Cùng với việc định hướng và thúc đẩy phong trào cải tiến NSCL nói chung, một trong những đầu ra quan trọng và được kỳ vọng nhiều từ chương trình này là các dự án nâng cao NSCL (Dự án NSCL) tại DN.
Cải tiến NSCL bằng định hướng và đo lường
Định hướng, chiến lược là yếu tố quan trọng nhất trong hoạt động NSCL của một DN. Nó hướng đến thúc đẩy các nỗ lực trong hoạt động NSCL được thực hiện một cách nhất quán, có hiệu quả và hướng vào các thành công bền vững. Chiến lược NSCL đóng vai trò như cầu nối giữa chiến lược sản xuất kinh doanh (SXKD) và các nỗ lực cụ thể trong hoạt động NSCL.
Về mặt nội dung, chiến lược NSCL của một DN cần thể hiện được quan điểm về sự quan hệ giữa NSCL với chiến lược phát triển, chính sách khác biệt trong cạnh tranh; quan điểm về định vị chất lượng SPHH, thỏa mãn khách hàng, lợi ích của cổ đông và các bên liên quan. Các chiến lược này có thể được thiết lập và triển khai một cách hiệu quả thông qua việc sử dụng những công cụ phổ biến hiện nay như Thẻ điểm cân bằng (BSC), Hệ thống chỉ số hoạt động trọng yếu (KPIs) và Quản lý theo mục tiêu (MBO).
Đối với đo lường, để có thể đo lường, đánh giá kết quả đạt được về NSCL và khả năng theo đuổi chính sách NSCL, DN cần thực hiện các chương trình đo lường NSCL SPHH, chỉ số thỏa mãn khách hàng (CSI), và, khi có thể, tham gia vào các chương trình Điểm chuẩn nội bộ, trong ngành, lĩnh vực của mình. Việc đo lường và Điểm chuẩn giúp DN biết được mình ở đâu trong nỗ lực cải tiến “tự thân”, trong so sánh với đối thủ cạnh tranh và cộng đồng DN nói chung để có được các đối sách thích hợp trong theo đuổi chiến lược NSCL.
Ngoài ra, các chương trình đánh giá sự phù hợp như Chứng nhận hợp chuẩn, Chứng nhận hợp quy, hoặc Chứng nhận các Hệ thống quản lý (HTQL) cũng giúp cho DN có được cơ hội “soi” mình với các chuẩn mực về chất lượng SPHH và tiêu chuẩn quản lý cho các lĩnh vực khác nhau.
Các giải pháp triển khai
Một là, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và các thỏa thuận mức dịch vụ là xuất phát điểm và nền tảng cơ bản cho năng lực cạnh tranh của DN về chất lượng trong thị trường mục tiêu của mình. DN cần xây dựng, áp dụng các tiêu chuẩn sản phẩm, quy chuẩn kỹ thuật và SLA trên cơ sở phân tích yêu cầu pháp luật, thực trạng và xu hướng về khoa học công nghệ, nhu cầu khách hàng mục tiêu, và các đối thủ cạnh tranh nhằm đảm bảo rằng các tiêu chuẩn kỹ thuật. SLA tuân thủ các yêu cầu luật pháp, tiếp cận với thành tựu nghiên cứ khoa học công nghệ, đáp ứng yêu cầu khách hàng và phù hợp với chiến lược cạnh tranh trong so sánh với tiêu chuẩn SPHH của các đối thủ cạnh tranh trên thị trường. Khi cần thiết, đặc biệt trong lĩnh vực nông sản và thủ công mỹ nghệ, có thể huy động sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia tư vấn và cơ quan quản lý nhà nước nhằm hỗ trợ cho quá trình nghiên cứu, xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật SPHH.
Hai là, HTQL đặc thù ngành & ISO IEC 17025. Đây là giải pháp hiệu quả tăng cường năng lực đảm bảo và quản lý các yêu cầu chất lượng sản phẩm, dịch vụ của DN. Các tiêu chuẩn HTQL đặc thù ngành cung cấp chỉ dẫn và thực hành tốt cụ thể cho các yêu cầu chất lượng và đặc thù quá trình sản xuất, cung cấp dịch vụ của DN. Tùy vào lĩnh vực hoạt động cụ thể mà DN có thể áp dụng các HTQL theo tiêu chuẩn đặc thù ngành như: ISO 22000/HACCP/BRC cho ngành thực phẩm và đồ uống, ISO/TS 16949 cho ngành công nghiệp ô tô xe máy, ISO 13485 cho ngành sản xuất thiết bị y tế. Doanh nghiệp cũng nên xem xét nhu cầu xây dựng và áp dụng HTQL chất lượng Phòng thử nghiệm (PTN) theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17025. Việc áp dụng tiêu chuẩn này không chỉ giúp DN có được các kết quả đo lường chất lượng SPHH chính xác, đáng tin cậy hơn mà còn nâng cao niềm tin của khách hàng và người tiêu dùng với năng lực kiểm soát chất lượng, và vì thế với chất lượng SPHH mà DN cung cấp.
Ba là, áp dụng HTQLCL theo ISO 9000. ISO 9000 là một mô hình được theo đuổi rộng rãi nhất trên thế giới hiện này với khuôn khổ đầy đủ cho một HTQL chất lượng theo mô hình quá trình và hướng vào khách hàng. Ngoài ra, các nguyên lý và tiếp cận trong ISO 9000 cũng có thể được diễn giải và áp dụng một cách dễ dàng cho các yếu tố khác ngoài “chất lượng SPHH”. Thông thường, các giải pháp và công cụ cải tiến năng suất & chất lượng chỉ có thể được áp dụng tốt và phát huy hiệu quả tối đa trên nền tảng một HTQL theo ISO 9000 được vận hành một cách hiệu lực và hiệu quả.
Bốn là, áp dụng các mô hình TQM, Lean Six Sigma, BE & TP. Trong khi tiêu chuẩn SPHH và các HTQL giúp cho DN đạt được sự ổn định, và khả năng cải tiến ở mức nhất định về chất lượng, các mô hình quản lý như Quản lý chất lượng toàn diện (TQM), Lean Six Sigma, Mô hình kinh doanh hoàn hảo (BE), và Hệ thống quản lý năng suất tổng thể (TP/TPM) cung cấp các triết lý và khuôn khổ tổng thể cho hoạt động cải tiến NSCL.
Năm là, các yếu tố trách nhiệm xã hội và phát triển bền vững. Song song với các nỗ lực cải tiến năng lực cạnh tranh về NSCL, DN cũng cần chứng tỏ những cam kết của mình ở khía cạnh trách nhiệm xã hội (TNXH) và phát triển bền vững (PTBV) thông qua việc áp dụng và được chứng nhận theo các tiêu chuẩn HTQL môi trường (ISO 14000), Tiết kiệm năng lượng (ISO 50000), An toàn sức khỏe nghề nghiệp (OHSAS 18000), Trách nhiệm xã hội (SA 8000), hay mô hình Năng suất xanh (GP).
Sáu là, thực hiện quản lý rủi ro & quản lý tri thức. Ở trong môi trường kinh doanh liên tục thay đổi các chiến lược và giải pháp cải tiến NSCL cũng cần được xem xét và điều chỉnh một cách thích hợp trên cơ sở các nguyên tắc và thực hành về quản lý rủi ro. Trong trường hợp này, HTQL rủi ro theo tiêu chuẩn ISO 31000, và ở mức độ nhất định là ISO 27000 cho quản lý an ninh thông tin, là những công cụ hữu hiệu giúp cho DN luôn ở trong tình trạng “cập nhật” và “kiểm soát” về NSCL và các yếu tố liên quan khác đã phân tích ở trên…
Với Quyết định 712/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa (SPHH) của Doanh nghiệp (DN) Việt Nam đến năm 2020”, Chính phủ mong muốn “tạo bước chuyển biến rõ rệt về năng suất và chất lượng (NSCL) của các SPHH chủ lực, khả năng cạnh tranh của các (DN)”, thông qua việc “xây dựng và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến NSCL”, và “phát triển các nguồn lực cần thiết để nâng cao năng suất và chất lượng SPHH”.
|
Theo VietQ.vn