Khoa học và Công nghệ (số 4-2008) 2008-12-27 11:26:24

MỘT SỐ BIỆN PHÁP CHỦ YẾU PHÒNG, CHỐNG HỘI CHỨNG RỐI LOẠN SINH SẢN VÀ HÔ HẤP Ở LỢN (PRRS) - BỆNH TAI XANH Th.S Nguyễn Văn Tịnh Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT

Hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp ở lợn (PRRS) là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm đối với lợn, bệnh lây lan rất nhanh gây viêm đường hô hấp và rối loạn sinh sản do vi-rút Lelystad gây ra.

 

Tháng 3/2007, Hải Dương là tỉnh đầu tiên xuất hiện loại bệnh này trên đàn lợn ở 8/12 huyện, thành phố. Đến tháng 10/2007, bệnh tái phát trở lại ở 2 xã Thanh Bính, Liên Mạc (huyện Thanh Hà). Cả hai đợt dịch số lợn mắc bệnh gần 2 vạn con, mầm bệnh tồn lưu ở lợn sống và môi trường. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến giảm số đầu lợn trong tỉnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập kinh tế của người chăn nuôi. Đặc biệt, từ ngày 15/7/2008 đến nay, trên địa bàn Hải Dương đã xuất hiện dịch bệnh PRRS ở đàn lợn thuộc 2 xã Quyết Thắng, Tân Việt (huyện Thanh Hà), diễn biến bệnh rất phức tạp, gây ốm chết nhiều lợn ở độ tuổi khác nhau. UBND tỉnh đã ra quyết định công bố dịch bệnh PRRS tại 2 địa phương trên.

Để giúp các địa phương và hộ chăn nuôi lợn có giải pháp phòng, chống dịch bệnh PRRS, căn cứ vào Quyết định số 80/2008/QĐ-BNN ngày 15/7/2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chúng tôi giới thiệu cách nhận biết, triệu trứng của bệnh và một số biện pháp phòng, chống chủ yếu như sau:

1. Bệnh thường phát triển qua 3 giai đoạn:

1.1. Lợn ăn ít, yếu sức, sốt. Vi-rút lây lan rất nhanh trong đàn, giai đoạn này kéo dài từ 1 đến 3 tuần. Lợn có thể tím tai, âm hộ, đuôi, bụng, mũi sau vài giờ mới tan hết (khoảng 5% lợn có triệu trứng trên). Lợn nái bị sảy thai đồng loạt (thường trước 107 ngày), sảy thai không thường xuyên trên từng đàn nái sắp đẻ (trên 3% nái mang thai bị sảy thai và chết). Lợn choai có triệu chứng thần kinh như run rẩy, đứng không vững.

1.2. Đỉnh cao của bệnh: Gây ra hàng loạt trên lợn nái sảy thai (đẻ non) lợn con, thai chết, lợn con đẻ ra yếu ớt, tình trạng này xảy ra rất nhanh (kéo dài 8 đến 10 tuần). Đồng thời ghép nhiều bệnh như tụ huyết trùng, phó thương hàn, viêm phổi và màng phổi, dịch tả lợn, giả dại.

1.3. Một số lợn nái trở lại sinh sản gần như trước, trong đó có một số nái mang trùng kéo dài gây bệnh mãn tính, dẫn đến bệnh có thể bộc phát trở lại khi có điều kiện thích hợp.

2. Về triệu trứng lâm sàng:

- Lợn cái hậu bị và lợn nái sinh sản bỏ ăn, sốt kéo dài, tím da tai, bụng, chân, âm hộ. Sảy thai ở kỳ giữa và kỳ cuối. Không động dục trở lại hoặc phối giống tỷ lệ thụ thai thấp; biểu hiện thần kinh mất điều hoà vận động, đi vòng tròn hoặc ngã nằm về một phía; viêm da dị ứng đóng vẩy. Lợn đực giống sốt trong thời gian ngắn, bỏ ăn, tím bìu cà, nằm nhiều và viêm đường hô hấp, giảm tính hăng, tinh dịch loãng, tăng tỷ lệ tinh trùng kỳ hình.

- Lợn sơ sinh: Chết yểu vài giờ sau khi sinh, tỷ lệ rất cao; số còn lại tiếp tục chết trong vòng vài tuần đầu tiên, một số có thể sống sót đến lúc cai sữa.

- Lợn con theo mẹ ủ rũ, gầy còm do bị đói, nhịp thở nhanh, sưng mí mắt và kết mạc, tiêu chảy đi run rẩy nghiêng ngả.

- Lợn cai sữa và lợn choai sốt, viêm phổi, bỏ ăn, thở nhanh và khó thở, xuất huyết dưới da, tỷ lệ chết 12 - 20%.

3. Biện pháp phòng, chống bệnh:

3.1. Khi chưa có dịch bệnh:

Thường xuyên vệ sinh tiêu độc chuồng trại và môi trường xung quanh, phung thuốc sát trùng (Iodine, ChloraminB, Ben cocid, Bio cocid... Làm tốt công tác chăm sóc nuôi dưỡng nhằm tăng sức đề kháng cho lợn, bổ sung các thuốc trợ lực Hanmix-VK9, Hanminvit-Super, B-complex, Vitamin ADE... vào thức ăn thường xuyên, có thể dùng một số loại kháng sinh bột định kỳ trộn vào thức ăn 2 lần/tháng, mỗi lần ăn liên tục 3-5 ngày: Dolosin-200, Tylosin 98%, Tiamulin 10%, Tylovit-C, Neo-Te-Sol. Tiêm vắc-xin phòng hội chứng sinh sản và hô hấp cho tất cả các loại lợn, đồng thời tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh dịch tả, tụ huyết trùng, đóng dấu, phó thương hàn để hạn chế bệnh kế phát. Không nhập lợn bị bệnh, không rõ nguồn gốc.

3.2. Khi xảy ra dịch bệnh:

UBND tỉnh ra quyết định công bố dịch tại địa phương xảy ra bệnh PRRS. Địa phương lập chốt kiểm dịch động vật, không cho vận chuyển gia súc ra khỏi ổ dịch. Tổ chức vệ sinh tiêu độc chuồng trại, môi trường xung quanh, rắc vôi bột, phun thuốc khử trùng tiêu độc bằng các loại thuốc đã nêu ở trên mỗi tuần 1-2 lần. Xử lý lợn ốm chết theo hướng dẫn của cơ quan thú y tại văn bản số 561/TY-KH ngày 16/4/2008 của Cục Thú y. Cách ly lợn ốm, tích cực điều trị PRRS.

Nguyên tắc điều trị: trợ sức, trợ lực, điều trị triệu chứng chống nhiễm trùng kế phát và kết hợp với chăm sóc nuôi dưỡng theo các bước sau đây:

Bước 1: Trợ sức, trợ lực, dùng một số thuốc như: Multivit-forte, Bcomplex, Vitamin C 10%, thuốc điện giải hoặc (Glucoza và Vitamin C) hoà nước cho uống liên tục trong thời gian điều trị.

Bước 2: Dùng thuốc hạ sốt, giảm đau, kháng viêm như Diclofenac hoặc Hannalgin-C.

Bước 3: Dùng thuốc kháng sinh - Nếu ghép với bệnh đường hô hấp sử dụng các thuốc đặc trị bệnh đường hô hấp Hanflor-LA, Hancefl, Hanoxylin-LA, Hamogen, Linspec 5/10, Lico-gen, Tylosin-200, Tiamulin 10%, kết hợp thuốc trợ hô hấp Bromhexine. Nếu ghép với tiêu chảy sử dụng thuốc Hanflor, Hancefl, Hamcoli-S, Genorfcoli.

Lợn sảy thai, viêm tử cung: Dùng thuốc Hanflor-LA, Hancefl... kết hợp với thuốc điều tiết sinh sản: Oxytoxin, Gona-estrol...

Tăng cường nuôi dưỡng, chăm sóc nâng cao sức đề kháng, quản lý lợn khỏi bệnh theo triệu chứng; khi dịch đã dừng và ổn định tổ chức tiêm vắc-xin phòng bệnh PRRS cho đàn lợn.

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.