làm đất tỷ lệ cơ giới hóa đạt cao trong khi đó tỷ lệ cơ giới hóa khâu cắt gặt mới đạt tỷ lệ thấp.

Theo Chi cục phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thì đến hết năm 2017 toàn tỉnh có 8.272 máy làm đất; 530 máy gieo hạt, máy cấy; 48.820 bình phun thuốc trừ sâu có động cơ; 60.690 máy bơm nước trong nông nghiệp; 350 máy thu hoạch (máy gặt lúa); 3.826 máy vận chuyển nông nghiệp…Đến nay mức độ cơ giới hóa trong các khâu trong sản xuất nông nghiệp là 95% với khâu làm đất; khâu gieo hạt, cấy đạt 10%; phun thuốc trừ dâu đạt 85%; khâu bơm nước trong nông nghiệp đạt 99,8%; khâu thu hoạch (gặt lúa bằng máy) đạt 70%; khâu; khâu tuốt lúa có động cơ đạt 100%; khâu vận chuyển trong nông nghiệp đạt 87%.

Tuy nhiên, sự phát triển thiếu tính đồng bộ, bền vững, hệ thống trang thiết bị máy móc, mức độ cơ giới hóa không đồng đều ở các khâu công việc, và đặc biệt là vấn đề quản lý máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp chưa thực sự được quan tâm và thực hiện đầy đủ, dẫn đến sự mất an toàn và không hiệu quả trong khai thác và sử dụng máy. Nông dân chưa chú ý đến việc liên kết, hợp tác cơ giới hóa trong sản xuất, nhiều hộ mua máy chưa phát huy hết công suất của máy mua, hiệu quả của đầu tư cơ giới có mặt chưa cao, nhất là loại máy có công suất thấp.

Từ nay đến năm 2020 tỉnh tiếp tục thực hiện cơ giới hóa trong các khâu làm đất, gieo cấy, thu hoạch và vận chuyển. Tiếp tục hỗ trợ nông dân trong đầu tư cơ giới hoá sản xuất nông nghiệp, chính sách về hỗ trợ lãi suất vốn vay mua máy móc thiết bị, vật tư sản xuất nông nghiệp. Tăng cường vận động nông dân dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, đẩy mạnh thâm canh, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trên 1 đơn vị diện tích. Tăng cường liên kết hợp tác trong thực hiện cơ giới hoá sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả kinh tế cao. Đa dạng hoá các mô hình sản xuất tổ hợp tác, hợp tác xã, nhóm liên gia, liên kết nhiều hộ nông dân góp vốn mua chung các công cụ sản xuất để phát huy được công suất và hiệu quả sử dụng của máy.

Bài của Phạm Ninh Hải

Đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 2 ra tháng 4 năm 2018

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.