Những vấn đề chung (Số 03-2023) -0001-11-30 07:06:30

Trong những năm qua, tỉnh Hải Dương đã phát huy vai trò, tầm quan trọng của văn hóa và giá trị văn hóa Xứ Đông, xây dựng con người Hải Dương đáp ứng yêu cầu phát triển, góp phần làm cho đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân có sự chuyển biến sâu sắc và rõ nét.

Nhiều phong tục tập quán tốt đẹp được quan tâm giữ gìn; môi trường văn hóa được cải thiện góp phần xây dựng lối sống lành mạnh, nếp sống văn minh. Phong trào“Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với cuộc vận động“Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”đi vào thực chất được các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia; nhân dân nông thôn tích cực trong góp công, góp sức, không ngừng phấn đấu xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, từ đó cải thiện đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần và thể chất.

Chương trình số 22-CTr/TU ngày 19/8/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh Hải Dương về “Phát huy giá trị văn hóa xứ Đông và xây dựng con người Hải Dương đáp ứng yêu cầu phát triển giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030” được ban hành và triển khai thực hiện đã góp phần nâng cao nhận thức và hành động về công tác văn hóa, vai trò của văn hóa, trách nhiệm của hệ thống chính trị, nhất là trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Từ năm 2021 - 2022, toàn tỉnh có thêm 26 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, nâng tổng số di tích được xếp hạng tại Hải Dương lên 04 di tích quốc gia đặc biệt, 142 di tích quốc gia, 263 di tích cấp tỉnh. Từ 2020 đến nay có 7 lượt di tích được đầu tư tu bổ, tôn tạo từ nguồn vốn Trung ương với tổng số tiền gần 855 tỷ đồng và 45 lượt di tích được cấp kinh phí tu bổ, tôn tạo và chống xuống cấp từ nguồn ngân sách tỉnh với tổng số tiền gần 470 tỷ đồng. Xây dựng 02 hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia đối với hiện vật, nhóm hiện vật là Bộ tượng Tam thế chùa Côn Sơn (TP. Chí Linh) và Mộc bản chùa Trăm Gian (huyện Nam Sách). Đến nay, tỉnh Hải Dương đã có 08 bảo vật quốc gia.

Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc giai đoạn 2023 - 2035, định hướng đến năm 2050; quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi các khu di tích Quốc gia đặc biệt: đền Xưa - chùa Giám - đền Bia, Văn miếu Mao Điền và quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương… phối hợp với tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang xây dựng Hồ sơ khoa học Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESCO công nhận là di sản thế giới.

Xây dựng 05 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể, kết quả có 02 lễ hội truyền thống được Bộ VHTTDL ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là Lễ hội đền Cao An Phụ, phường An Sinh (TX. Kinh Môn) và Lễ hội đền Tranh, xã Đồng Tâm (huyện Ninh Giang). Năm 2023, đang triển khai xây dựng 01 hồ sơ di sản Nghệ thuật hát Tuồng, xã Thạch Lỗi (huyện Cẩm Giàng). Đến nay, tỉnh Hải Dương có 02 nghệ nhân nhân dân và 32 nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, có 826 lễ hội tại các di tích lịch sử văn hoá, các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh đang được duy trì, phát triển.

Tỉnh Hải Dương đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, có 178/178 xã, trong đó có 43 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 4 xã nông thôn mới kiểu mẫu và 12/12 đơn vị cấp huyện đã hoàn thành các tiêu chí và đạt chuẩn nông thôn mới; 11 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị. Năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 585.216/643.050 gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 91%; 1.293/1.334 làng, KDC văn hóa đạt danh hiệu làng, KDC văn hóa, đạt tỷ lệ 96,9%; 1.401/1.629 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt danh hiệu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa, đạt tỷ lệ 86%. 12/12 huyện, thị xã, thành phố và 235/235 xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa - thể thao; 1.296/1.342 thôn, KDC có nhà văn hóa đã phát huy công năng trong việc tổ chức các hoạt động, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, thể chất, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của nhân dân trong tỉnh.

Du lịch đã từng bước khai thác được các tiềm năng, thế mạnh về hệ thống di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh... hình thành những sản phẩm du lịch phục vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, đồng thời góp phần giới thiệu, quảng bá về văn hóa, con người Hải Dương đến với đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm phát động 02 cuộc thi sáng tác Tranh cổ động tỉnh Hải Dương (năm 2022 và năm 2023, nhận được trên 300 tác phẩm dự thi), đã trao nhiều giải thưởng, giấy chứng nhận cho các tác phẩm có giá trị nghệ thuật và sử dụng tác phẩm vào triển lãm, tuyên truyền nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Phát động các cuộc thi sáng tác Ảnh thời sự - nghệ thuật tỉnh Hải Dương năm 2022 và Cuộc thi ảnh “Nét đẹp Văn hóa - Du lịch Hải Dương” năm 2023, lựa chọn nhiều tác phẩm nghệ thuật có chất lượng cao để trao giải, triển lãm, tuyên truyền chính trị và quảng bá tiềm năng văn hóa, du lịch Hải Dương. Thủ công mỹ nghệ: các làng nghề truyền thống được quan tâm hỗ trợ, phát triển như: chạm khắc gỗ Đông Giao (Cẩm Giàng), gồm sứ Chu Đậu (Nam Sách), thêu Xuân Nẻo (Tứ Kỳ), vàng bạc Châu Khê (Bình Giang)… Điện ảnh phát triển một số cơ sở chiếu phim tư nhân đầu tư phòng chiếu, trang thiết bị công nghệ hiện đại như: Rạp chiếu phim Venus Cinema có 03 phòng chiếu phim (từ 50 chỗ đến 150 chỗ ngồi); Rạp RameStar có 03 phòng chiếu phim (từ 70 chỗ đến 150 chỗ ngồi), Rạp Lotte Cinema Hải Dương (thuộc Công ty TNHH Lotte Cinema Việt Nam) là doanh nghiệp liên doanh, có vốn đầu tư nước ngoài (Hàn Quốc) có 04 phòng chiếu (từ 166 ghế đến 231 ghế)… góp phần phục vụ nhu cầu giải trí của người dân đặc biệt là giới trẻ.

Đến nay số người tập luyện thường xuyên đạt 31% trên tổng số dân; số gia đình thể thao đạt 23% trên tổng số hộ gia đình; có trên 3.700 CLB, nhóm tập luyện TDTT; 100% trường học các cấp đảm bảo chương trình TDTT có chất lượng; 100% chiến sỹ trong lực lượng vũ trang đạt tiêu chuẩn “Chiến sỹ khỏe”. Trong 3 năm 2021 - 2023, các đội thể thao tỉnh Hải Dương tham dự các giải thể thao quốc gia, quốc tế đạt 183 HCV, 183 HCB, 211 HCĐ. Trong đó, tại Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2022 đạt 21 HCV, 19 HCB, 28 HCĐ, xếp vị trí 11/65 các tỉnh, thành, ngành có thành tích xuất sắc nhất. Toàn tỉnh hiện có 143 vận động viên đạt đẳng cấp, trong đó, 4 kiện tướng quốc tế, 58 kiện tướng, 12 dự bị kiện tướng, 69 VĐV cấp I.

Các nhà trường đẩy mạnh triển khai các nội dung chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục và đào tạo gắn với đổi mới công tác quản lý, đổi mới phương pháp dạy và học... nâng cao toàn diện ở tất cả các cấp học; các trường chú trọng xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện; Chất lượng đội ngũ nhà giáo ngày càng được nâng cao; phương pháp dạy học thường xuyên được đổi mới... nhằm tiếp tục đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo gắn với xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Từ năm 2021 đến tháng 2/2023, toàn tỉnh tuyển mới giáo dục nghề nghiệp được 76.187 người. Năm 2022, toàn tỉnh đã đưa 11.985 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia BHXH đạt 45,2%; 11.443 lao động được giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp; 26.040 lao động được thụ hưởng chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với tổng kinh phí gần 39 tỷ đồng.

Xây dựng hình ảnh “Người Hải Dương văn minh, hiếu học và khát vọng vươn lên” đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới, tỉnh Hải Dương đã tăng cường bồi dưỡng lòng yêu nước, tự hào dân tộc, tinh thần hiếu học và ý chí khát vọng vươn lên với nhiều hình thức phong phú, đa dạng; Xây dựng và nâng cao chất lượng các mô hình văn hoá; Phát huy hiệu quả quy ước, hương ước và các giá trị văn hoá truyền thống.

Thời gian tới, tỉnh Hải Dương tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, trọng tâm là xây dựng gia đình văn hóa, làng, khu dân cư văn hóa, cơ quan đơn vị đạt chuẩn văn hóa. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa ở cơ sở nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa và rèn luyện sức khỏe của nhân dân. Bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị di sản văn hoá phục vụ công tác giáo dục truyền thống xây dựng con người Hải Dương giàu tính nhân văn và hiện đại, gắn với khai thác phát triển du lịch. Đầu tư hạ tầng để phát triển các sản phẩm du lịch chất lượng cao, sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương. Duy trì và đẩy mạnh phát triển thể dục thể thao quần chúng, nâng cao sức khỏe thể chất, tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của nhân dân. Mở rộng các phong trào thể dục thể thao, các loại hình tập luyện và thi đấu thể thao; thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Từng bước xây dựng hình ảnh “Người Hải Dương văn minh, hiếu học và khát vọng vươn lên”, đáp ứng tốt yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay.

Bài của Nguyễn Thị Kim Hoa

Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 3 ra tháng 8 năm 2023

 

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.