Nhập nhằng nguồn gốc hoa quả nhập khẩu

Hoa quả nhập khẩu đa dạng,  phong phú cùng với giá cả mỗi nơi một kiểu, còn nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng khiến người tiêu dùng rất khó lựa chọn.             Hoa quả nhập ngoại được bày bán nhiều ở đường Trần Phú (TP Hải Dương) nhưng người mua ít có thông tin chính xác về nguồn gốc xuất xứ Nếu như trước đây hoa quả nhập khẩu chủ yếu được bán ở các siêu thị lớn thì nay bày bán ở nhiều cửa hàng, các chợ, thậm chí bán rong. Hoa quả nhập khẩu (HQNK) đa dạng,  phong phú cùng với giá cả mỗi nơi một kiểu, còn nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng khiến người tiêu dùng rất khó lựa chọn.  

Từ các cửa hàng hoa quả sạch đến chợ cóc, vỉa hè ở TP Hải Dương bán rất nhiều HQNK. Các loại HQNK có nguồn gốc chủ yếu từ Úc, New Zealand, Mỹ, Nam Phi, Chile... Tại cửa hàng bán HQNK trên đại lộ Hồ Chí Minh, nho đen không hạt nhập khẩu từ Mỹ chỉ có giá 199.000 đồng/kg, rẻ hơn nhiều so với cùng loại bán ở vỉa hè. Người bán hàng khẳng định các mặt hàng hoa quả đều nhập khẩu từ nước ngoài, có giấy chứng nhận và xuất xứ rõ ràng. Đồng thời khẳng định hệ thống bán hàng của Công ty CP Thương mại và Đầu tư DP Hà Nội chỉ có 2 cửa hàng tại TP Hải Dương. Do đó, giá bán của cửa hàng là "chuẩn nhất".

Các cửa hàng hoa quả ở TP Hải Dương cùng một loại nho Mỹ nhưng giá bán mỗi nơi lại khác nhau. Theo tiết lộ của một chủ cửa hàng, giá bán còn phụ thuộc vào đối tượng mua hàng. Khách sang có thể nói thách lên vài giá còn chỗ quen thì bán thấp hơn, chấp nhận lãi ít. Không chỉ có nho không hạt, các sản phẩm khác như táo Envy của Mỹ giá từ 190.000-210.000 đồng/kg, mận đường Australia 200.000 đồng/kg, kiwi vàng New Zealand khoảng 120.000 đồng/kg. Giá bán ở mỗi cửa hàng lại khác nhau, giải thích điều này, người bán hàng cho biết giá sản phẩm phụ thuộc vào kích thước cũng như mẫu mã của quả.

Chị Trần Thị Thu ở phố Quang Trung cho biết: “Nhiều loại hoa quả có mẫu mã giống hệt nhau. Giá bán mỗi nơi một khác, hàng chợ bán một giá, trong cửa hàng lại bán với giá khác. Người tiêu dùng cũng chỉ đánh giá qua mẫu mã sản phẩm, chứ cũng chẳng biết xuất xứ thực sự và giá bán thế nào là hợp lý”.

Không chỉ mỗi nơi bán một giá, nguồn gốc của các loại HQNK cũng khá mù mờ. Chủ một cửa hàng chuyên bán hoa quả trên phố Trần Phú giới thiệu các túi nho được đóng gói cẩn thận: “Đây là nho Mỹ, thơm ngọt hơn nho Trung Quốc. Vì là nho xịn nên chúng được bảo quản cẩn thận hơn nho của Trung Quốc”. Khi chúng tôi đề nghị chủ cửa hàng chứng minh nguồn gốc thì bà chủ tỏ vẻ khó chịu: “Nho xịn nhìn biết ngay cần gì xuất xứ. Mấy gói nho này trong các cửa hàng trái cây nhập khẩu đều bán, cô không phải lo”. Nhìn bề ngoài túi nho được bà chủ quán giới thiệu không có một thông tin nào để chứng minh đó là nho Mỹ. Chùm nho được bọc trong một chiếc túi ni lông sơ sài không tem nhãn, ngay cả tên của loại nho cũng không có.

Để tìm hiểu loại nho Mỹ mà chủ quán bán trái cây ở trên vừa giới thiệu, chúng tôi tìm đến cửa hàng bán HQNK trên đường Nguyễn Trãi thì được nhân viên bán hàng cho biết: “Nho Mỹ mà các chị vừa mua ở các cửa hàng bên ngoài đa phần là nho Trung Quốc. Chỉ có bao bì na ná giống nho Mỹ chứ chắc chắn nho đó không phải là nho Mỹ. Người bán tự mua bao bì, nhãn mác sản phẩm rồi tự đóng gói thành hoa quả xịn. Việc họ mua nhãn mác, bao bì ở đâu thì chúng tôi không nắm được”. Khi chúng tôi hỏi làm cách nào phân biệt nho Mỹ thì chủ cửa hàng ở đây cho rằng: “Về giá, nho Mỹ không bao giờ có giá dưới 200.000 đồng/kg. Bằng cảm quan, cầm quả nho Mỹ bao giờ cũng chắc tay. Khi bổ đôi quả nho thấy phần thịt có màu đậm, càng gần hạt thì màu nhạt hơn và nho Trung Quốc thì ngược lại. Hiện nay, có nhiều nơi gắn mác HQNK từ Mỹ, Úc nhưng chưa chắc hoa quả đó có xuất xứ từ những nơi này và cũng rất ít người tiêu dùng biết phân biệt các loại quả nhập khẩu từ Mỹ, Úc với các loại quả có nguồn gốc Trung Quốc”. Nhân viên bán hàng ở đây cũng cho biết để tạo niềm tin với người mua, cửa hàng đã sắm thêm các loại máy đo dư lượng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật và máy test nguồn gốc xuất xứ sản phẩm qua tem. 

Theo nhiều người tiêu dùng, hiện nay rất khó để phân biệt hoa quả nhập khẩu từ Mỹ, Úc, Canada hay New Zealand. Bởi lẽ, hầu hết những sản phẩm này đều được bày bán ở các cửa hàng hoa quả ngoài chợ, cũng có tem nhãn không khác sản phẩm bán trong siêu thị hay các cửa hàng chuyên bán HQNK. Tuy nhiên, có một nghịch lý là HQNK ở chợ giá bán lại rẻ hơn. Chị Nguyễn Thị Hoa ở khu 3, phố Điềm Lộc cho biết: “Tôi đã nhiều lần mua táo Mỹ tại cửa hàng bán trái cây nhập khẩu ở đại lộ Hồ Chí Minh. Nhưng khi ra chợ tôi thấy cũng quả táo đó, cũng nhãn mác đó nhưng giá bán chỉ bằng một nửa. Cửa hàng bán HQNK chỉ chứng minh bằng tem, nhãn ghi trên sản phẩm và giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm thì chưa đủ. Người tiêu dùng chúng tôi chẳng biết cách nào để phân biệt”.

Ông Lê Đình Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản cho rằng: “Hiện nay không ít người tiêu dùng lo sợ trái cây có xuất xứ từ Trung Quốc không an toàn nên tẩy chay sản phẩm này. Để qua mắt người tiêu dùng, không ít chủ cửa hàng vì lợi nhuận đã gắn mác nhập khẩu, biến hoa quả Trung Quốc thành hoa quả Mỹ, Úc. Để chứng minh HQNK phụ thuộc vào tem mác nhưng các loại tem này lại rất dễ bóc, dán nên người bán hàng không trung thực có thể thay đổi tem khiến người mua khó có thể phân biệt được. Để mua được HQNK chuẩn có lẽ chỉ chờ vào lương tâm và uy tín của người bán hàng”.

Để bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng, các cơ quan chức năng của tỉnh cần sớm kiểm tra và đánh giá độ an toàn của sản phẩm bày bán tại cửa hàng bán HQNK. Đồng thời xử phạt nghiêm những trường hợp lợi dụng sự thiếu hiểu biết của khách hàng để biến trái cây nhập khẩu từ Trung Quốc thành trái cây có độ an toàn cao của các nước Mỹ, Úc…

                                                                         LAN ANH - TRẦN HIỀN

         Theo: Baohaiduong.vn

 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây