Sự thật về que thử phát hiện ung thư

          Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại que thử y tế được quảng cáo có khả năng phát hiện ung thư chính xác đến 99%.                    
Sự thật về que thử phát hiện ung thư
Các sản phẩm này được quảng cáo có thể phát hiện ung thư vú, đại trực tràng, phổi, tuyến tụy nhờ chỉ số CEA; ung thư gan nhờ chỉ số AFP và ung thư tuyến tiền liệt với chỉ số PSA.
Trao đổi với báo chí về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị-Công trình y tế (Bộ Y tế) cho biết đơn vị này chỉ cấp phép cho 2 sản phẩm que thử để phát hiện nhanh một số chất liên quan đến bệnh ung thư, đây là que thử mang tính chất định tính, không gọi là que thử phát hiện ung thư.
Hai sản phẩm được cấp phép là Bioline AFP (phát hiện định tính AFP trong huyết tương hoặc huyết thanh người) và SD Bioline CEA (phát hiện định tính CEA trong huyết tương hoặc huyết thanh người).
"Bộ Y tế sẽ phối hợp với thanh tra Bộ rà soát lại vấn đề quảng cáo, thông tin sản phẩm”,  ông Tuấn nói.
Thực tế, CEA, AFP, PSA là một số chất chỉ điểm u có liên quan đến bệnh ung thư. Hiện tại, các xét nghiệm chỉ điểm u được làm thường quy tại Bệnh viện K, trong 24 giờ có kết quả. Xét nghiệm CEA, AFP, PSA dao động từ 80.000-85.000 đồng.
Các xét nghiệm này làm tại bệnh viện là xét nghiệm định lượng nồng độ các chất chỉ điểm u trong máu nên có giá trị và ý nghĩa lâm sàng cao hơn nhiều so với que thử là phương pháp định tính, chỉ có giá trị cho biết dương tính hay âm tính.
Tuy nhiên, ông Trần Văn Thuấn, Phó giám đốc Bệnh viện K cho biết, các chất chỉ điểm u ít có ứng dụng trong chẩn đoán và phát hiện sớm ung thư vì độ đặc hiệu thấp, có thể tăng trong các bệnh lý lành tính. Âm tính không có giá trị phủ định bệnh và dương tính cũng không có giá trị khẳng định bệnh.
Ví dụ, trong ung thư vú chưa di căn, mức độ CEA chỉ tăng ở 10% các trường hợp. Trong các bệnh ung thư khác như ung thư biểu mô dạ dày, thực quản, tụy, phổi, buồng trứng, tuyến giáp thể tủy, cổ tử cung, các di căn xương…, mức độ CEA chỉ tăng khi ung thư tiến triển.
Nhiều chuyên gia cũng cho biết, không phải tất cả những người có mức độ AFP tăng đều bị ung thư hoặc sẽ phát triển ung thư gan. Không phải tất cả mọi ung thư đều sản xuất ra AFP, do đó, một người vẫn có thể bị ung thư ngay cả khi mức độ AFP bình thường.
Như vậy, các chuyên gia khuyến cáo, để khẳng định một người có bị ung thư hay không thì người bệnh cần thăm khám lâm sàng và quan trọng nhất là xét nghiệm mô bệnh học tế bào hay sinh thiết xem có tế bào ung thư hay không. Do đó, người dân cần đến các bệnh viện có chuyên khoa ung thư để được chẩn đoán bệnh chính xác.
Cùng ngày, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị các Sở Y tế trên cả nước thanh tra, kiểm tra cơ sở kinh doanh, sử dụng, quảng cáo các sản phẩm que thử ung thư.
Đồng thời, Bộ cũng đề nghị các sở thông tin chính xác, đầy đủ cho người dân hiểu đúng về giá trị thật của các sản phẩm này.

Theo chinhphu.vn


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây