Gian lận chất lượng, làm giả nhãn mác phân bón, Giám đốc công ty Thuận Phong bị đề nghị khởi tố

Gian lận chất lượng, giả mạo nhãn mác phân bón gây thiệt hại cho nông dân, Giám đốc công ty Thuận Phong bị đề nghị khởi tố.

 

Gian lận chất lượng, làm giả nhãn mác phân bón, Giám đốc công ty Thuận Phong bị đề nghị khởi tố

Ngày 24/4/2015, Đoàn kiểm tra liên ngành gồm Văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia, 389 tỉnh Đồng Nai và cả cơ quan thanh tra của Bộ Quốc phòng (do Công ty Thuận Phong thuê đất quốc phòng) đã bắt quả tang Công ty Thuận Phong đang sang chiết, sản xuất phân bón giả nguồn gốc, xuất xứ Mỹ, tức nhãn hàng ghi “made in USA” nhưng thực chất ra đời tại Đồng Nai với số lượng lớn.

Ông Khiếu Mạnh Tường - Tổng giám đốc Công ty Thuận Phong đã ký văn bản thừa nhận toàn bộ tem nhãn mác ghi phân bón sản xuất tại Mỹ thực chất đều sản xuất tại Việt Nam.

Tổng Giám đốc Công ty Thuận Phong - ông Khiếu Mạnh Tường đã xác nhận toàn bộ số nhãn hàng hóa của lô hàng (nhãn tiếng nước ngoài, nhãn niêm phong, vỏ bao bì, can nhựa chứa phân bón - nhãn hiệu HUMA GRO) được Công ty Thuận Phong thuê in ấn và sản xuất tại Việt Nam.

Kết quả giám định lần 1 theo Thông báo kết quả giám định số 0113/N3.15TĐ của Trung tâm Kỹ thuật đo lường 3 cho thấy, trong 29 mẫu sản phẩm phân bón của Công ty Thuận Phong có tới 19 mẫu sản phẩm phân bón có kết quả không phù hợp, không đủ 70% chỉ tiêu thành phần được công bố trên bao bì. Theo quy định tỷ lệ này dưới 70% được xác định là hàng giả.

Không đồng ý với kết quả giám định này, ông Khiếu Mạnh Tường - Tổng giám đốc Công ty Thuận Phong - đã đề nghị cho giám định lại đối với 29 mẫu sản phẩm phân bón tại Công ty SGS. Kết quả giám định lần 2 tỷ lệ còn thấp hơn lần 1.

Theo luật sư Nguyễn Thế Truyền - Giám đốc Công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh, sau cả 2 lần giám định mẫu phân bón của Công ty Thuận Phong đều cho ra kết quả dưới 70% đối với các đặc tính kỹ thuật cơ bản. Như vậy đã đủ xác định hành vi sản xuất phân bón của Công ty Thuận Phong là hành vi cấu thành tội sản xuất hàng giả.

Tuy nhiên, đã hơn hai năm rôi qua kể từ ngày Công ty Thuận Phong bị bắt quả tang sản xuất phân bón giả, sáu bộ ngành, trong đó có cả Bộ Tư pháp, Bộ Khoa học và Công nghệ… kết luận và kiến nghị khởi tố vụ án hình sự nhưng chưa thể thực hiện. Không những thế, ngay cả các đại biểu Quốc hội cũng phải lên tiếng gay gắt trong ba kỳ họp Quốc hội đề nghị xử lý nghiêm minh này.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi còn là Phó Thủ tướng thường trực, kiêm trưởng Ban chỉ đạo 389 quốc gia về chống buôn lậu và gian lận thương mại đã khẳng định, đây là vụ việc bức xúc, dư luận rất quan tâm, phải có kết quả rõ ràng.

Lý do là vụ việc này có liên quan trực tiếp đến sản xuất, đời sống, sức khoẻ con người, thậm chí làm mất uy tín quốc gia. “Không ai được phép bao che” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng chỉ đạo rất rõ ràng, dứt khoát.

Mới đây, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình cũng đã chỉ đạo, 6 bộ ngành đã kết luận là phân bón giả, viện kiểm sát phải huỷ quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với hành vi của Công ty Thuận Phong.

Thế nhưng, trước đó, công an tỉnh Đồng Nai vẫn quyết định không khởi tố vụ án hình sự và doanh nghiệp được phạt hành chính với số tiền 45 triệu đồng.

Về quyết định của Công an tỉnh Đồng Nai, luật sư cho rằng doanh nghiệp sản xuất phân bón giả thu lợi không biết bao nhiêu tiền, nhưng lại được xử phạt hành chính vài trăm triệu đồng thì thực là coi thường pháp luật, không những không răn đe mà còn tạo tiền đề xấu cho các hành vi sai phạm trong lĩnh vực phân bón sau này.

Vụ việc Thuận Phong sẽ là một án lệ, từ đây các doanh nghiệp sản xuất phân bón còn sợ gì mà không làm phân giả, phân kém chất lượng. Bởi, làm hàng giả thu lời hàng chục, hàng trăm tỉ đồng nhưng chỉ bị phạt hành chính như phủi bụi.

Liên quan tới vấn đề này, luật sư Truyền cho rằng 60 triệu người Việt đang sống bằng nghề nông. Vì thế, số người phải chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc sử dụng phải phân bón giả là không hề nhỏ. Hậu quả nhẹ thì thiệt hại mùa màng, nặng thì mất trắng.

Không những thế, theo luật sư Truyền, tài nguyên đất đai cũng bị xâm phạm nghiêm trọng do nạn sử dụng phân bón giả. Đất đai bạc màu, cằn cỗi dẫn đến bần cùng hóa đời sống của bà con nông dân.

Cùng chung nhận định trên, luật sư Nguyễn Thị Bích Liên nói thêm rằng theo ước tính của cơ quan chức năng, gần 60.000 tỷ đồng là thiệt hại của ngành nông nghiệp mỗi năm vì phân bón giả. Ngoài ra, có gần 2.000 tỷ đồng thiệt hại mỗi năm của ngành sản xuất phân bón vì nạn phân bón giả. Các doanh nghiệp kinh doanh phân bón chân chính sẽ bị tận diệt hoặc thua lỗ do hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Trước sự việc nêu trên, Ban Thường vụ T.Ư Hội Nông dân Việt Nam đã có văn bản đề nghị một số văn phòng luật sư phối hợp, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của nông dân.

Văn bản nêu rõ: Thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện dấu hiệu sản xuất kinh doanh phân bón giả tại Công ty Cổ phần SXTM Thuận Phong (Đồng Nai) làm ảnh hưởng tới chất lượng và hiệu quả sản xuất nông nghiệp, gây thiệt hại lớn với người nông dân. Trước tình hình trên, Ban Thường vụ T.Ư Hội Nông dân Việt Nam đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét xử lý vi phạm đối với Công ty Thuận Phong.

Luật sư Nguyễn Thế Truyền cho biết trên cơ sở công văn đề nghị của T.Ư Hội Nông dân Việt Nam và đơn mời luật sư của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, quyền và lợi ích hợp pháp của của 60 triệu người tiêu dùng là những nông dân Việt Nam, trên cơ sở bảo vệ tài nguyên vô giá là tài nguyên đất nông nghiệp, quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp kinh doanh ngành phân bón chân chính, ông và luật sư Nguyễn Thị Bích Liên - Giám đốc Công ty Luật TNHH Ánh Dương Việt - đã cùng đề nghị cơ quan chức năng khởi tố hình sự đối với ông Khiếu Mạnh Tường - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần sản xuất thương mại (CP SXTM) Thuận Phong, trụ sở tại KP 7, phường Long Bình, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, vì đã có đủ dấu hiệu phạm tội, quy định tại các Điều 156, Điều 158 Bộ luật Hình sự.

Đồng thời, theo luật sư Truyền, việc Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai căn cứ vào kết quả của cuộc họp liên ngành để ra quyết định không khởi tố hình sự đối với ông Khiếu Mạnh Tường là sai thẩm quyền, sai chủ thể, sai về hình thức và nội dung và có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

“Hậu quả là trật tự quản lý nhà nước bị phá vỡ, người dân không còn niềm tin vào cơ quan công quyền, ảnh hưởng đến nền pháp quyền mà Đảng và Nhà nước đang dày công kiến tạo”, luật sư Nguyễn Thế Truyền khẳng định.

Theo vietq.vn


Tạp chí KH&CN
Xem tạp chí:
Cổng thông tin điện tử Sở KHCN
Thương hiêu
Sàn Giao dịch công nghệ
Chuyển đổi số
Chuyên trang Nông nghiệp
Trang tiết kiệm năng lượng
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập226
  • Hôm nay44,566
  • Tháng hiện tại1,123,417
  • Tổng lượt truy cập3,828,621
Thống kê truy cập
Thống kê truy cập
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây