Ánh nắng gay gắt mùa hè cộng với nhiệt độ cao rất dễ gây ra say nắng. Bệnh phổ biến trong mùa hè này tưởng chừng đơn giản nhưng lại tiềm ẩn nhiều mối đe dọa sức khỏe.
Nếu không đề phòng và điều trị kịp thời dễ dẫn đến nguy hiểm cho sức khỏe, thậm chí đến tính mạng.
Suýt mất mạng vì say nắng
Rất nhiều trường hợp say nắng (cảm nắng) xảy ra từ nhẹ đến nặng, thế nhưng nhiều người vẫn còn mơ hồ về kiến thức sơ cứu đơn giản khi bị say nắng. Những ngày gần đây, nắng nóng liên tục, kéo dài khiến nhiều người phải nhập viện cấp cứu do say nắng, đặc biệt là người già và trẻ em. Nếu không xử lý kịp thời, người bệnh có thể ngất, thậm chí tử vong.
Chị Thu Hà ở Từ Liêm, Hà Nội nhập viện trong tình trạng huyết áp tụt, tăng thân nhiệt, da khô, mắt trũng, nôn nhiều, nhiệt độ cơ thể 40 độ C, nhịp thở ngắn, mạch đập nhanh kèm theo đau đầu, chân tay co rút.
Chị Hà vốn gầy yếu, huyết áp thấp. Vì là nhân viên hành chính, chủ yếu trong phòng mát nên chị ít khi phải đi giữa trời nắng. Nhân dịp hai con được nghỉ hè, vợ chồng chị đưa các cháu đi chơi vườn bách thú, công viên nước...
Vì phải phải theo trông các con nên chiều về chị Hà thấy hoa mắt, nhức đầu, sốt. Chị uống mấy viên thuốc giảm đau, hạ sốt rồi nằm nghỉ ngơi. Tuy nhiên, nhiệt độ cơ thể không những không giảm còn kéo theo các triệu chứng mạch đập nhanh, hơi thở dồn dập và co giật. Gia đình đưa chị đến bệnh viện, bác sĩ kết luận chị bị say nắng, may mà kịp thời đưa đến bệnh viện, chậm trễ sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Những ngày giữa tháng 5 vừa qua, một bệnh nhân nữ ở Quảng Bình phải đến viện cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu, trụy tim mạch, rối loạn thần kinh trung ương và tử vong sau đó ít giờ. Bác sĩ kết luận, bênh nhân này bị sốc do phơi mình quá lâu dưới ánh nắng mặt trời ở nhiệt độ cao gây rối loạn, tổn thương các cơ quan, rối loạn hệ thần kinh trung ương, rối loạn đông máu... Do không được cấp cứu kịp thời nên dẫn đến tử vong.
Ảnh minh họa
Phòng tránh say nắng mùa hè
Say nắng là hiện tượng rất thường gặp trong mùa hè. Các biểu hiện của say nắng bao gồm mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu... thậm chí còn gây co giật, đột quỵ. Nếu không xử lý kịp thời óc thể để lại các di chứng thần kinh không hồi phục hoặc tử vong.
Say nắng thường xảy ra khi lao động hoặc đi quá lâu ngoài trời nắng. Dưới tác dụng liên tục của ánh sáng mặt trời, cơ thể không điều hòa được thân nhiệt cơ thể làm rối loạn thân nhiệt và mất nước.
Theo bác sĩ Lê Thị Phương Huệ, Bệnh viện đa khoa Thanh Nhàn thì việc phòng tránh say nắng rất quan trọng trong những ngày hè nắng nóng. Không nên làm việc quá lâu ngoài trời nắng, tránh các hoạt động thể lực quá sức, uống nước đầy đủ khi trời nắng, luôn trang bị đủ thiết bị chồng nắng khi lao động, làm việc ngoài trời nắng như quần áo bảo hộ, mũ, kính... Nên ăn nhiều rau xanh và hoa quả tươi như bí đao, mướp, mướp đắng... mặc quần áo dệt bằng vải bông và tơ, lụa nhưng có màu nhạt. Ngoài ra, thường xuyên tắm rửa cũng giúp cơ thể mát mẻ hơn trong những ngày hè nắng nóng.
Say nắng có thể xảy ra với tất cả mọi người nhưng đối tượng dễ bị say nắng nhất là người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ mang thai hoặc sau khi sinh, người mắc bệnh tim mạch, viêm nhiễm, tiểu đường, suy dinh dưỡng.
Biểu hiện ban đầu dễ nhận thấy của say nắng là nóng, ù tai, hoa mắt, da khô, nhức đầu, buồn nôn, mệt mỏi, lả người thân nhiệt tăng dẫn đến mất nước nếu không được bù nước kịp thời sẽ làm giảm khối lượng tuần hoàn gây trụy tim, rối loạn điện giải hoặc có thể gây rối loạn hoạt động chức năng của nhiều cơ quan khác.
Nếu không được cấp cứu kịp thời, người bệnh sẽ thở gấp, mạch tăng, không kiểm soát được hành vi, lú lẫn, ngất xỉu. Nhiệt độ cơ thể tăng cao sẽ gây hại đến tất cả các cơ quan, nhất là não bộ. Ngoài ra, người bệnh bị kiệt nước trong cơ thể do đổ mồ hôi, mất nước qua hơi thở và qua da cũng sẽ ảnh hưởng đến tuần hoàn máu, khiến cho huyết áp tụt và tim sẽ bị suy, có thể dẫn đến tử vong. Vì vậy, khi bị say nắng cần xử lý kịp thời.
Khi thấy một người đang đi ngoài nắng mệt lả, choáng váng và sau đó ngất xỉu với môi lưỡi khô, khát nước, da nhăn thì cần đưa ngay bệnh nhân vào nơi có bóng mát, cởi bỏ bớt quần áo, quạt mát hay lau mát cho bệnh nhân nếu có thể được.
Trong quá trình làm mát, nếu thấy bệnh nhân bị lạnh run thì giảm bớt biện pháp này, vì tình trạng run lạnh của bệnh nhân sẽ làm tăng nhiệt độ cơ thể. Nếu bệnh nhân bị ngưng tim, ngưng thở do suy tim hay suy hô hấp, thực hiện ngay phương pháp hồi sức bằng hô hấp nhân tạo, hà hơi thổi ngạt, xoa bóp tim ngoài lồng ngực và chuẩn bị chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế.
Thực hiện: / Nguồn: Afamily.vn/Tri Thức Trẻ