Những miếng dán xăm môi siêu tốc có thể làm bạn sốc phản vệ, phồng rộp đôi môi. Ảnh minh họa. Hầu hết những miếng dán xăm môi trôi nổi không rõ nguồn gốc dù biết có nguy hại, nhưng sức cuốn hút lạ, đẹp, nhanh, rẻ của nó đã khiến giới trẻ bất chấp những hậu quả khó lường.
Môi hồng sau 20 phút
Tại các shop mỹ phẩm, chợ đêm Đồng Xuân (Hà Nội), chợ đêm sinh viên chỉ cần bỏ 15.000 - 50.000 đồng là mua được miếng dán xăm môi. Sau khi dán trực tiếp lên môi từ 15–20 phút, bóc nilon ra là có làn môi đẹp như ý. Muốn rửa thì tẩy trang bằng lọ hóa chất (có bán kèm) là trả lại làn môi cũ.
Có rất nhiều mẫu dán màu sắc rực rỡ và đẹp, với lời "quảng cáo" rất hấp dẫn là tăng cường lưu thông máu, xoa dịu môi, cải thiện nếp nhăn môi, hay khuyến khích kiểu "xăm môi tạm thời - ngại gì không thử" hoặc "20 phút có đôi môi đẹp, đổi màu, phát quang trong bóng tối...". "Kỹ thuật dán" cũng đơn giản, đại ý: Ướm vừa khuôn môi và cắt cho vừa khít khuôn môi. Chấm nước vào mặt sau miếng dán để nửa phút rồi dán lên môi, nhấn xuống rồi bóc miếng dán ra và thế là hoàn thiện đôi môi họa tiết lạ, ấn tượng, táo bạo như da rắn, da hổ, báo đốm, hay ngọt ngào như trái dâu mọng, trái táo đỏ... nổi bật mà không tốn công tô son, kẻ vẽ, thoải mái ăn uống mà vẫn giữ được nhiều giờ...
Theo những người bán hàng, những miếng dán môi đắt, rẻ tùy xuất xứ. Nếu là hàng Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ... khoảng 300.000 đồng/bộ 3 miếng dán, nhưng hàng Trung Quốc chỉ 15.0000 – 50.000 đồng/miếng. Tại chợ đêm Đồng Xuân (Hà Nội), có thể mua cả tấm 6 miếng với giá 40.000 đồng. Mốt "dán môi" đang được giới trẻ cho là "sành điệu", càng "độc" càng chơi như một khẳng định "đẳng cấp" và "hot" nhất là kiểu xăm phát quang.
Ths. BSCKII Vũ Văn Tiến khuyên, nhu cầu làm đẹp là chính đáng, nhưng phái đẹp cần tìm hiểu rõ nguồn gốc xuất xứ, cách dùng, những lợi – hại và phản ứng phụ của sản phẩm làm đẹp trước khi dùng. Đã làm đẹp thì không nên dùng hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc, không được kiểm soát về chất lượng, không rõ thành phần... vì chúng ẩn chứa nhiều nguy hại. Muốn làm đẹp, hãy tới bệnh viện, những cơ sở có uy tín để đảm bảo sức khỏe.
Sưng đỏ, nổi mụn nước ở viền môi
Các nhà khoa học đã phát hiện thấy trong các loại mực xăm có chì, titan, cadmium, thuỷ ngân, nicken, cobalt... và nhiều kim loại nặng độc hại khác. Màu xăm cũng được tạo ra từ hóa chất: Thủy ngân, sắt, ferrocyanide, ferricyanide, các dẫn chất naptha... tạo màu đỏ. Cadmium và các hợp chất azo tạo màu cam. Chì, kẽm... tạo màu vàng.
Người ta đã dùng loại mực đặc biệt là mực UV (mực tử ngoại) trong các miếng dán. Thứ mực này có chất có thể gây dị ứng da như chất hyaluronic acid để tạo độ bóng và hiệu ứng lấp lánh (phát quang), nhưng dùng thường xuyên có thể bị kích ứng, phồng rộp vùng da nhạy cảm. Màu xăm có hai loại là có màu và không màu của Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc, rất dễ gây dị ứng, thậm chí ung thư da.
Bác sĩ tại các bệnh viện cho biết, đã tiếp nhận những ca dị ứng nặng, thậm chí sốc phản vệ do hóa chất trong miếng dán, khiến vùng môi phù nề, mụn mủ dày đặc, chảy nước, nôn mửa, nhức đầu... Bệnh viện Da liễu TƯ gần đây điều trị khá nhiều trường hợp dị ứng da, với triệu chứng môi sưng đỏ, ngứa, bong tróc, lở loét... Phòng khám da liễu (Bệnh viện Da liễu Hà Nội) cũng đã điều trị cho nhiều ca bị dị ứng liên quan đến miếng dán xăm môi.
Theo các bác sĩ, có người dán xăm môi sau 15 phút đã bị ngứa, dù tẩy sạch ngay cũng bị sưng đỏ, nổi mụn nước ở viền môi... Có người thấy miếng dán đẹp, thời trang nên giữ tới mấy ngày, tới khi ngứa mới tẩy trang thì vùng môi đã mẩn đỏ và ngứa dữ dội, phải tới bệnh viện da liễu điều trị nhiều lần, rất tốn kém. Có người còn "ngây thơ" cho là dùng 1 lần hoặc dùng một lúc, hay lâu lâu mới dùng thì sẽ không bị dị ứng, mẩn ngứa vì độc chất chưa kịp ngấm vào da...(?!).
Theo Ths. BSCKII Vũ Văn Tiến, Trung tâm thẩm mỹ, tạo hình Bệnh viện 103, da môi khá mỏng, không có lớp nước và dầu để giữ ẩm, dễ bị kích ứng, thương tổn, cũng dễ bị ung thư da hơn các nơi khác trên cơ thể. Tại các bệnh viện, trung tâm thẩm mỹ lớn không nhập, không dùng những sản phẩm làm đẹp này. "Những miếng dán môi khó tránh khỏi dùng hóa chất độc hại và đó là hiểm họa tiềm tàng cho đôi môi vốn rất dễ bị tổn thương, dị ứng, sưng tấy đỏ, ngứa", BS Tiến nói.
Các bác sĩ thẩm mỹ khuyến cáo, dù làm đẹp bằng kim xăm hay miếng dán thì nguy cơ bị dị ứng do hóa chất có trong mực là tương tự nhau. Nếu dị ứng thì là phản ứng cấp, còn biết để mà chữa trị ngay. Nhưng nếu là phản ứng chậm, thấm lâu mới sinh bệnh điều trị sẽ khó hơn. Do đó, người có cơ địa dễ kích ứng thì không nên dùng, bởi ngoài dị ứng môi, khi ăn uống, nói chuyện, liếm môi... hóa chất và mực xăm vào cơ thể, nhẹ thì sau 15 phút tẩy rửa sẽ hết dị ứng môi (hoặc chỉ bị tiêu chảy, nôn ói như ngộ độc), nhưng nếu nặng thì hóa chất, mực xăm kích ứng mạnh có thể gây tử vong.
Theo Trà Giang (Gia đình & Xã hội)