Máy MRI hiện đại của Philips. Ảnh: Internet. Ngày nay, tại các bệnh viện tuyến tỉnh trở lên, chỉ định chụp cộng hưởng từ (MRI) đã thành phổ biến và mang lại lợi ích to lớn trong khám chữa bệnh. Cũng như mọi công nghệ cao khác khi ứng dụng trong y khoa, người bệnh cần phải biết những điều cơ bản nhất để chủ động trong việc sử dụng những dịch vụ y tế chất lượng cao (đồng nghĩa với chi phí cao).
Cộng hưởng từ (Manegtic Resonance Imaging) là kỹ thuật tạo hình ảnh 3 chiều của cơ thể bằng nguyên lý cộng hưởng từ hạt nhân và sóng radio, không dùng tia X, nên có ưu điểm nổi bật là không đưa tia xạ vào người, tránh được những phiền phức nhiễm xạ như khi chụp X quang, CT Scanner, MSCT. Do đó người bệnh được an toàn hoàn toàn về tia xạ khi chụp.
Ưu điểm vượt trội của MRI là kỹ thuật cho phép ta có một chẩn đoán bằng hình ảnh toàn diện và tỉ mỉ so với các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác như các loại chụp X quang và siêu âm.
Ở đây không chỉ là “chụp” mà thực sự là một kỹ thuật chẩn đoán bệnh. Với thời gian tiến hành từ 30 phút đến 90 phút, có sự tham gia hội chẩn giữa bác sĩ chẩn đoán hình ảnh và bác sĩ lâm sàng, MRI thực sự là một chẩn đoán độc lập có tính xác định về vị trí, hình ảnh cấu trúc, hoạt động chức năng và các liên quan giải phẫu của tổn thương giúp cho người bệnh được chẩn đoán kịp thời, chính xác. MRI lại là công cụ rất đắc lực cho thầy thuốc để không những có được chẩn đoán tin cậy, mà hơn thế nữa, nó giúp cho việc lên kế hoạch, lựa chọn giải pháp chủ động trước khi mổ và tiên lượng bệnh sau điều trị.
Các trường hợp chỉ định MRI: hiện tại, được sử dụng rộng rãi cho hầu hết các chuyên khoa tim mạch, thần kinh cột sống, hô hấp, tiêu hoá, cơ xương khớp, tiết niệu, mắt, tai mũi họng, răng hàm mặt… Nguyên tắc là những bệnh lý của mọi cơ quan, mọi mô đã có biến đổi hoạt động chức năng, biến đổi hình thái học có thể quan sát đều có thể chỉ định làm chẩn đoán MRI.
Thực tế bệnh viện, thầy thuốc bao giờ cũng muốn người bệnh được hưởng những thành tựu tốt nhất của y học, vấn đề là chi phí tuỳ thuộc vào khả năng chi trả của bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể và của người bệnh. Theo Bộ luật Khám bệnh chữa bệnh vừa ban hành năm 2011, thầy thuốc có trách nhiệm thông tin đầy đủ để người bệnh có quyền lựa chọn cách thích hợp nhất. Vì vậy khi được chỉ định MRI, người bệnh có quyền được thầy thuốc giải thích, tư vấn chi tiết, cụ thể để được lựa chọn và có quyền từ chối nếu thấy không phù hợp, không thoả đáng.
Những điều cần phải biết khi chụp MRI:
Nguyên lý từ tính: tất cả mọi chi tiết vật dụng có tính kim loại mang trên người phải bỏ ra kể cả các loại thẻ từ đang rất thông dụng trong đời sống.
Không dùng gôm keo xịt tóc và bôi xoa các hoá mỹ phẩm để tránh làm thay đổi hình ảnh do các chất này có từ tính.
Thông báo cho bác sĩ chụp biết tình trạng của mình nếu trong người ta có mang những thiết bị y tế có kim loại hoặc có từ tính như: các loại nẹp đinh kim loại khi mổ kết hợp xương, các loại hàm, cầu răng giả, các mảnh dị vật kim loại như mảnh đạn - hậu quả của vết thương cũ, mảnh cấy ghép kim loại của phẫu thuật tạo hình trước đây (ví dụ mảnh ghép hộp sọ bằng titan). Đặc biệt các thiết bị như máy hỗ trợ tim mạch, van tim kim loại, máy trợ thính… Nghĩa là tất cả những máy móc y tế gắn hoặc cấy trên người.
Với giá tiền cao như hiện tại không phải người bệnh cứ có tiền là đòi chụp MRI như chụp ảnh, mà cần nhất có hiểu biết nhất định để được sử dụng dịch vụ y tế thích hợp.
Theo BS Đào Thế Tân
Báo Lao động điện tử