Mục tiêu của khu công nghệ cao (CNC) Tp Hồ Chí Minh giai đoạn 2011-2015 là trở thành một khu công nghiệp CNC với sự tham gia của nhiều hơn các DN trong nước, đồng thời là một trung tâm mạnh về NC&PT, ươm tạo DN CNC, góp phần chính giải quyết những vấn đề “nóng” của xã hội. Song để làm được điều này, Khu CNC Tp Hồ Chí Minh cần vượt qua những“rào cản” trước mắt về hạ tầng kỹ thuật, nguồn nhân lực, cơ chế chính sách thu hút đầu tư… Thiếu doanh nghiệp tham gia Ban quản lý khu CNC Tp Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua, được sự chỉ đạo đầu tư mạnh mẽ của thành phố, sự hỗ trợ của Chính phủ, Khu CNC thành phố đã thu hút được 44 dự án với vốn đăng ký là 1,84 tỷ USD, trong đó có 21 dự án trong nước và đặc biệt có 10 dự án do các doanh nhân Việt kiều đầu tư, chủ yếu vào các lĩnh vực điện tử, CNTT - truyền thông; công nghệ sinh học; cơ khí chính xác, tự động hoá; dịch vụ công nghệ cao nghiên cứu triển khai, ươm tạo…
Đến nay, 20 dự án đã đi vào hoạt động. Khu CNC đã góp phần xuất khẩu đạt giá trị khoảng 800 triệu USD với những sản phẩm hàng hoá, dịch vụ CNC như chipset (Intel), module cảm biến kỹ thuật số (DGS), máy in (Jabil), thiết bị đọc mã vạch (Datalogic), máy ảnh kỹ thuật số (Nidec Sankyo), thiết bị trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn (GES), dược phẩm, thuốc chữa bệnh (Nanogen)… Một số công ty đã chú trọng đầu tư và xây dựng đội ngũ nghiên cứu cho hoạt động R&D như Công ty Nanogen, Datalogic, VSMC… Ngoài ra, kiến thức về quản lý, điều hành tiên tiến cũng được các nhân sự người Việt Nam tiếp thu. Tuy nhiên, năng lực nội sinh cho hoạt động CNC còn gặp những thách thức không nhỏ. Lực lượng DN - thành phần được kỳ vọng là chủ lực trong hoạt động CNC mạnh dạn đầu tư các dự án sản phẩm dịch vụ CNC còn ít; DN đầu tư cho NC&PT, đổi mới công nghệ cũng chưa nhiều; tính liên kết giữa các DN với nhau, giữa DN với viện, trường còn hạn chế. Chưa kể, về hoạt động NC&PT, đội ngũ nghiên cứu, nhất là chuyên gia đầu ngành có khả năng biến các kết quả khoa học thành công nghệ sản xuất, phát triển công nghệ chế tạo thử nghiệm với chi phí thấp, phù hợp và sản lượng cao còn thiếu; tính hướng đến thị trường, gắn với DN của viện nghiên cứu chưa cao - kết quả NC&PT đề tài có chiều hướng đáp ứng tính “giải ngân” hơn là cùng DN đi đến cùng để tạo ra sự đột phá có hiệu quả kinh tế. Việc đáp ứng cơ sở hạ tầng, nhất là cơ sở hạ tầng phục vụ NC&PT, ứng dụng ươm tạo chưa theo kịp yêu cầu; thiếu cơ chế sử dụng hiệu quả các phòng thí nghiệm (trong và ngoài khu CNC). Bên cạnh đó, Nhà nước chưa kịp thời tạo ra hạ tầng “mềm” cơ chế, chính sách thật sự hấp dẫn, thông thoáng để khuyến khích các thành phần chính tham gia hoạt động CNC, thủ tục hành chính chưa phù hợp với hoạt động KH&CN. Vai trò kết nối của Nhà nước nhằm thúc đẩy các hoạt động tương tác giữa các thành phần chính trong hoạt động CNC thông qua các chương trình quốc gia về KH&CN chưa đồng bộ và kịp thời.
Đầu tư chất xám
Mục tiêu của Khu CNC Tp Hồ Chí Minh giai đoạn 2011-2015, tầm nhìn đến năm 2020 là trở thành một khu công nghiệp CNC sản xuất ra sản phẩm hàng hoá, dịch vụ CNC với sự tham gia nhiều hơn của các DN trong nước, từ đó gia tăng tỷ lệ nội địa trong sản phẩm CNC. Đồng thời sẽ phấn đấu thành một trung tâm mạnh về NC&PT, ươm tạo DN CNC, đào tạo nhân lực CNC gắn với sản xuất, thương mại hoá sản phẩm CNC, góp phần chính giải quyết những vấn đề “nóng” của xã hội như tạo ra hàng Việt Nam chất lượng cao, an ninh lương thực, chẩn đoán và chữa bệnh, an ninh năng lượng, đối phó với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu…
Để đạt các mục tiêu trên, Ban quản lý khu CNC Tp Hồ Chí Minh cho rằng, cần hoàn thiện hạ tầng phục vụ hoạt động CNC. Ngoài việc ổn định các hạng mục cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiết yếu, cần tiếp tục hoàn thiện các phòng thí nghiệm, đẩy nhanh tiến độ xây dựng toà nhà “Trung tâm sáng tạo” tại khu CNC. Bên cạnh đó là phát triển nguồn nhân lực CNC, các trường cần nghiên cứu và đưa ra một mô hình liên kết có hiệu quả với DN, đồng thời thu hút sử dụng nguồn nhân lực là người Việt Nam đang học tập và làm việc tại nước ngoài để bổ sung cho đội ngũ nhân lực cao cấp của thành phố. Quan trọng hơn, cần hoàn thiện hệ thống thể chế, hạ tầng “mềm”, điều chỉnh bổ sung những cơ chế, chính sách mới thật sự khuyến khích hoạt động KHCN như cơ chế về tài chính, chính sách ưu đãi, chính sách tín dụng khuyến khích hoạt động NC&PT, sớm thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm và cơ chế khuyến khích đầu tư mạo hiểm… Xác định các lĩnh vực công nghệ có lợi thế, các chương trình ưu tiên phát triển CNC trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tái cấu trúc kinh tế của thành phố. Các CNC sẽ được tập trung triển khai ở một số ngành ưu tiên như công nghiệp CNTT, kinh tế công nghệ sinh học, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ biến đổi nguồn năng lượng tái tạo…
Ngoài ra, thành phố cũng chú ý phát triển thị trường sản phẩm CNC, một mặt tạo cơ chế để chiếm lĩnh và làm chủ thị trường nội địa một cách bền vững, mặt khác đẩy mạnh xúc tiến thu hút các dự án CNC từ các tập đoàn đa quốc gia, công ty có uy tín, qua đó tiếp cận thị trường. Đồng thời tìm các “ngách” thị trường mà chúng ta có thế mạnh như công nghiệp phần mềm, công nghiệp nội dung số… Liên kết nhiều DN có liên quan với các viện nghiên cứu nhằm hình thành năng lực nội sinh mạnh về tài chính, có tính chuyên nghiệp cao về chuyên môn và quản lý.
(Theo NASATI)