Thận trọng khi chọn mua máy tập thể dục

Được quảng cáo có tác dụng tốt cho sức khỏe, song theo cảnh báo của chuyên gia y tế, nếu không may sử dụng phải loại máy tập thể dục tại nhà kém chất lượng, thiết kế không đúng tiêu chuẩn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng.

 

Thận trọng khi chọn mua máy tập thể dục

Hầu hết xuất xứ Trung Quốc

Dạo một vòng quanh khu vực bán máy tập thể dục tại nhà trên phố Nguyễn Thái Học (Ba Đình, Hà Nội) phóng viên thấy các loại máy được bày bán phong phú. Qua quan sát của phóng viên, máy tập thể dục chủ yếu đến từ các hãng như Tech Fitnits, Evere, Perfect, Life Tranding, Thaifit, Health Dream... với các sản phẩm như máy chạy bộ điện, xe đạp, dàn tập tạ, máy tập bụng, máy tập đa năng, máy massage… Theo lời một nhân viên bán hàng tại cửa hàng kinh doanh dụng cụ thể dục tại phố Hàng Cháo, Hà Nội, thị trường máy tập thể dục muôn màu muôn vẻ, một loại máy bao gồm nhiều chức năng, chưa kể còn cả các tính năng giải trí như xem phim, nghe nhạc tùy thuộc vào tiêu chuẩn và sở thích của người dùng.

Về nhu cầu dùng máy tập thể dục, theo lời nhân viên này thì máy chạy bộ, xe đạp tập thể dục và dàn tập tạ là những mặt hàng nhận được nhiều quan tâm nhất của khách hàng. Với sản phẩm máy chạy bộ, giá dao động từ 9 triệu đồng đến trên 90 triệu đồng tùy thuộc vào nhà sản xuất. Bộ giàn tập tạ cũng có giá khá “chát” dao động trong khoảng từ 20 đến 50 triệu đồng tùy loại, còn xe đạp tập thể dục giá “mềm hơn” ở mức từ 5 triệu đến 10 triệu đồng. Ngoài ra những sản phẩm như máy tập cơ bụng, máy massage có giá từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng/sản phẩm.

Máy tập thể dục đang được bán trên thị trường rất phong phú về mẫu mã song khi hỏi tới xuất xứ hàng của sản phẩm, hầu hết nhân viên kinh doanh tại các cửa hàng nơi phóng viên khảo sát đều nhất loạt cho rằng, máy tập thể dục đang được bán tại các cửa hàng đều là hàng Trung Quốc. “Rất khó nếu như không nói là không tìm thấy hàng của nước nào khác ngoài hàng Trung Quốc tại các cửa hàng kinh doanh máy tập thể dục tại Hà Nội, trừ một số ít tại các phòng tập chất lượng cao họ có thể sử dụng máy tập của Mỹ, Đức…”, một nhân viên bán hàng tại cửa hàng trên ngõ 145 Nguyên Hồng (Đống Đa, Hà Nội) nói.

Chọn lựa kỹ lưỡng

Dù kinh doanh mặt hàng máy tập thể dục, song khi phóng viên hỏi thêm về công dụng và tác dụng cụ thể của từng loại máy tập với sức khỏe người dùng, hầu hết nhân viên bán hàng tại các cửa hàng chỉ nói qua loa, đại khái, chẳng hạn máy tập bụng thì làm eo săn chắc, máy chạy bộ thì rèn luyện toàn thân… Chưa kể hỏi tới cấu tạo, cơ chế hoạt động của máy thì nhận được cái lắc đầu của nhân viên với biện minh cửa hàng chỉ nhập máy về còn lắp ráp, cấu tạo cơ chế hoạt động là do nhà sản xuất.

Vẫn biết tập luyện thể dục là tốt, song theo khuyến cáo của bác sỹ Dương Đức Hùng, Trưởng đơn vị phẫu thuật tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai, với những người có tiền sử bệnh tim mạch hoặc cao huyết áp khi có ý định tập với máy, nên tham khảo ý kiến bác sĩ để lựa chọn loại máy tập phù hợp với thể lực của mình. Nếu tập luyện cũng nên nhẹ nhàng, không gắng sức, không tập với cường độ cao, nên tập luyện dưới sự hướng dẫn của huấn luyện viên chuyên nghiệp.

Bên cạnh đó khi chọn máy tập, theo khuyến cáo của bác sỹ Hùng nên chọn máy có thông số kỹ thuật chuẩn, kích cỡ phù hợp với người sử dụng, cụ thể như cùng là máy đạp xe nhưng nếu thiết kế quá cao, trong khi người dùng lại có chiều cao khiêm tốn thì khi ngồi đạp thường sẽ phải rướn người, lâu ngày sẽ có những trở ngại về xương khớp. Đặc biệt đối với những thiết bị điện tử có tính chất hiện đại, có chức năng xung điện nếu không bảo đảm đúng thông số kỹ thuật, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến cơ thể, gây rối loạn từ trường, ảnh hưởng đến các huyệt đạo...

Không đơn giản như chiếc áo để mặc, máy tập thể dục sẽ quyết định tới sức khỏe người dùng tức thì do vậy để chọn được một chiếc máy tập chất lượng, hạn chế rủi ro về sức khỏe người dùng nên mua máy ở những trung tâm, cửa hàng bán dụng cụ thể thao có uy tín và được sự hướng dẫn, tư vấn khoa học của nhân viên.

Theo chia sẻ của anh Nguyễn Văn Mạnh (Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội), người có thâm niên tập thể dục bằng máy hàng chục năm, để đảm bảo an toàn sức khỏe khi tập máy, người dùng cần yêu cầu nơi bán hàng kiểm tra máy định kỳ ba tháng/lần để kịp thời sửa chữa những trục trặc nhỏ mà bản thân người dùng không nhận ra. Trước khi mua máy, người dùng hãy nhìn tổng thể để đánh giá bộ khung của máy có chắc chắn hay không, lớp sơn có bóng hay không, các mối hàn có đẹp, nhẵn hay không, có chỗ nào bị gỉ sét hay không... Nếu có thì là loại máy kém chất lượng, không nên mua.

Còn theo tư vấn của anh Dương Văn Đạt, huấn luyện viên của một trung tâm tập luyện sức khỏe trên phố Láng Hạ, Hà Nội, khi chọn máy, người dùng nên ngồi thử lên máy để cảm nhận máy có chạy êm không, có nhẹ nhàng hay không, có phát ra tiếng khi tập luyện hay không, hay với các loại máy tập cơ bụng có thực sự chắc chắn, các lò xo có độ đàn hồi tốt không, có bị co giãn không, các con lắn có chuyển động đều hay không...

“Sau cùng cần để ý đến thương hiệu và nhãn mác của máy. Người dùng nên chọn các thương hiệu có tiếng, được người sử dụng đánh giá cao trên các diễn đàn hay các phòng tập và có thể kiểm tra các loại tem mã máy có trên máy vì các nhà sản xuất phải dán tem để làm căn cứ bảo hành cho máy. Tem máy thường là các loại giấy bạc không phải giấy bình thường được dán lên. Các loại tem này bạn dễ dàng phân biệt bằng mắt thường”, anh Đạt chia sẻ thêm.

Theo vietq.vn


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây