Vua diệt chuột

"Thiều 'chuột' đây. Giờ ở Quảng Trị diệt chuột chỉ bắt được con cái thôi", ông Trần Quang Thiều trả lời điện thoại của lãnh đạo tỉnh Quảng Trị khi đơn vị này mời ông về dạy nông dân bắt loài gặm nhấm. Ông Thiều giải thích: "Đang là mùa phát dục của chuột miền Trung nên con cái hoạt động mạnh, con đực trong hang. Ở đó còn có một loại chuột lông vàng, mình thon, đuôi dài, tai to, ria mép trắng, bàn chân xòe. Loại này phá phách mùa màng kinh khủng". Đầu dây bên kia, ông Nguyễn Văn Nhiệm (Chánh văn phòng Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Quảng Trị) gật đầu liên tục và bày tỏ mong muốn cuối tháng 12 này ông Thiều vào Đông Hà hướng dẫn nông dân diệt chuột bảo vệ vụ đông - xuân tới.   Ông Thiều cảm thấy tự hào khi được gọi là vua, phù thủy, hay giáo sư diệt chuột. Ảnh: Phan Dương    
Những người ở phố ga Thường Tín, Hà Nội, biết đến ông Thiều như một ông vua diệt chuột. Trong căn nhà 2 tầng rộng rãi, ông Thiều cùng vài người làm đang lắp ráp bẫy diệt chuột. Chốc chốc điện thoại của ông reo, đều là đối tác muốn ông bắt chuột cho họ. Giữa thời buổi kinh tế suy thoái nhưng các doanh nghiệp của ông làm không hết việc.
Ở tuổi 60, ông Thiều khá mãn nguyện khi có một cơ ngơi khang trang. 4 người con đều theo nghề của cha, mỗi người làm chủ một doanh nghiệp. Tỷ phú chân đất tâm sự rằng có nằm mơ ông cũng không nghĩ được mình lại gắn bó với công việc lạ đời này, là do nghề đã chọn ông.
Thời trẻ ông Thiều học đến lớp 9/10 rồi đi bộ đội, giải ngũ về quê làm kinh tế. Năm 2000, ông được giao làm đội trưởng sản xuất thôn Bình Vọng (Văn Bình, Thường Tín) chuyên về mảng áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Lúa tốt bời bời, chỉ chờ ngày thu hoạch nhưng rồi một buổi sáng ra đồng, những thửa ruộng nát tan vì chuột phá.
Bao nhiêu mồ hôi đổ xuống chỉ chờ ngày gặt hái, nhưng vì giống gặm nhấm mà trở thành mất mùa. Ông Thiều nảy ra ý định diệt chuột. Đêm đêm ông phục trên bờ ruộng quan sát đường đi lối lại của chúng. Nhờ đó ông phát hiện loài chuột hoạt động từ khoảng 21h đêm đến 3h sáng, đi về theo một đường. Vào các giai đoạn mài răng, phát dục, chúng không ăn mồi nên đánh bả chuột chỉ có phí tiền. Từ đó, ông sáng tạo ra loại bẫy diệt chuột không cần mồi nhạy với tốc độ 0,01 m/s để bất kỳ loài chuột nào chạy qua đều bị sập bẫy.
 
"Để tìm ra được tập tính của chúng, đêm đêm tôi phục ngoài bờ ruộng hay nuôi chuột trong nhà làm thí nghiệm. Bà con nói tôi bị gàn dở", ông Thiều cười.
Những phát hiện của ông được đưa vào thực tiễn, cả thôn Bình Vọng sạch bóng chuột. Tiếng lành đồn xa, ông được nhiều tỉnh mời đánh bẫy chuột. Năm 2002, tỉnh Bắc Ninh bất lực trước loài chuột, nhiều nơi ruộng bỏ hoang, phải tổ chức hội thảo mời các nhà khoa học, các công ty bán bẫy, thuốc chuột giới thiệu sáng chế. Ông Thiều có bài phát biểu trong hội thảo cho rằng bắt chuột phải dựa vào tập tính loài.
"Đợt đó Quốc Vụ khanh nước Đan Mạch cũng có mặt, ông ấy hỏi giờ đánh bẫy ở Bắc Ninh sẽ bắt được chuột gì? Tôi khẳng định bắt được chuột cái. Trước sự chứng kiến của nhiều người, chúng tôi đặt bẫy ở xã Tam Giang (Yên Phong). Qua một đêm bắt được 721 con chuột, trong đó có 6 con đực", ông nhớ lại.
Năm 2012 Công ty lâm nghiệp Đăk Tô (Kon Tum) lo ngại giống sâm quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng vì chuột cắn phá, phải mời cao thủ diệt chuột Trần Quang Thiều về. Lần đó ông leo từ 7h30 sáng đến 16h chiều mới lên đỉnh núi Ngọc Linh. Đến nơi quan sát, ông phát hiện có 2 loại chuột leo và chuột không đuôi, ban đêm đặt bẫy tiêu diệt được hơn 100 con, trong đó bắt được vài con chuột không đuôi.
"Mỗi vùng miền có một loài chuột đặc biệt. Trên đỉnh Ngọc Linh là giống chuột không đuôi, mõm dài như chuột chũi, chân và mõm bằng chất sừng, lông đen, nó chuyên đùn đất ăn hạt sâm. Các công nhân dùng nỏ bắn nhưng không tiêu diệt được con nào vì chúng không chạy mà nhảy rất nhanh. Để bắt được chúng phải đặt bẫy ở đường vòng, đặt liên hoàn 2 cái", ông Thiều chia sẻ.
2
Ông Thiều hướng dẫn giám đốc một doanh nghiệp của Campuchia diệt chuột khi được Bộ trưởng Quốc phòng nước này mời sang chuyển giao công nghệ diệt chuột không cần mồi. Ảnh: NVCC
 
Ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Công ty lâm nghiệp Đăk Tô nhận xét: "Nhờ ông Thiều hướng dẫn cách đặt bẫy, giờ ở đây không còn sợ chuột nữa. Giống sâm quý được bảo vệ, tăng năng suất thu hoạch cho chúng tôi mà số tiền bỏ ra không đáng kể".
Loài gặm nhấm này tuy nhỏ bé nhưng sức phá hoại vô cùng lớn. Một lần 17 ha cây giống cao su ở Hà Tĩnh bị mất sạch vì chúng. Bố con ông Thiều cũng được mời về đặt bẫy. Chuyến đi đó đánh được vài bao tải chuột. Lần khác, nhà máy thủy điện Sơn La nhiều lần bị chập nổ điện, nguyên nhân đều do chuột, phải nhờ đến ông Thiều đặt bẫy tiêu diệt.
Nghiên cứu loài chuột bao nhiêu năm qua nên ông Thiều thông thạo hết đường đi lối lại của chúng. Ông đã viết giáo trình diệt chuột, đi đến đâu là phổ biến kiến thức cho nông dân vùng đó vào thời điểm nào thì bắt được chuột đực, chuột cái, chuột con. Cách đặt bẫy chuột dưới nước, trên dây, chuột nhà, cách bắt chuột nhảy..., tiết kiệm được rất nhiều tiền cho người nông nhân và các doanh nghiệp.
"Mỗi nơi, chuột có một đặc điểm thích nghi. Ví như ở chùa nó đã quen với mùi hương, chỉ cần thắp hương lũ chuột sẽ tự mò đến ăn lộc. Ở chợ Đồng Xuân chuột ăn đồ khô nên khát nước. Để đặt bẫy nó chỉ cần lấy nước lau sàn thì chuột ra uống là sập bẫy như rơm rạ", ông Thiều mách nước.
3
Ông Thiều giúp người dân quê hương mình diệt chuột. Ảnh: NVCC
 
Có những thời điểm không nên bắt chúng. Chuyên gia về chuột cho biết đó là những lúc chuyển mùa. "Khi rắn cạp nia ra ngoài kiếm ăn nhiều, loài chuột sợ nên trốn hết. Người nông dân đi bắt dễ gặp họa", ông cho biết thêm.
Hơn 10 năm gắn bó với nghề, người nông dân Trần Quang Thiều đã giành được rất nhiều giải thưởng trong và ngoài nước. Ông được gọi là vua, giáo sư, phù thủy diệt chuột. Người đàn ông này nói rằng ngần ấy năm công ty của ông đã diệt được 41 triệu con chuột. Trong thời gian bắt chuột, ông đã gặp được 39 loài trên tổng số 43 loài chuột ở Việt Nam. Không chỉ trong nước, công nghệ của người nông dân này đã chuyển giao ra nhiều nước. Ông Thiều từng được mời sang Trung Quốc, Campuchia diệt chuột.
                                                                                      Phan Dương
                                                                     Theo: http://doisong.vnexpress.net

Tạp chí KH&CN
Xem tạp chí:
Cổng thông tin điện tử Sở KHCN
Thương hiêu
Sàn Giao dịch công nghệ
Chuyển đổi số
Chuyên trang Nông nghiệp
Trang tiết kiệm năng lượng
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập168
  • Hôm nay51,251
  • Tháng hiện tại386,954
  • Tổng lượt truy cập4,702,374
Thống kê truy cập
Thống kê truy cập
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây