Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Đài Loan phát hiện đũa dùng 1 lần của Việt Nam có chứa chất độc hại và yêu cầu thu hồi toàn bộ trước ngày 15/1.
Theo ông Liu Fang Ming - Giám đốc Trung Tâm phía Nam của FDA Đài Loan, đây là 2 chất tẩy trắng được sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp. Việc tiếp xúc với hai loại chất này có thể gây ảnh hưởng khôn lường đến sức khỏe người dùng. Đặc biệt, biphenyl có nguy cơ tiềm ẩn là phá hủy phổi, dạ dày và tuyến tụy, phơi nhiễm với liều lượng thấp trong thời gian ngắn có thể gây trở ngại tới chức năng gan và tuyến giáp, tiếp xúc lâu dài nguy cơ dẫn đến ung thư gan và các khối u ác tính.
Theo số liệu thống kê trong 5 năm gần đây, “mỗi năm, cả nước nhập khẩu khoảng 25.000 tới 30.000 tấn đũa dùng 1 lần, trong đó khoảng 86% số đũa dùng 1 lần được nhập khẩu từ Trung Quốc, 12% từ Việt Nam, 1,8% từ Indonesia và phần còn lại từ nhiều quốc gia khác", Tiến Sĩ Yang Chien Hui - Quan chức chuyên môn của Đài Loan chia sẻ. Bà Yang cũng cho biết cả 4 mẫu sản phẩm cảnh báo ở trên đều thuộc một lô hàng nhập từ Việt Nam với tổng số khoảng 17 tấn đũa dùng 1 lần và chính quyền đang kêu gọi thu hồi số đũa này để tiêu hủy.
Sau khi có kết quả kiểm nghiệm, 4 công ty nhập khẩu và phân phối chính số đũa này bị yêu cầu thu hồi toàn bộ sản phẩm trước ngày 15/1, nếu không sẽ phải đối mặt với mức phạt từ 30.000 Đài tệ - 3.000.000 Đài tệ (Khoảng 20 triệu VNĐ – 200 triệu VNĐ).
“Nếu cần thiết phải sử dụng đũa dùng 1 lần, mọi người nên cẩn thận xem xét và ngửi đũa trước khi dùng. Tránh dùng những chiếc đũa quá trắng hoặc có mùi chua, bởi chúng có thể chứa quá nhiều chất làm trắng” - Bà Yang khuyến cáo.
Tại Việt Nam, loại đũa dùng 1 lần được sử dụng vô cùng phổ biến từ quán ăn đến nhà hàng. Sự nguy hại của chúng cũng từng được các bác sĩ chuyên khoa tại bệnh viện Hà Nội cảnh báo qua số ca ngộ độc cấp tính ngày càng tăng do hóa chất không rõ nguồn gốc. Tuy nhiên, "hiện ở Việt Nam chưa có tiêu chuẩn chất lượng đối với loại đũa dùng một lần, có chăng chỉ chung chung như không bẩn, không nhiễm khuẩn. Trên thực tế, những tiêu chuẩn ấy chưa thể giúp nhận biết chính xác độ vệ sinh của sản phẩm", ông Lê Văn Cường - Cán bộ Cục Quản lý thị trường (Sở Công thương TP. HCM) cho biết.
Theo vietq.vn