TFP thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội

Sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong những thập kỷ qua chủ yếu phụ thuộc vào sự tích luỹ của các yếu tố đầu vào, đặc biệt là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ( FDI). Tuy nhiên, năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) là biện pháp gia tăng đầu ra bằng việc nâng cao chất lượng của các yếu tố đầu vào là lao động và vốn. Vì vậy, tăng TFP gắn liền với áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, đổi mới công nghệ, cải tiến phương thức quản lý, nâng cao kỹ năng, trình độ tay nghề của người lao động…
TFP thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội
Xung quanh vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Vinh – Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) xung quanh vấn đề này.
Vai trò của TFP trong tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam thể hiện như thế nào, thưa ông?
Ông Trần Văn Vinh:Những năm gần đây, TFP đã được giới thiệu và đưa vào nghiên cứu tại Việt Nam. Qua kết quả nghiên cứu TFP của Việt Nam, TFP đang có tỷ lệ đóng góp ngày càng cao vào tăng trưởng kinh tế. Nếu như các giai đoạn trước, đóng góp của tăng TFP vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thường dưới 20%, thì từ năm 2011 đến nay, tốc độ tăng TFP ngày càng nhanh, đóng góp của tăng TFP của năm sau tăng nhanh hơn năm trước, bình quân giai đoạn 2011 – 2014, tốc độ tăng của TFP đóng góp vào tăng trưởng kinh tế khoảng trên 27%. Đây là yếu tố ngày càng trở nên quan trọng trong tăng trưởng kinh tế do nguồn vốn đầu tư có xu hướng chậm lại.
Hiện nay các nước phát triển có đóng góp của tăng TFP vào GDP ở mức trên 50%, các nước đang phát triển như Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc ở mức 35% nhưng ở Việt Nam đóng góp của tăng TFP vào tăng trưởng kinh tế chỉ khoảng 27%. Ông lý giải về mức đóng góp này như thế nào?
Ông Trần Văn Vinh:Nhìn chung ở các nước phát triển, tăng trưởng kinh tế thường chậm, trong đó tốc độ tăng vốn và tăng lao động không cao, đóng góp chủ yếu là từ cải tiến năng suất. Vì vậy, đóng góp của tăng TFP vào tăng GDP thường cao, thông thường trên 50%. Nước phát triển như Nhật Bản có thể tới 80 đến 90%.
Dù đóng góp của tăng TFP vào tăng GDP đã tăng đáng kể so với trước đây, nhưng vẫn còn thấp so với các nước phát triển và một số nước đang phát triển trong khu vực. Nhìn chung, trong các yếu tố đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, thì phát triển kinh tế của Việt Nam vẫn dựa trên tăng cường vốn là chủ yếu. Tốc độ tăng vốn của Việt Nam bình quân giai đoạn 2011 – 2014 khoảng 6 -7%/ năm và đóng góp khoảng 55% vào tăng trưởng kinh tế.
Trên thực tế, Việt Nam là nước đang phát triển nên ở giai đoạn này tăng cường vốn đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, để phát triển kinh tế một cách bền vững và đặc biệt là đảm bảo khả năng bắt kịp các nước đã phát triển hơn thì Việt Nam cần tập trung hơn nữa vào thúc đẩy tăng năng suất thông qua phát triển khoa học công nghệ, kỹ thuật, chất lượng lao động và hiệu quả phân bổ các nguồn lực trong nền kinh tế.
Hiện nay, TFP được xem là một yếu tố quan trọng trong sự phát triển kinh tế bền vững, vậy ở Việt Nam TFP đã thực sự được coi trọng hay chưa, thưa ông?
Ông Trần Văn Vinh:Xét về xu hướng, vốn cố định và lao động đều có xu hướng tăng chậm dần, trong khi đó TFP có xu hướng tăng nhanh dần lên trong những năm gần đây. Đây là sự chuyển biến theo hướng nền kinh tế tập trung vào chất lượng tăng trưởng: như chất lượng lao động, chất lượng về vốn, nghiên cứu triển khai, khoa học kỹ thuật và hiệu quả kinh tế.
Xét về xu hướng đóng góp của các yếu tố vào tăng trưởng kinh tế, giai đoạn 2006 - 2010, tăng vốn đóng góp vào tăng trưởng kinh tế lên tới 78%. Tuy nhiên, giai đoạn 2011 - 2014 đã có sự thay đổi, đóng góp của vốn chỉ còn 53%.
Vai trò của TFP ngày càng được chú trọng trong phát triển kinh tế của Việt Nam, được khẳng định ở nghị quyết Trung ương 6 về Phát triển kinh tế xã hội, trong đó  đưa ra định hướng: Đến năm 2020, thông qua yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) hoạt động khoa học và công nghệ đóng góp khoảng 35% tăng trưởng kinh tế. Tiếp theo đó là Chương trình quốc gia Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa đến năm 2020 đặt mục tiêu tốc độ tăng TFP đóng góp vào tăng trưởng kinh tế đến năm 2015 là 30% và đến năm 2020 là 35%.
                                                                              Theo truyenthongkhoahoc.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây