Sơ hở quy định về ghi nhãn hàng hóa

Trong xu thế hội nhập, hoạt động kinh doanh hàng giả, hàng nhái đang làm xấu đi mô hình đầu tư kinh doanh của Việt Nam, ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Mặc dù rất quyết tâm “chặn” hàng giả, hàng nhái nhưng lực lượng Hải quan đang gặp nhiều khó khăn do bất cập trong các quy định của pháp luật.
Sơ hở quy định về ghi nhãn hàng hóa
Nghị định 89/2006/NĐ- CP quy định về ghi nhãn hàng hóa cho phép DN được ghi bổ sung thông tin trên nhãn phụ bằng tiếng Việt trước khi đưa hàng hóa ra lưu thông. Việc cho phép ghi bổ sung thông tin còn thiếu trên nhãn phụ dễ tạo điều kiện cho việc ghi các thông tin trên nhãn một cách tùy tiện, tạo kẽ hở để ghi thông tin giả mạo lên nhãn hàng hóa. Theo thông lệ quốc tế, hiện nay không có nước nào quy định về việc ghi bổ sung thông tin bằng nhãn phụ trên hàng hóa NK (!).
Bên cạnh đó, việc ghi xuất xứ hàng hóa trên nhãn hiện nay còn biến tướng theo nhiều kiểu khác nhau. Theo quy định thì việc ghi xuất xứ phải trả lời được câu hỏi: Sản xuất tại nước hoặc vùng lãnh thổ nào? Tuy nhiên trên thực tế, xuất xứ hàng hóa được ghi trên nhãn hàng hóa NK như: “Sản xuất theo công nghệ của Đức, của Ý...” hoặc “được sản xuất theo tiêu chuẩn châu Âu, “sản xuất theo tiêu chuẩn...”. Có trường hợp, trên nhãn hàng hóa lại chỉ ghi xuất xứ của bộ phận chính cấu tạo nên hàng hóa nhưng lại được ghi như xuất xứ của sản phẩm. Nhiều sản phẩm là thực phẩm chức năng có in cờ Mỹ, cờ Đức trên nhãn hàng hóa chiếm phần lớn diện tích của nhãn, trong khi hàng hóa được sản xuất tại Trung Quốc, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc và bản chất của hàng hóa. Điều đáng nói là hiện nay việc ghi nhãn hàng hóa có chứa thông tin gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng lại không có chế tài xử phạt.
Quy định về cách thức ghi nhãn còn rất nhiều bất cập, nhãn hàng hóa NK nhiều trường hợp được in bằng giấy có thể bóc ra dán nhãn khác vào rất dễ dàng. Chính điều này đã tạo điều kiện cho các đối tượng thay đổi nhãn mác. Vì vậy, cần phải có sự thay đổi quy định pháp luật cho phù hợp, theo đó việc dán nhãn giấy phải đảm bảo không thể bóc ra được hoặc không được tẩy xóa để không làm sai lệch thông tin về hàng hóa.
Việc hướng dẫn áp dụng các quy định của pháp luật về kiểm soát việc ghi nhãn hàng hóa NK chưa được thống nhất. Nghị định 89/2006/NĐ-CP quy định việc ghi nhãn đối với hàng hóa XK, NK, tại Khoản 3, Điều 10 có nêu: Hàng hoá NK vào Việt Nam mà nhãn gốc không phù hợp với quy định của Nghị định này thì tổ chức, cá nhân NK phải ghi nhãn phụ theo quy định tại Khoản 3 Điều 9 của Nghị định này, tức là hàng hoá NK vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hoá. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc.
Tại Công văn số 2898/BKHCN- TTra ngày 22-7-2014 của Bộ Khoa học và Công nghệ trả lời Tổng cục Hải quan về ghi nhãn hàng hóa NK lại hướng dẫn: “Hàng hóa NK vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì không vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa nhưng tổ chức, cá nhân phải bổ sung nhãn phụ bằng tiếng Việt trước khi đưa ra lưu thông (với điều kiện hàng hóa phải có nhãn gốc theo quy định)”.
Với quy định và hướng dẫn như trên, tại khâu NK cơ quan Hải quan không có cơ sở pháp lý để kiểm soát đối với những sai phạm về việc ghi nhãn hàng hóa. Bên cạnh đó, việc cấp hồ sơ công bố tiêu chuẩn sản phẩm không xem xét đến quy định về ghi nhãn hàng hóa, nhiều trường hợp nhãn hàng hóa thể hiện trên bao bì thương phẩm của hàng hóa phản ánh không đúng bản chất, nguồn gốc của hàng hóa nhưng cơ quan quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm vẫn cấp hồ sơ công bố theo nhãn DN đăng ký.
Để khắc phục tình trạng này, Cục Điều tra chống buôn lậu kiến nghị khi khai báo phải khai rõ, tên hàng, chủng loại, nhãn hiệu hàng hóa... để dễ kiểm soát. Đồng thời, không công nhận việc ghi xuất xứ hàng hóa theo kiểu: “Sản xuất theo công nghệ của ...”, “sản xuất theo tiêu chuẩn của...”. Pháp luật cũng cần quy định cụ thể ngôn ngữ của nhãn hàng hóa khi NK vào Việt Nam để đảm bảo kiểm soát có hiệu quả hàng hóa NK.
Làm giả cả tem chống hàng giả
Theo đánh giá của Cục Điều tra chống buôn lậu-Tổng cục Hải quan, hàng giả, hàng nhái xuất hiện tràn lan trên thị trường, đến cả "Tem chống hàng giả" cũng bị làm nhái, làm giả. Kết quả kiểm tra, kiểm soát hàng hóa XNK của lực lượng kiểm soát Hải quan cho thấy, hàng hóa bị làm giả ở tất cả chủng loại, nhất là làm giả các nhãn hiệu nổi tiếng của nước ngoài. Hàng bị làm giả nhiều nhất thường là các mặt hàng thời trang như: Quần áo, giầy dép, túi xách và đồ điện gia dụng. Đáng lưu ý là một lượng lớn hàng giả, hàng nhái được đưa vào Việt Nam theo cách thức như lợi dụng tiêu chuẩn miễn thuế của cư dân biên giới, vận chuyển qua các đường mòn, lối mở nên các cơ quan chức năng nói chung và lực lượng Hải quan gặp nhiều khó khăn để kiểm soát.
Trong quý I-2015, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia đã phối hợp với lực lượng chức năng tại địa phương phát hiện, bắt giữ một lượng lớn thiết bị nhà bếp, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm giả... xuất xứ.
 
                                                                                    Nguồn tin: Báo Hải quan
 
  

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây