Xử lý nước rỉ rác bằng năng lượng mặt trời

Kết quả nghiên cứu của ThS. Trần Thị Ngọc Diệu, Phó viện trưởng Viện khoa học công nghệ và quản lý môi trường, KS. Đinh Triều Vương, Trường ĐH công nghiệp TP.HCM cho thấy, áp dụng phương pháp quang Fenton để xử lý nước rỉ rác trong điều kiện của Việt Nam là hoàn toàn khả thi.
Xử lý nước rỉ rác bằng năng lượng mặt trời
 Qua các thí nghiệm được tiến hành, hiệu quả xử lý cao nhất của quá trình khi sử dụng ánh sáng mặt trời đạt khoảng 83%. Nếu có thêm tác nhân axit oxalic thì hiệu quả xử lý cao nhất đạt khoảng 87%. Thời gian lưu nước cho hiệu quả xử lý cao là từ 1 đến 1,5 giờ.
Nước rỉ từ bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt có nồng độ các chất ô nhiễm cao, đặc biệt là các chất hữu cơ, trong đó có nhiều hợp chất khó phân hủy bằng sinh học. Do đó, khi tiến hành xử lý nước rỉ rác, để đạt tiêu chuẩn thải vào môi trường, sau khi nước rỉ được xử lý bằng quá trình sinh học thì cần phải tiếp tục được xử lý bằng các quá trình oxy hóa nâng cao để loại bỏ các chất hữu cơ khó phân hủy sinh học còn lại. Với các công trình xử lý nước rỉ rác hiện nay, quá trình oxy hóa nâng cao được áp dụng phổ biến là quá trình Fenton.
Đã có nhiều nghiên cứu về quá trình Fenton chứng minh rằng phản ứng của quá trình tiếp tục diễn ra khi có sự xuất hiện của tia cực tím (UV) có bước sóng 300 - 400nm mà không cần bổ sung thêm sắt, gọi là quang Fenton. Những tính chất này là tiền đề để ứng dụng quang Fenton vào quá trình xử lý nước rỉ rác. Kết quả nghiên cứu cho thấy: tia cực tím trong ánh sáng mặt trời có khả năng giúp duy trì phản ứng Fenton. Quá trình quang Fenton xử lý nước rỉ rác đạt hiệu quả cao trong điều kiện chiếu sáng của mặt trời tại Việt Nam.
Nếu quá trình này được áp dụng vào xử lý nước rỉ rác sẽ góp phần làm giảm chi phí hóa chất, cũng như giúp tiết kiệm năng lượng vì sử dụng nguồn năng lượng vô tận là ánh sáng mặt trời.
(TheoVista)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây