Chỉ trong thời gian ngắn, lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ đã liên tiếp phát hiện, bắt giữ các cơ sở sản xuất mỹ phẩm, rượu giả.
Chỉ trong thời gian ngắn, lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ đã liên tiếp phát hiện, bắt giữ các cơ sở sản xuất mỹ phẩm, rượu giả. Điều đáng nói, khi mua phải những sản phẩm này, người tiêu dùng không chỉ thiệt hại về kinh tế mà đáng lo ngại hơn khi đây là loại hàng hóa thường được sử dụng trực tiếp vào cơ thể, do vậy việc sử dụng phải hàng giả có thể đem lại những hậu quả khôn lường.
Tràn lan các loại hàng giả trên thị trường
Tối 4/9, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) - Công an TP. Cần Thơ bất ngờ kiểm tra kho chứa hàng mỹ phẩm ở khu vực Bình Trung, phường Long Hòa, quận Bình Thủy (TP.Cần Thơ) do Nguyễn Văn Thành (51 tuổi, ngụ huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) làm chủ. Qua kiểm tra, lực lượng công an phát hiện 300 thùng mỹ phẩm giả nhãn hiệu của các thương hiệu đang được người tiêu dùng ưa chuộng như: New Today, 3 Day, kem dưỡng trắng da Ha Su, kem dưỡng trắng da toàn thân Nha Đam... Cùng đó là nhiều loại hóa chất, thùng, dụng cụ làm kem dưỡng da, nhãn mác các loại tại kho hàng. Tiếp tục kiểm tra nhà trọ của đối tượng Thành ở khu vực Bình Phó A, phường Long Tuyền (quận Bình Thủy), lực lượng công an phát hiện nhiều loại kem đã thành phẩm và các bao hóa chất, bao bì, nhãn mác của các loại kem dưỡng da, máy móc thiết bị sản xuất mỹ phẩm...
Trước đó, vào tối ngày 3/9, tại khu vực phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội), Đội Chống hàng giả của Phòng PC 46 - Công an TP. Hà Nội đã phát hiện, kiểm tra một nam thanh niên điều khiển xe máy chở theo chiếc thùng khá lớn có biểu hiện nghi vấn. Tại thời điểm kiểm tra, trong thùng có 48 chai rượu mang nhãn hiệu Chivas và người đàn ông này không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc. Qua giám định sơ bộ, lực lượng công an xác định số rượu trên là giả. Danh tính người đàn ông là Quách Ngân Giang (36 tuổi, quê quán: Cam Thượng, Ba Vì, tạm trú tại phố Khương Hạ, phường Khương Đình). Khám xét khẩn cấp chỗ ở của Giang, cơ quan công an thu giữ thêm 12 chai rượu mang nhãn Chivas, 7 chai rượu mang nhãn Black (Lào) cùng 65 vỏ chai rượu và nhiều tem, nhãn, nắp chai, nút bi, dụng cụ để sản xuất rượu giả. Tại cơ quan công an, Giang khai nhận cùng vợ là Trần Thị Thanh Hoa (SN 1979) sản xuất số rượu giả trên tại nhà và mang đi tiêu thụ tại các cửa hàng rượu, tạp hóa trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận. Để sản xuất rượu giả, vợ chồng Hoa thu mua vỏ chai rượu cũ về tẩy rửa. Trước đó, Hoa đặt mua tem nhãn Chivas, sau đó mua rượu Black (Lào) về sang chiết vào vỏ chai Chivas và dán tem. Căn cứ lời khai của các đối tượng, cơ quan công an đã tiến hành khám xét 5 địa điểm tiêu thụ rượu giả của vợ chồng Giang - Hoa; trong đó 3 điểm tại Hà Nội, 2 điểm ở Phủ Lý (Hà Nam), Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc). Tổng số rượu giả khoảng hơn 300 chai. Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra mở rộng.
Nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe
Theo ông Lê Thế Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam, có tới hơn 30 mặt hàng thường xuyên bị làm giả, làm nhái, chủ yếu là các sản phẩm tiêu dùng như: mỹ phẩm, hàng dệt may, thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh, rượu bia, nước giải khát... Đó là những sản phẩm mà người tiêu dùng phải sử dụng hàng ngày. Bởi vậy, những nguy cơ ảnh hưởng đến lợi ích, sức khỏe của người tiêu dùng là rất lớn. Đặc biệt, vấn nạn hàng giả, hàng nhái ngày càng biến tướng với nhiều thủ đoạn tinh vi hơn, đang trở thành nỗi nhức nhối của toàn xã hội. Nếu như trước đây, một sản phẩm bị làm giả thường phải mất 6 -7 tháng mới ra đến thị trường thì nay thời gian làm giả chỉ mất khoảng 1 tháng, thậm chí chỉ 1 - 2 tuần. Đó có lẽ cũng là lý do khiến thị trường vẫn đang tràn lan hàng giả, hàng nhái. Dường như cơ quan quản lý vừa dập tắt được điểm này, hàng giả, hàng nhái lại có thể “ngoi” lên ở địa điểm khác.
Nguyên nhân của thực trạng hàng giả tràn lan được các nhà quản lý cho rằng do lợi nhuận thu được từ hàng giả, hàng nhái quá lớn, trong khi chế tài xử lý những vi phạm còn nhẹ nên tình trạng vi phạm sản xuất, vận chuyển hàng giả ngày càng gia tăng và chưa được kiểm soát. Bên cạnh đó, việc thiếu quyết liệt trong xử lý các vi phạm từ phía cơ quan chức năng phát hiện vụ việc và sự vào cuộc chưa thực sự quyết liệt của một số ngành, chính quyền địa phương khiến hàng giả vẫn được bán tràn lan.
Ngoài ra, các doanh nghiệp dường như chưa chú trọng hỗ trợ các lực lượng chức năng và người tiêu dùng trong việc phân biệt hàng thật, hàng giả cũng như góp phần tố giác hàng gian, hàng giả với cơ quan chức năng. Theo ông Trần Minh Dũng - Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, nhiều doanh nghiệp thậm chí còn e ngại trong việc tố cáo thực trạng hàng giả, hàng nhái khi phát hiện sản phẩm của mình bị vi phạm... Việc thiếu hợp tác của doanh nghiệp cũng là một phần nguyên nhân khiến cho nạn hàng giả, hàng nhái không được dập tắt triệt để. Sự phối hợp của cộng đồng doanh nghiệp trong việc phát hiện và tố giác tội phạm hàng giả là rất quan trọng, bởi chỉ có doanh nghiệp mới nắm rõ nhất sản phẩm của mình có bị làm giả hay không.
Mặc dù lực lượng chức năng đã có những nỗ lực vào cuộc, tăng cường kiểm tra kiểm soát, tuy nhiên vấn nạn hàng giả, hàng nhái vẫn có đất sống và đi kèm theo đó là những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng.
Theo truyenthongkhoahoc.vn