Học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Ðại hội XI của Ðảng là một nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2011

    (Thanh tra)- Như tin đã đưa, hội nghị học tập, quán triệt Nghị quyết Ðại hội XI của Ðảng dành cho cán bộ chủ chốt các Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc T.Ư khu vực phía Bắc đã khai mạc ngày 20/4, tại Hà Nội. Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đến dự, khai mạc và phát biểu ý kiến chỉ đạo. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu ý kiến phát biểu (lược ghi) của đồng chí tại hội nghị này.  

 

... Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Ðảng diễn ra vào thời điểm đất nước ta đã đi qua thập niên đầu và đang chuyển sang thập niên thứ hai của thế kỷ XXI; đã trải qua chặng đường 25 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 20 năm thực hiện Cương lĩnh Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (gọi tắt là Cương lĩnh 1991), 10 năm thực hiện Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) (giai đoạn 2001 - 2010) và 5 năm thực hiện Phương hướng nhiệm vụ của Ðại hội lần thứ X. Ðại hội diễn ra từ ngày 11 đến ngày 19-1-2011 với 1.377 đại biểu đại diện cho 3,6 triệu đảng viên trong cả nước tham dự. Trên cơ sở tổng kết 20 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, 10 năm thực hiện Chiến lược Phát triển KT-XH và kiểm điểm 5 năm thực hiện Phương hướng nhiệm vụ của Ðại hội X, Ðại hội đã thảo luận, thông qua nhiều quyết sách quan trọng, có giá trị định hướng và chỉ đạo sâu sắc toàn bộ hoạt động của Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta trong những năm sắp tới, trong đó có các Văn kiện lớn, như: Cương lĩnh Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung và phát triển); Chiến lược Phát triển KT-XH 2011 - 2020; Báo cáo Chính trị; Ðiều lệ Ðảng.

Cương lĩnh năm 1991 là Văn kiện định hướng cho cả thời kỳ quá độ lên CNXH. Lần này chúng ta tiếp tục khẳng định Cương lĩnh năm 1991, đồng thời phát triển, bổ sung nhiều nội dung quan trọng, với những tư duy, nhận thức mới phù hợp thực tiễn Việt Nam và thời đại. Cương lĩnh xác định mục tiêu xa, cho đến khi chúng ta kết thúc thời kỳ quá độ lên CNXH, là xây dựng được về cơ bản nền tảng kinh tế của CNXH với kiến trúc thượng tầng về chính trị, tư tưởng, văn hóa phù hợp, tạo cơ sở để nước ta trở thành một nước XHCN ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Và trên cơ sở mục tiêu ấy, Ðại hội xác định, từ nay đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại theo định hướng XHCN. Những nội hàm của nó còn phải tiếp tục nghiên cứu, nhưng đó là mục tiêu chung rất cơ bản. Trên chặng đường tương đối dài hạn như thế, Ðại hội xác định đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại và trước mắt từ nay đến năm 2015 phải tạo nền tảng để đến năm 2020 cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, với những tiêu chí, nội hàm tương đối rõ. Thí dụ, nếu năm 2010 so với năm 2000, tổng sản phẩm trong nước (GDP) theo giá thực tế tăng 3,2 lần, thì đến năm 2020 GDP sẽ tăng theo giá so sánh gấp 2,2 lần so với năm 2010; GDP bình quân đầu người tăng từ 1.168 USD năm 2010 lên khoảng 2.000 USD vào năm 2015 và đến năm 2020 là 3.000 USD. Tuổi thọ trung bình ở nước ta hiện nay là 72 tuổi, đến năm 2015 sẽ là 74 tuổi và năm 2020 khoảng 75 tuổi. Các chỉ tiêu quan trọng khác như về xóa đói giảm nghèo, cơ cấu kinh tế (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ)... cũng đã được xác định khá rõ. Các đồng chí báo cáo viên sẽ trình bày kỹ hơn trong các nội dung bài giảng.

Như vậy, Ðại hội XI đã xác định mục tiêu cho cả một giai đoạn rất dài đến khi kết thúc thời kỳ quá độ, rồi đến giữa thế kỷ này, đến năm 2020 và trước mắt đến năm 2015.

Về các nhiệm vụ và giải pháp: Ðại hội XI đã chỉ ra những nhiệm vụ và giải pháp cơ bản, lâu dài cho cả thời kỳ quá độ cũng như những nhiệm vụ, giải pháp tương đối cụ thể cho những năm trước mắt, trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Ðảng, xây dựng Nhà nước... Ðồng thời xác định 3 khâu đột phá trong 5 năm và 10 năm tới, đó là: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, phát triển nguồn nhân lực và xây dựng kết cấu hạ tầng. Ðại hội đặc biệt nhấn mạnh, để thực hiện được tất cả những mục tiêu và nhiệm vụ của cách mạng trong giai đoạn hiện nay, công việc thiết yếu hàng đầu và then chốt là phải nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Ðảng; động lực chủ yếu là phát huy sức mạnh toàn dân tộc (ở đây nhấn mạnh sức mạnh toàn dân tộc chứ không chỉ là đoàn kết dân tộc), bao gồm cả phát huy các nguồn lực, các thành phần, các giai cấp, tầng lớp trong nước cũng như ở nước ngoài, chung tay, chung sức để thực hiện cho được các mục tiêu nhiệm vụ đã đề ra.

Về phương pháp tư tưởng, lần này có điểm rất mới là Cương lĩnh đã chỉ rõ: Trong quá trình tổ chức thực hiện phải đặc biệt chú trọng nắm vững và giải quyết tốt các mối quan hệ lớn, như: Quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa kinh tế thị trường và định hướng XHCN; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất XHCN; giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; giữa xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc XHCN; giữa độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Ðảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ... Ðồng thời nhấn mạnh: Không phiến diện, cực đoan, duy ý chí. Ðây là bài học rất sâu sắc cả về thực tiễn và lý luận. Trong nhiều năm, kể cả thời kỳ bao cấp, có lúc chúng ta duy ý chí, làm không đúng quy luật khách quan; có lúc phiến diện, cực đoan, nhấn mạnh mặt này, coi nhẹ mặt kia, từ cực này nhảy sang cực khác. Hiện nay, Hội đồng Lý luận T.Ư và các cơ quan tiếp tục nghiên cứu, làm rõ để xử lý tốt các mối quan hệ nói trên.

Như vậy, rõ ràng là các Văn kiện của Ðại hội XI toát lên những quan điểm, phương hướng cơ bản chỉ đạo cho cả lâu dài, trung hạn, ngắn hạn và trước mắt; xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp; tư tưởng, phương pháp nhận thức và chỉ đạo thực hiện. Dù còn không ít vấn đề phải tiếp tục đi sâu nghiên cứu, tổng kết, làm sáng tỏ, nhưng có thể nói, đến Ðại hội XI, chúng ta tiến thêm một bước trong việc hoạch định và hoàn thiện hệ thống các quan điểm chỉ đạo công cuộc đổi mới, đưa đất nước tiếp tục đi lên theo con đường XHCN. Ðó là kết quả của sự tổng kết lý luận và thực tiễn, kết tinh trí tuệ, ý chí, nguyện vọng của toàn Ðảng, toàn dân ta; là sự tiếp tục khẳng định, hoàn thiện và phát triển đường lối cách mạng của Ðảng ta theo tinh thần chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Các đồng chí đã biết, trước Ðại hội, chúng ta đứng trước không ít vấn đề lý luận và thực tiễn khó khăn, nhưng bằng việc phát huy dân chủ, chuẩn bị tích cực từ tháng 2/2008 đến tháng 1/2011, liên tục 3 năm, với ba Hội nghị T.Ư bàn về các nội dung Ðại hội và tổ chức để Đại hội Đảng bộ các cấp thảo luận, nhân dân góp ý kiến, Quốc hội góp ý kiến, các nhà khoa học, các bậc lão thành, các tầng lớp, các giới, các ngành ở trong nước và ở nước ngoài gửi kiến nghị, góp ý tới Ðại hội; ra Ðại hội tiếp tục thảo luận và cuối cùng biểu quyết thông qua với tỷ lệ 100%. Ðiều này khẳng định, Ðại hội XI của Ðảng đã thành công tốt đẹp.

Không phải ngẫu nhiên mà bạn bè quốc tế lại quan tâm đến Ðại hội XI của Ðảng ta (những người thiện chí quan tâm, những người không thiện chí, muốn chống phá chúng ta cũng rất quan tâm). Nhiều đảng anh em trao đổi kinh nghiệm với chúng ta. Chưa bao giờ trong lịch sử Ðảng ta, tại một kỳ Ðại hội lại có tới 178 điện mừng của bè bạn quốc tế (cả đảng cầm quyền, đảng không cầm quyền, cả tổng thống, các tổ chức chính trị xã hội,...). Và cũng chưa bao giờ ngay sau Ðại hội, một số đảng anh em như Ðảng Nhân dân cách mạng Lào, Ðảng Cộng sản Trung Quốc cử đặc phái viên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước sang gặp Tổng Bí thư ta để trực tiếp chúc mừng thành công của Ðại hội. Theo báo cáo của đoàn đại biểu Ðảng ta đi dự hội thảo quốc tế “Các đảng và một xã hội mới: tổ chức tại Mê-hi-cô, các nội dung Văn kiện Ðại hội lần thứ XI của Ðảng ta được dịch ra tiếng Tây Ban Nha, nhiều người nghiên cứu rất kỹ. Ðồng chí Tổng Bí thư Ðảng Lao động Pê-ru cho biết: Ông đã thức suốt đêm hôm trước để đọc Văn kiện Ðại hội XI của Ðảng ta. Nhân dịp hội thảo, Ðảng Lao động Mê-hi-cô cũng đã xuất bản và phát hành rộng rãi cuốn sách “Cách mạng Việt Nam: Từ lý luận đến thực tiễn”, cho rằng kinh nghiệm và bài học của cách mạng Việt Nam có ý nghĩa thời đại. Các đồng chí lãnh đạo Cuba cũng rất quan tâm nghiên cứu kinh nghiệm của chúng ta trong quá trình chuẩn bị Ðại hội VI của Ðảng Cộng sản Cuba.

Ngày 17/3/2011, Bộ Chính trị đã ra Chỉ thị 01-CT/TW về học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Ðại hội XI, coi đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2011. Bao nhiêu công phu chuẩn bị để có được các Văn kiện quan trọng như vậy, nếu chúng ta không nghiên cứu, học tập, quán triệt sâu sắc thì không thể đưa Nghị quyết vào cuộc sống được và như thế thì Nghị quyết Ðại hội cũng chẳng có nghĩa lý gì. Cho nên rất cần phải học tập; học tập để nâng cao nhận thức, thống nhất tư tưởng, thống nhất ý chí và hành động. Ðại hội là cơ quan cao nhất của Ðảng đã bàn bạc và ra Nghị quyết thì mọi cán bộ, đảng viên từ Trung ương đến cơ sở phải nói và làm theo Nghị quyết. Trên cơ sở đó mà lựa chọn, bố trí cán bộ, ai tán thành thì làm, không thể cứ ngập ngừng hoặc nói trái đường lối, Nghị quyết của Ðảng. Ðó là nguyên tắc hoạt động của Ðảng, là nhân tố tạo nên sức mạnh thống nhất của Ðảng. Mặt khác, nếu chúng ta không tự trang bị cho mình những kiến thức, những hiểu biết thì cũng khó có thể phản ứng kịp thời, có hiệu quả trước những luồng tư tưởng, quan điểm sai trái, vì người ta nói đúng chẳng biết, nói sai cũng chẳng hay. Hơn ai hết, cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp càng phải thấm nhuần, nắm chắc các quan điểm tư tưởng của Ðảng, thể hiện trong Cương lĩnh, Chiến lược, Báo cáo Chính trị, Ðiều lệ, Nghị quyết của Ðảng. Trên cơ sở đó khẩn trương xây dựng các chương trình hành động cụ thể, thiết thực, phù hợp với từng lĩnh vực công tác của ngành mình, địa phương mình. Ðồng thời phải nâng cao tính chiến đấu, tính tư tưởng, uốn nắn các nhận thức lệch lạc, phản bác các quan điểm sai trái, kiên quyết đấu tranh bác bỏ các quan điểm thù địch. Muốn vậy, chúng ta phải nắm chắc kiến thức, nắm chắc nội dung Văn kiện, nắm chắc thực tiễn và luôn tổng kết, bổ sung. Trong quá trình nghiên cứu, học tập, có điều gì còn băn khoăn hoặc chưa rõ cần mạnh dạn nêu ra, thẳng thắn trao đổi để nhận thức cho sâu và thanh thoát trong công tác thực tế.

Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng của hội nghị này, mong các đồng chí tập trung cao độ, tận dụng tối đa thời gian và điều kiện cho phép để thu được kết quả thiết thực…

 

 


Tạp chí KH&CN
Xem tạp chí:
Cổng thông tin điện tử Sở KHCN
Thương hiêu
Sàn Giao dịch công nghệ
Chuyển đổi số
Chuyên trang Nông nghiệp
Trang tiết kiệm năng lượng
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập160
  • Hôm nay50,653
  • Tháng hiện tại1,181,176
  • Tổng lượt truy cập3,886,380
Thống kê truy cập
Thống kê truy cập
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây