Đua nhau sản xuất chè bẩn

Để tăng độ dẻo của chè và để chè xanh và nặng hơn, trong khi chế biến, các cơ sở sản xuất đã cho thêm các tạp chất như bùn, thậm chí là phân lân vào chè.
Thời gian gần đây, tại các vùng nguyên liệu chè ở các tỉnh phía Bắc như huyện Định Hoá, Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên); huyện Hàm Yên (tỉnh Tuyên Quang) hay huyện Văn Chấn (tỉnh Yên Bái) xảy ra tình trạng một số hộ dân vì cái lợi trước mắt đã sản xuất ra loại chè không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các công ty sản xuất chè có uy tín; ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Tại huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, không khó để thấy nhiều gia đình mang chè ra đường phơi. Loại chè này có màu xỉn, không xanh tự nhiên và khi pha nước thì không thể uống được.
Cùng chung thực trạng này, tại xã Thái Hoà, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang, các hộ dân nơi đây chỉ cần đầu tư từ 2 - 4 triệu đồng, 1 gia đình có thể tự làm chè tại nhà với 1 hoặc 2 cối vò chè để sản xuất chè "siêu lợi nhuận". Để tăng độ dẻo của chè và để chè xanh và nặng hơn, trong khi chế biến, các hộ này đã cho thêm các tạp chất như bùn, thậm chí là phân lân vào chè. Với cách làm này, thay vì 5kg chè tươi, các hộ chỉ cần 3kg để sản xuất 1kg chè khô.
Ngay khi nhận được thông tin sản xuất chè bẩn tại xã Thái Hoà, chiều 20/7, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang đã lập đoàn kiểm tra liên ngành đến tuyên truyền cho các hộ sản xuất chè bẩn thấy được tác hại của việc làm này, đồng thời xử lý vi phạm và yêu cầu các hộ cam kết không sản xuất loại chè "bẩn".
Trước thực trạng sản xuất chè kém chất lượng tại các tỉnh phía Bắc, Hiệp hội Chè Việt Nam nhận định, việc sản xuất chè bẩn đang ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các công ty sản xuất chè có uy tín; ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Đặc biệt hơn, là ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu chè Việt Nam, hậu quả nhãn tiền là kim ngạch xuất khẩu chè giảm mạnh.
Theo ước tính của Hiệp hội Chè Việt Nam, nạn "chè bẩn" bắt đầu làm suy giảm sản lượng xuất khẩu của chè Việt Nam, khi lượng chè xuất khẩu giảm 16,8% trong 6 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái. Thêm vào đó, nhiều tỉnh đang thất thu thuế do hàng xuất tiểu ngạch không chịu sự kiểm soát như hàng xuất chính ngạch. Chỉ riêng ở huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, mỗi ngày có 150 tấn chè được xuất đi theo con đường tiểu ngạch, và nếu xuất khẩu chè theo con đường tiểu ngạch thì số tiền thất thu từ thuế là 60 triệu đồng/ngày. Như vậy, ước tính mỗi tháng, tính chung cả nước mất hàng chục tỷ đồng tiền thuế vì "chè bẩn".
Để ngăn chặn tình trạng sản xuất chè bẩn, Hiệp hội Chè Việt Nam đã lên tiếng cảnh báo và có công văn chính thức gửi UBND các tỉnh có vùng trồng, sản xuất chè và các cơ quan của Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vào cuộc để giải quyết tình trạng này.
(VOV)

 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây