Cập nhật tiêu chuẩn mới trong quản lý chất lượng đồ chơi trẻ em

Năm 2017, Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia sẽ xây dựng mới 2 TCVN và soát xét 3 TCVN nhằm đảm bảo an toàn đồ chơi trẻ em cũng như đáp ứng yêu cầu quản lý.

Cập nhật tiêu chuẩn mới trong quản lý chất lượng đồ chơi trẻ em

Hàng năm tại các thị trường lớn như Mỹ, Châu Âu có hàng trăm loại đồ chơi bị thu hồi do có nguy cơ gây mất an toàn. Trong đó, chủ yếu gồm nguy cơ các chi tiết nhỏ của đồ chơi bị rời ra có khả năng làm trẻ em bị hóc, nghẹn và ngạt thở khi nuốt phải những chi tiết nhỏ này; nguy cơ các sơn màu của đồ chơi có chứa các chất có thể thôi nhiễm có độc như chì, niken; nguy cơ gây mất an toàn cháy từ các đồ chơi trang trí dễ bắt cháy hoặc từ phần pin của đồ chơi; nguy cơ các đồ chơi chất dẻo có chứa phtalate vượt mức quy định v.v...

Gần đây nhất trong tháng 2/2017 công ty Moose Toy cũng đã phải thu hồi hơn 400.000 đồ chơi con ếch bằng nhựa do có những báo cáo về nguy cơ gây mất an toàn do nắp pin đồ chơi bị rời ra và gây nguy cơ rò rỉ hóa chất của pin ra bên ngoài.

Năm 2017, Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia tiếp tục xây dựng mới 2 TCVN và soát xét 3 TCVN nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ em khi sử dụng đồ chơi

Tại Việt Nam, trên thị trường hiện nay đồ chơi trẻ em chủ yếu vẫn là hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, trong đó hàng chính ngạch của các nhà sản xuất có uy tín chiếm tỷ lệ không cao, các hàng trôi nổi, nhập theo đường tiểu ngạch, không rõ nguồn gốc, chất lượng kém vẫn còn nhiều. Chính vì vậy luôn tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn từ đồ chơi đến trẻ em.

Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, các mẫu đồ chơi do Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hoá và một số Chi cục TCĐLCL lấy mẫu trên thị trường gửi kiểm nghiệm trong các đợt kiểm tra cơ bản đều đạt yêu cầu theo QCVN 3:2009/BKHCN về giới hạn xâm nhập của các độc tố trong đồ chơi trẻ em dưới 36 tháng tuổi đối với các chỉ tiêu: antimon (Sb), asen (As), bari (Ba), cadimi (Cd), crom (Cr), chì (Pb), thuỷ ngân (Hg) và Formaldehyt và đạt yêu cầu chống cháy.

Tuy nhiên, trên thị trường hiện còn một số sản phẩm đồ chơi trẻ em và một số quy định liên quan đến an toàn chưa thuộc phạm vi của quy chuẩn như đồ chơi vận động, quy định phtalate, sơn bằng tay, ... gây khó khăn cho việc chứng nhận hợp quy và lúng túng cho đơn vị quản lý cũng như doanh nghiệp.

Lấp khoảng trống trong quản lý an toàn đồ chơi trẻ em

Từ năm 1997, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, nay là Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành bộ tiêu chuẩn quốc gia về An toàn đồ chơi trẻ em với số hiệu TCVN 6238 trên cơ sở chấp nhận hoàn toàn bộ tiêu chuẩn Châu Âu EN 71 Safety of Toys. Ngoài ra, tại thời điểm đó Bộ KHCN&MT cũng đã ban hành Danh mục hàng hoá xuất nhập khẩu phải được kiểm tra nhà nước về chất lượng, trong đó có qui định kiểm tra chỉ tiêu an toàn cơ lý của đồ chơi trẻ em theo TCVN 6238-1:1997 (EN 71-1:1988).

Đến năm 2006, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 50/2006/TTg ngày 7/3/2006 ban hành Danh mục sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra về chất lượng, trong đó qui định kiểm tra về yêu cầu giới hạn mức xâm nhập của các độc tố từ đồ chơi cho đối tượng trẻ em dưới 36 tháng tuổi theo TCVN 6238-3:1997 (EN 71-3:1988).

Năm 2007, khi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật có hiệu lực, các sản phẩm hàng hóa có nguy cơ gây mất an toàn đều được đưa vào đối tượng phải bắt buộc áp dụng quy chuẩn kỹ thuật trong đó có đồ chơi trẻ em. Ngày 26/6/2009, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban thành thông tư số 18/2009/TT-BKHCN ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 03:2009/BKHCN “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn đồ chơi trẻ em”, trong đó quy định: Kể từ ngày 15/4/2010 đồ chơi trẻ em sản xuất trong nước, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường phải áp dụng các quy định của QCVN 03:2009/BKHCN.

Trong quy chuẩn này các quy định an toàn cho đồ chơi trẻ em gồm các yêu cầu về chỉ tiêu cơ lý, yêu cầu về khả năng chống cháy, về giới hạn xâm nhập của các độc tố cũng như yêu cầu về các hợp chất hữu cơ có trong đồ chơi trẻ em và các phương pháp thử tương ứng.

Bên cạnh đó, do tính đa dạng về kiểu dáng, chất lượng, vật liệu nên các tiêu chuẩn về đồ chơi trẻ em cũng liên tục được thay đổi, cập nhật những yêu cầu mới và cả những quy định cho sản phẩm mới.

Nắm bắt được tình hình phức tạp của đối tượng này, trong thời gian qua Ban kỹ thuật Tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC 181 An toàn đồ chơi trẻ em đã thường xuyên cập nhật bộ tiêu chuẩn quốc gia về An toàn đồ chơi trẻ em để làm căn cứ cho việc quản lý chất lượng đồ chơi trẻ em trên thị trường. Các tiêu chuẩn này được xây dựng trên cơ sở chấp nhận bộ tiêu chuẩn quốc tế (ISO 8124) và tiêu chuẩn châu Âu (EN 71) tương ứng. Trong hệ thống tiêu chuẩn quốc gia hiện nay đã có 11 TCVN về An toàn đồ chơi trẻ em.

Theo kế hoạch, năm 2017, Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC 181 tiếp tục xây dựng mới 02 TCVN về xác định nồng độ tổng số của một số nguyên tố trong đồ chơi; Yêu cầu và phương pháp thử của sơn bằng tay và soát xét 03 TCVN về các yêu cầu an toàn liên quan đến tính chất cơ lý; Yêu cầu chống cháy; Xích đu, cầu trượt và các đồ chơi vận động tương tự sử dụng tại gia đình trên cơ sở cập nhật các phiên bản mới nhất của bộ tiêu chuẩn quốc tế (ISO 8124). Các tiêu chuẩn quốc gia được công bố chính là căn cứ khoa học để cập nhật cũng như bổ sung các nội dung kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu đảm bảo an toàn cho trẻ em khi chơi và sử dụng đồ chơi cũng như đáp ứng nội dung quản lý trong QCVN 03:2009/BKHCN.

Theo vietq.vn


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây