Hội nghị Tổng kết Thập niên Chất lượng lần thứ hai và tổng kết giai đoạn I Chương trình quốc gia NSC

Ngày 15/09, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Hội nghị Tổng kết Thập niên Chất lượng lần thứ hai (2006-2015) và tổng kết giai đoạn I (2010-2015) Chương trình Quốc gia năng suất chất lượng (Chương trình 712) nhằm đánh giá các kết quả đã đạt được trong thời gian qua, xác định, nhận diện những vấn đề còn tồn tại và bàn biện pháp thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ trong thời gian tới.
Hội nghị Tổng kết Thập niên Chất lượng lần thứ hai và tổng kết giai đoạn I Chương trình quốc gia NSC
Tham dự Hội nghị có ông Phan Xuân Dũng - Ủy viên BCH TW Đảng, Ủy viên ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Quốc hội; ông Lê Bộ Lĩnh – Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Quốc hội; đại diện Văn phòng Chính phủ và một số Bộ, ngành Trung ương và địa phương; các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp và các chuyên gia trong nước và nước ngoài.
 Về phía cơ quan chủ trì có ông Trần Việt Thanh – Thứ trưởng Bộ KH&CN; ông Ngô Quý Việt – Tổng cục trưởng Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và các cơ quan chức năng thuộc Bộ KH&CN.
 Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh cho rằng: Kể từ thập niên chất lượng lần thứ nhất 1996-2005, Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng trên chặng đường nâng cao chất lượng hàng hóa và hội nhập quốc tế. Tiếp nối những thành công đó, thập niên chất lượng lần 2 (2006-2015) với chủ đề “Năng suất Chất lượng - Chìa khóa Phát triển và Hội nhập” đặt ra mục tiêu mới là tạo lập uy tín chất lượng, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa sản xuất tại Việt Nam, khẳng định hơn nữa vai trò và tầm quan trọng của năng suất và chất lượng trong phát triển kinh tế. Quyết định số 712/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 21/5/2010 phê duyệt Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” đã đánh dấu bước chuyển mạnh mẽ trong hoạt động thúc đẩy năng suất và chất lượng tại Việt Nam phục vụ công cuộc đổi mới doanh nghiệp và phát triển kinh tế xã hội.
  Trong thời gian qua, các hoạt động thúc đẩy năng suất và chất lượng được triển khai với nhiều hoạt động như: xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, giới thiệu năng suất chất lượng qua các kênh thông tin đại chúng; đào tạo nâng cao kiến thức về năng suất chất lượng, phát triển đội ngũ chuyên gia tư vấn cho các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp; xây dựng các mô hình thí điểm áp dụng hệ thống giải pháp nâng cao năng suất tại các doanh nghiệp làm thay đổi rõ nét bức tranh năng suất và chất lượng Việt Nam.
 Theo ông Phan Xuân Dũng “nâng cao năng suất chất lượng là con đường tất yếu để đưa Việt Nam phát triển kinh tế xã hội một cách bền vững”. Hội nghị đã một lần nữa khẳng định vai trò của năng suất và chất lượng đối với phát triển kinh tế xã hội, củng cố quốc phòng và an ninh đất nước. Đây chính là lợi ích đúng đắn của Việt Nam trên con đường hội nhập quốc tế một cách sâu rộng và vững chắc. Việc phát động thập niên chất lượng đã có tác động sâu rộng tới nhận thức về chất lượng của các cấp, các ngành, người dân cũng như doanh nghiệp tạo ra những bước kết quả rõ rệt cải thiện năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa của Việt Nam trong thời gian qua. Về khía cạnh năng suất, so với năm 2005, tại thời điểm năm 2014 năng suất lao động của Việt Nam đã tăng lên gần 1.5 lần với tốc độ khoảng 3.5%/năm. Có thể nói Việt Nam đang trên đà cải thiện năng suất một cách tương đối mạnh mẽ và bền vững. Về khía cạnh chất lượng, kể từ thập niên chất lượng lần thứ nhất đến nay, nhận thức của người dân về nâng cao năng suất chất lượng đã có những chuyển biến tích cực. Hàng hóa Việt Nam đã có cơ hội xuất khẩu vào những thị trường khó tính và cũng ngày càng được người dân trong nước tin dùng. Tuy nhiên, khoảng cách về năng suất giữa Việt Nam và các nước phát triển trên thế giới vẫn còn rất lớn, đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực đổi mới hơn nữa để thu hẹp khoảng cách này. Bên cạnh đó, để có thể phát triển một cách bền vững và sớm bắt kịp các nước phát triển trong khu vực, Việt Nam cần tập trung hơn nữa vào thúc đẩy năng suất thông qua phát triển khoa học và công nghệ, kỹ thuật và chất lượng lao động.
 Giai đoạn 1 của Chương trình 712 đã kết thúc với các mục tiêu cơ bản đã hoàn thành. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục như tiến độ xây dựng, phê duyệt các dự án năng suất chất lượng của một số ngành, địa phương còn chậm và một số dự án còn lúng túng trong việc triển khai các hoạt động cụ thể, thiếu sự chủ động của doanh nghiệp.
 Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã được nghe chia sẻ của đại diện các cơ quan, doanh nghiệp và cá nhân về các kết quả và kinh nghiệm trong triển khai hoạt động năng suất chất lượng. Cuối Hội nghị đã diễn ra lễ trao bằng khen cho 29 doanh nghiệp vì đã có thành tích xuất săc trong phong trào năng suất chất lượng trong thời gian vừa qua.
                                                                                               Theo tcvn.gov.vn
 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây