Xử lý rác thải: Cần xây dựng, ban hành một số cơ chế đặc thù

Tốc độ đô thị hóa đi đôi với tốc độ phát triển nhanh của các ngành công nghiệp, dịch vụ đã làm nảy sinh nhiều vấn đề có liên quan đến môi trường đặc biệt là rác thải. Mỗi ngày các tỉnh, TP trong cả nước phải đối mặt với việc xử lý một khối lượng khổng lồ về rác thải. Theo điều tra, khảo sát năm 2010 thì tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh tại các đô thị trên toàn quốc khoảng trên 23.150 tấn/ngày, tỷ lệ thu gom và xử lý trung bình đạt khoảng 82%. Tỷ lệ thu hồi các thành phần có khả năng tái chế và tái sử dụng khoảng 20 - 25%. Xã hội hóa công tác thu gom, vận chuyển rác thải hiện mới chỉ được thực hiện ở một số đô thị. Tại các khu vực nông thôn, tổng khối lượng rác thải sinh hoạt khoảng 27.120 tấn/ngày. Việc tổ chức thu gom, vận chuyển phần lớn còn mang tính tự phát, tỷ lệ thu gom tại các khu vực dân cư nông thôn mới chỉ đạt khoảng 20 - 30%.


Dây chuyền xử lý rác thải sinh hoạt.

Hiện tại, hầu hết các địa phương đều sử dụng biện pháp chôn lấp chất thải, trong đó có tới 85 - 90% là các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh đang hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Công nghệ chôn lấp này tuy giá thành rẻ nhưng đòi hỏi phải tốn nhiều diện tích đất. Một số địa phương như Hà Nội, Nam Định, Ninh Thuận, TT-Huế, Thái Bình, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Dương, Hải Phòng... đã và đang xây dựng nhà máy xử lý rác thải áp dụng công nghệ trong nước hoặc nước ngoài.
Các công nghệ xử lý rác của nước ngoài dù tiên tiến, hiện đại nhưng phần lớn ít hiệu quả vì không phù hợp với Việt Nam (rác thải không được phân loại tại nguồn), vì vậy khi áp dụng các công nghệ này gặp nhiều khó khăn trong khai thác, vận hành, tiêu thụ sản phẩm sau xử lý rác cũng bảo dưỡng và thay thế thiết bị, chi phí xử lý cao.
Theo dự báo đến năm 2020, tổng khối lượng rác thải phát sinh khoảng 109.000 tấn/ngày trong đó: Khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh từ các đô thị khoảng 52.800 tấn/ngày; rác thải sinh hoạt nông thôn khoảng 31.300 tấn/ngày; còn lại là rác thải công nghiệp và y tế. Lượng rác thải nguy hại phát sinh 6.300 tấn/ngày. Để xử lý khối lượng lớn chất thải rắn theo dự báo trên, thì nhu cầu vốn đầu tư xây dựng các cơ sở xử lý chất thải rắn từ nay đến năm 2020 là rất lớn, khoảng 72 nghìn tỷ đồng.
Trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư nhằm thúc đẩy đầu tư, xã hội hóa trong lĩnh vực này. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch xây dựng Khu xử lý rác thải 3 vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, miền Trung, miền Nam và vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó đã xác định vị trí và quy mô của 8 khu xử lý rác thải liên vùng.
Tuy nhiên qua thực tế triển khai đã gặp những khó khăn và vướng mắc về tín dụng đầu tư, cơ chế hỗ trợ giá đối với sản phẩm tái chế rác, khấu hao đối với các dự án xử lý rác… sự phối hợp đa ngành còn nhiều hạn chế. Các địa phương chậm triển khai quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn toàn tỉnh (theo báo cáo cho đến nay mới chỉ có 11 địa phương lập và phê duyệt, nhiều địa phương đang trong quá trình lập quy hoạch). Quy hoạch các khu xử lý rác thải của 4 vùng kinh tế trọng điểm đã xác định vị trí, quy mô các khu xử lý rác thải vùng liên tỉnh, tuy nhiên các cơ chế khuyến khích, ưu đãi và các thủ tục đầu tư chưa cụ thể nên chưa thu hút các nhà đầu tư.
Để giải quyết vấn đề cấp bách về xử lý chất thải rắn, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy việc đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý chất thải rắn và giúp các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu áp dụng các công nghệ mới để tái chế, tái sử dụng chất thải rắn nhằm tiết kiệm quỹ đất, đảm bảo môi trường và tận dụng nguồn tài nguyên từ rác thải, thì cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau: Cần thiết phải xây dựng, ban hành một số cơ chế đặc thù. Về quy hoạch quản lý chất thải rắn: Các địa phương trên toàn quốc cần phải tổ chức rà soát, lập và phê duyệt quy hoạch quản lý chất thải rắn theo thẩm quyền (trong quy hoạch cần xác định rõ vị trí, quy mô các khu xử lý/bãi xử lý cũng như đề xuất các công nghệ xử lý chất thải rắn...). Về lựa chọn công nghệ xử lý: Ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ đáp ứng các tiêu chí: Có tỷ lệ tái chế, tái sử dụng cao và hạn chế chôn lấp. Đảm bảo các tiêu chuẩn và quy chuẩn về môi trường. Được cơ quan có thẩm quyền đánh giá và chấp thuận công nghệ phù hợp. Về cơ chế đầu thầu: Áp dụng chỉ định thầu đối với các dự án đầu tư xử lý rác thải (bởi vì công nghệ xử lý rác mang tính đặc thù, phần lớn của chủ đầu tư hoặc công nghệ mua độc quyền, đồng thời trong quá trình thi công có kết nối với việc lắp đặt thiết bị..). Về hỗ trợ tín dụng đầu tư: Được vay từ Ngân hàng phát triển Việt Nam với mức vay ưu đãi tối đa đối với mỗi dự án là 85% tổng vốn đầu tư; Lãi suất và thời hạn cho vay theo quy định về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước. Được vay từ Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam hoặc các nguồn vốn ưu đãi khác (nếu có). UBND cấp tỉnh cần xem xét hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ lãi vay trong một thời gian nhất định khi triển khai dự án.

Theo Báo xây dựng điện tử
                                                

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây