Khoa học và Công nghệ (số 4-2008) 2008-12-27 11:15:36

SẢN XUẤT PHÂN BÓN HỮU CƠ VI SINH TẠI HẢI DƯƠNG KS. Vũ Văn Tân

Đề tài Nghiên cứu ứng dụng công nghệ Fitohoocmon để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ rác thải hữu cơ, phế thải của chăn nuôi tại Hải Dương, mã số KC.03 đã được đưa vào kế hoạch khoa học và công nghệ của tỉnh từ tháng 1 năm 2006 và kết thúc vào tháng 12 năm 2007, do Công ty cổ phần công nghệ sinh học kết hợp với Nhà máy phân bón Việt - Séc thuộc Công ty cổ phần Việt Tiên Sơn và một số huyện trong tỉnh triển khai thực hiện, với mục tiêu đề ra là:

- Xây dựng được quy trình công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ rác thải hữu cơ và phân thải chăn nuôi tại nhà máy phân vi sinh Việt - Séc.

- Tổ chức thử nghiệm hiệu lực của phân bón được sản xuất theo quy trình công nghệ trên đối với 5 loại cây trồng: lúa, ngô, rau (dưa hấu, cải bắp), vải thiều và xây dựng quy trình bón phân cho các cây trên.

- Hoàn chỉnh hệ thống thiết bị và tổ chức sản xuất 1.300 tấn phân hữu cơ vi sinh Việt - Séc (trong đó có 90 tấn dùng cho công tác thử nghiệm phân bón) trên cơ sở của quá trình xây dựng và hoàn thiện quy trình công nghệ và hệ thống thiết bị.

Kết quả thực hiện đạt được như sau:

Đã điều tra tra xác định được khối lượng rác thải hữu cơ đã phân huỷ tại bãi chôn lấp rác Cầu Cương khoảng 7.000 tấn; khối lượng rác thải hữu cơ tươi khoảng 128 tấn/ngày; lượng phân thải chăn nuôi 470 tấn/ngày. Các loại rác thải, phân thải có hàm lượng các chỉ tiêu dinh dưỡng tương đối cao, hàm lượng các nguyên tố kim loại nặng thấp có thể sử dụng làm nguồn nguyên liệu sản xuất phân hữu cơ vi sinh theo công nghệ Fitohoocmon.

Kết quả phân lập, tuyển chọn các chủng vi sinh vật trong đất trồng lúa, ngô, rau, vải thiều của tỉnh Hải Dương cho thấy nhóm vi khuẩn vẫn chiếm ưu thế; nhóm xạ khuẩn chiếm 12,1-21,7% tổng số vi sinh vật; nhóm nấm chiếm 11,8-14,2% tổng số vi sinh vật; nhóm vi đạm chiếm 11,4-21,7% tổng số vi sinh vật; nhóm phân giải lân khó tan chiếm 13,1-23,1% tổng số vi sinh vật.

Từ các loại đất trồng vải thiều tại Thanh Hà, lúa tại Nam Sách, ngô tại Bình Giang, rau tại Gia Lộc đề tài đã phân lập được:

- Hai chủng phân giải lân khó tan L1, L2 thuộc Bacillus polymyxa có hình thành bào tử: Cả hai chủng này đều có khả năng sinh trưởng mạnh trong điều kiện nuôi cấy nghèo dinh dưỡng, rẻ tiền, hoạt tính các chủng mạnh, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất và bảo quản chế phẩm phân giải lân khó tan để sử dụng sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh phù hợp với đất trồng lúa, ngô, rau, vải thiều ở tỉnh Hải Dương.

- Hai chủng Azotobacter có hoạt tính ARA cao (8,8-11%) và có hình thành chất kích thích sinh trưởng (IAA) từ 10-19 mg/ml kết hợp với chủng AT19 có nguồn gốc từ phòng thí nghiệm đư­ợc đưa vào sản xuất chế phẩm Azotobacter để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh cho cây trồng đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Đã thiết kế mặt bằng nhà máy, đưa ra quy trình xử lý các nguồn nguyên liệu, lựa chọn thành phần khối lượng vi lượng phù hợp để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh tại nhà máy phân vi sinh Việt-Séc. Bổ sung các trang thiết bị: 2 máy nghiền (công suất 10 tấn/giờ/máy); máy trộn đảo; 1 máy sàng rung; băng tải; xe vận chuyển nội bộ; cân tự động; 1máy khâu bao; hoàn chỉnh hệ thống bể ủ; hoàn thiện hệ thống kho bãi.

Đã sử dụng cả 3 nguồn nguyên liệu đầu vào là rác chôn lấp tại bãi rác Cầu Cương, rác thải hữu cơ tươi do Công ty môi trường đô thị thu gom hàng ngày và phân thải của chăn nuôi lợn tập trung tại một số huyện trong tỉnh kết hợp với than bùn để sản xuất thử 18 tấn phân hữu cơ vi sinh Việt - Séc cho nội dung thử nghiệm hiệu lực của phân bón trên các loại cây trồng. Trong đó đã sử dụng: 4.500 kg đất mùn từ bãi rác Cầu Cương, 14.040 kg rác hữu cơ tươi, 7.176 kg phân lợn tươi và 3.600 kg than bùn làm nguyên liệu để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh. Qua quá trình sản xuất phân bón thấy rằng nên sử dụng nguồn phân thải của chăn nuôi lợn tập trung làm nguyên liệu sản xuất phân hữu cơ vi sinh là tốt nhất, giá nguyên liệu giảm và có hàm lượng dinh dưỡng cao.

Đã điều tra và đánh giá tình hình sử dụng phân bón: đa số các hộ đều đã sử dụng đầy đủ các loại phân vô cơ bón cho cây trồng. Tuy nhiên lượng phân chuồng lại rất thấp, trung bình từ 1,0-1,9 tạ/sào (lúa, ngô, cải bắp, dưa hấu), trên cây vải hầu như không có. Vì vậy để cải thiện tính chất đất, nâng cao năng suất cây trồng thì việc sử dụng phân hữu cơ vi sinh là rất cần thiết.

Đã điều tra, phân tích 12 phẫu diện đất tại 4 huyện Gia Lộc, Nam Sách, Bình Giang và Thanh Hà, xác định được thành phần cơ giới, tính chất nông hóa, thổ nhưỡng của đất làm cơ sở để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh phù hợp với từng loại đất trồng.

Thử nghiệm hiệu lực của phân hữu cơ vi sinh Việt-Séc trên các loại cây: dưa hấu, cải bắp, lúa, ngô, vải thiều tại xã Gia Xuyên (Gia Lộc), xã Hợp Tiến, Đồng Lạc, Thượng Đạt (Nam Sách), xã Nhân Quyền, Thái Hòa, Thái Dương (Bình Giang), xã Thanh Sơn, Thanh Xá (Thanh Hà) với quy mô 4 vụ/2 năm, tổng diện tích thử nghiệm 26,0 ha và 200 cây vải thiều.

- Cây lúa:

Đã tiến hành thử nghiệm hiệu lực của phân bón vi sinh trên quy mô 12,0 ha, 5 giống lúa: Khang Dân 18, Q5, HYT83, D.ưu 527, HT1 trong 2 vụ xuân và vụ mùa của 2 năm 2006-2007 tại 3 xã Hợp Tiến, Đồng Lạc, Thượng Đạt huyện Nam Sách.

Xác định được phân bón thử nghiệm có tác dụng tốt đến sinh trưởng phát triển của cây lúa: cây lúa cứng cây, đanh rảnh, đẻ nhánh gọn, khoẻ, tập trung, lá lúa vươn dài có màu xanh đẹp, bản lá dầy và cứng, có khả năng chống đổ tốt; giảm tỷ lệ nhiễm sâu cuốn lá so với công thức đối chứng từ 0,9-2,5 con/m2, bị nhiễm sâu đục thân với tỷ lệ thấp (dưới 1%), mức độ nhiễm bệnh khô vằn giảm so với công thức đối chứng từ 1 đến 2 điểm; tăng số bông/m2 so với công thức đối chứng từ 20-25 bông, tăng năng suất lúa so với công thức đối chứng từ 0,71-1,09 tấn/ha, kéo theo đó là hiệu quả kinh tế tăng lên từ 960.000 - 4.840.000 đồng/ha. Ngoài ra, một số chỉ tiêu nông hoá trong đất tăng nhẹ.

- Cây dưa hấu:

Phân bón hữu cơ vi sinh Việt - Séc có tác dụng làm tăng năng suất dưa hấu thu hoạch so với cây trồng đối chứng 2,16 tấn/ha, kéo theo đó là lãi suất tăng lên 4.560.000 đồng/ha. Chất lượng quả được cải thiện, độ Brix tăng so với công thức đối chứng 1,2 độ. Độ phì đất được duy trì, một số chỉ tiêu có xu hướng tăng nhẹ như đạm tổng số tăng 0,004%, P dễ tiêu tăng 0,19 mg/100g đất. Được bà con nông dân đánh giá là loại phân dễ sử dụng và có chất lượng tốt.

- Cây cải bắp:

Phân bón hữu cơ vi sinh Việt - Séc có tác dụng làm cho cây cải bắp sinh trưởng phát triển tốt: bắp chặt hơn, đường kính bắp to hơn từ 0,9 - 1,2 cm; trọng lượng bắp nặng hơn từ 0,18 - 0,3 kg/bắp so với công thức đối chứng, làm tăng năng suất cải bắp từ 5,5 - 10 tấn/ha (tương ứng từ 12,7 - 22,8%), lãi suất tăng từ 3.840.000-16.400.000 đồng/ha. Chất lượng cải bắp tốt hơn. Hàm lượng NO-3 giảm từ 11,2 - 21,4 mg/kg, đường tổng số tăng từ 0,22 - 0,23%, vitamin C tăng từ 1,98 - 2,2 mg/kg so với công thức đối chứng. Ngoài ra, tính chất nông hoá đất được duy trì, một số chỉ tiêu còn có xu hướng tăng nhẹ, đất giữ ẩm tốt hơn.

- Cây ngô:

Phân hữu cơ vi sinh Việt - Séc có tác dụng tốt đến các yếu tố cấu thành năng suất ngô như bắp dài hơn từ 0,33-2,57 cm, đường kính bắp to hơn từ 0,08-0,47cm, trọng lượng bắp nặng hơn từ 10,8-16,0 g so với công thức đối chứng, làm tăng năng suất ngô từ 0,35 - 0,58 tấn/ha (tương ứng từ 6,67-9,92%). Hiệu quả kinh tế đem lại cao hơn từ 880.000 - 3.960.000 đồng/ha so với công thức đối chứng.

- Cây vải:

Phân bón thử nghiệm có tác dụng tốt đến sinh trưởng và phát triển của cây vải, tăng số chùm hoa/cành từ 1,2-2,5 chùm; số quả tăng từ 1,0-1,2 quả/chùm; số chùm quả/cây tăng từ 18,7 - 28,1 chùm; trọng lượng quả nặng hơn từ 0,47-0,85g; năng suất tăng từ 24,8-27,2 kg/cây (tương ứng từ 29,9-35,9%) đem lại lãi cao hơn từ 58.200 - 111.400 đồng/cây so với công thức đối chứng. Một số chỉ tiêu chất lượng quả được cải thiện như: hàm lượng đường tổng số tăng từ 1,85-2,37%, hàm lượng vitamin C thấp hơn từ 2,57-5,69 mg/100g. Ngoài ra, hàm lượng các chất dinh dưỡng trong đất được cải thiện.

- Tổ chức sản xuất - chuyển giao công nghệ - tổ chức thị trường:

+ Trong 2 năm qua (2006-2007), nhà máy đã sản xuất được 1.490 tấn phân bón, trong đó có 90 tấn dùng cho thử nghiệm trên các loại cây trồng. Hiện có khoảng 6 Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và 39 Đại lý tham gia phân phối phân bón trên thị trường.

+ Tổ chức được 11 lớp huấn luyện, đào tạo và chuyển giao công nghệ cho các cán bộ chỉ đạo sản xuất phân bón, các cán bộ nông vụ và bà con nông dân.

- Tổ chức các hội thảo, hội nghị sơ kết và hội nghị đầu bờ: 11 hội nghị (30 người tham gia/hội nghị).

- Biên soạn, in ấn được và phát được 6.000 tờ rơi giới thiệu và quảng bá về sản phẩm phân hữu cơ vi sinh Việt - Séc cho các loại cây trồng tại các huyện trong tỉnh Hải Dương.

Từ những kết quả nổi bật trên, tại hội nghị nghiệm thu ngày 10/5/2008, đề tài đã được Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh nghiệm thu, đánh giá xếp loại xuất sắc. Trong những năm tới Nhà máy phân vi sinh Việt - Séc sẽ tiếp tục sản xuất phân bón vi sinh theo công nghệ Fitohoocmon để cung cấp cho thị trường phân bón trong và ngoài tỉnh.

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.