Khoa học và Công nghệ (số 4-2008) 2008-12-27 11:23:30

THOÁT NGHÈO NHỜ NUÔI BA BA Trần Kim Hạnh

Trước năm 1993, gia đình ông Nguyễn Đình Phiên ở thôn An Điền, xã Cộng Hoà, huyện Nam Sách thuộc diện nghèo của xã. Đất đai ít, không có nghề phụ, cái nghèo, cái đói cứ đeo bám lấy gia đình ông. Một lần tình cờ nghe được chương trình phát thanh nông nghiệp của Đài Tiếng nói Việt Nam hướng dẫn kỹ thuật nuôi ba ba, ông lắng nghe như nuốt lấy từng lời, rồi lại ngồi nghiền ngẫm ghi chép lại tỷ mỷ.

 

Sau nhiều ngày "tầm sư học đạo", ông bắt tay vào làm ngay. Nhà ông lúc đó chỉ có một cái ao hơn 100 mét vuông. Nuôi ba ba thì phải xây bờ từ đáy lên đến mặt ao thẳng đứng, xây cao cách mặt nước 1 m, trên bờ có mũ (hòn gạch quay ngang) thì ba ba mới không bò ra được. Nghĩ là làm, ông "xoay trần" cùng vợ con đóng gạch mộc, nhờ bạn bè giúp đỡ, tư vấn kỹ thuật xây dựng và xếp lò đứng nung gạch ngay trong vườn nhà. Nhưng cái khó với ông lúc này là vay Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và bà con thân thuộc mới được có 5 triệu đồng thì chỉ đủ làm những công việc cơ bản, còn giống má thì sao? Nhờ ai thì cũng phải trả tiền sòng phẳng. Nếu không may làm ăn thất bại thì... Thế là ông tính ngay đến việc đi bắt ba ba ở Ba Kèo (nơi sông Kinh Thầy gặp sông Lai Vu) về nuôi, vì ở đây có nhiều lựng xoáy, lại lắm bãi cát già, thích nghi cho ba ba ở và đẻ. Lúc còn trẻ ông cũng theo nghề bắt ba ba, nhìn tăm nó là ông có thể bắt được ngay. Hằng tháng trời ông lang thang bờ sông, bãi sú, vực, lựng ven sông, nhòm nhòm, ngó ngó, kết hợp với đánh bẫy. Ba ba có thói quen thở hít bằng cổ, nên thỉnh thoảng nó ở hang dưới sông phải ngóc đầu lên, lơ lửng dập dềnh theo sóng nước. Có con ba ba ông rình mấy ngày liền mới bắt được. Nhiều hôm ngồi lỳ suốt 12 giờ đồng hồ nhưng không nản. Nhờ kinh nghiệm và sự kiên trì nên ông đã bắt được một số ba ba mái đúng tiêu chuẩn về nuôi tại ao của gia đình mình để cho đẻ trứng, lấy giống.

Trao đổi với chúng tôi về kinh nghiệm nuôi ba ba, ông Phiên nhiệt tình cho biết: Ba ba đẻ từ tháng 3 đến tháng 7. Nhà cho ba ba đẻ nằm cạnh bờ ao, dốc làm làn cho ba ba dễ lên xuống, chỉ cần 2 đến 3 m là được, nhưng phải thoáng mát, có ánh nắng, cát đổ dầy từ 18 đến 25 cm. Khi ba ba lên đẻ, chúng rất chú ý đến bảo vệ trứng, do đó hết sức tránh kinh động. Khi đẻ nó tự nguấy đuôi vào cát, rồi đẻ trứng vào đó và lại tự lấp cát đi. Ba ba nuôi từ bé đến lúc xuất chuồng mất 3 năm, cho nên phải nuôi gối vụ 3 loại: hậu bị, thường phẩm và nái. Một con nái nuôi từ bé, bốn năm sau mới đẻ, con đẻ tốt nhất là 22 quả trứng một lần. Ba ba ngủ đông và thụ tinh luôn ở đáy ao, thường một con đực và 5 con cái là vừa. Ba ba có đường kính 5-7 cm là đã phân đàn, trước khi phân đàn chúng đụng độ gây sứt sát. Việc thay nước cho ba ba cũng phải chú ý, bởi chúng rất nhạy cảm, tuy hung dữ nhưng lại nhát. Thức ăn của ba ba chủ yếu là giun đất và cá mè, cứ 18 kg cá mè nhỏ là được 1 kg ba ba. Ba ba hay bị một số bệnh nấm do nước không sạch, nhất là lúc chúng đụng độ phân đàn; đôi khi bị bệnh ở cổ là do thức ăn không tốt, vì thế phải luôn theo dõi và phát hiện kịp thời để xử lý bằng các loại thuốc thích hợp.

Sau hơn mười năm say sưa học hỏi thực tế và áp dụng kỹ thuật, có sự tư vấn của các kỹ sư thuỷ sản, ông đã nuôi ba ba thành công. Từ 100 m2 ban đầu đến nay gia đình ông đã có cả một hệ thống chăn nuôi ba ba rộng gần 1.800 m2. Mỗi năm ông cho ấp vài ngàn ba ba con, bán cho các hộ chăn nuôi ở trong và ngoài tỉnh, trừ chi phí còn lãi từ 100 - 150 triệu đồng.

Thấy ông làm ăn phát đạt, nhiều người trong xã, trong huyện đã tìm đến nhờ ông tư vấn. Đến nay, ông đã đứng ra tổ chức liên kết và xây dựng được một tổ hợp sản xuất gồm 41 hộ nuôi ba ba, với hệ thống ao khá đồng bộ. Ông chịu trách nhiệm cung cấp giống và bao tiêu sản phẩm. Mỗi năm trung bình tổ hợp sản xuất của ông bán ra thị trường từ 5 đến 10 tấn ba ba thương phẩm.

Ông Nguyễn Đình Phiên được Hội Nông dân huyện Nam Sách cử đi báo cáo điển hình tiên tiến tại nhiều hội nghị của huyện và trong tỉnh. Ông cũng vừa được UBND tỉnh, Hội Nông dân tỉnh và Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tặng Bằng khen.

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.