Thông tin ứng dụng chuyển giao 2011-08-17 15:32:00

Ông Nguyễn Cao Đam - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học       Xử lý rơm ra dư thừa sau thu hoạch bằng chế phẩm sinh học thành phân bón hữu cơ trên địa bàn toàn tỉnh là một chủ trương lớn của Hải Dương vừa phục vụ sản xuất nông nghiệp bền vững, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Qua triển khai vụ chiêm xuân năm 2011, Kế hoạch xử lý rơm rạ đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, tạo tiền đề cho việc thực hiện kế hoạch dài hạn giai đoạn 2011-2015. Nhìn lại kết quả thực hiện vừa qua, ông Nguyễn Cao Đam – Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học (Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương), đơn vị thực hiện Kế hoạch, có đưa ra ý kiến đánh giá về những điểm còn vướng mắc và giải pháp tháo gỡ trong việc thực hiện Kế hoạch này.


- Thưa ông Nguyễn Cao Đam, Kế hoạch tổ chức xử lý rơm rạ trên địa bàn toàn tỉnh là kế hoạch dài hạn, được thực hiện trong giai đoạn từ nay đến năm 2015. Xin ông cho biết nội dung và mục tiêu cụ thể của Kế hoạch trong năm 2011?

Ông Nguyễn Cao Đam: Ngày 31 tháng 5 năm 2011, UBND tỉnh ra Quyết định về việc phê duyệt Kế hoạch khung tổ chức xử lý rơm, rạ dư thừa sau thu hoạch thành phân bón hữu cơ bằng chế phẩm sinh học phục vụ nông nghiệp, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường trên địa bàn toàn tỉnh. Theo Kế hoạch, năm 2011 Trung tâm tổ chức xử lý toàn bộ rơm, rạ dư thừa, dừng toàn bộ việc đốt và xả rơm, rạ ra đường giao thông, ao hồ, công trình thủy lợi... trên địa bàn 2 phường, 6 xã của thành phố Hải Dương và 11 xã ven thành phố ở các huyện Cẩm Giàng, Gia Lộc, Tứ Kỳ, Nam Sách, Thanh Hà. Đồng thời, triển khai xử lý 50% diện tích ở tất cả các xã thuộc hai huyện Bình Giang (18 xã), Thanh Hà (23 xã) và các xã điểm xây dựng nông thôn mới của các huyện còn lại. Mục tiêu của Kế hoạch là xử lý khoảng 20% diện tich lúa trong toàn tỉnh.

- Việc thực hiện Kế hoạch đã được triển khai như thế nào, thưa ông?

     Ông Nguyễn Cao Đam: Kế hoạch của UBND tỉnh hướng tới mục tiêu cụ thể là tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về tác hại của việc đốt, xả rơm rạ bừa bãi; hướng dẫn người dân sử dụng chế phẩm xử lý rơm rạ thành phân hữu cơ; đồng thời huy động các tổ chức đoàn thể, chính trị, xã hội ở các địa phương cùng vào cuộc để đến năm 2015 trên địa bàn tỉnh cơ bản không còn hiện tượng đốt hoặc xả bừa bãi rơm, rạ trên đường giao thông, công trình thủy lợi v.v.... Vì vậy, ngay sau khi triển khai Kế hoạch cấp tỉnh ngày 09/6/2011, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học đã thành lập tổ công tác chia thành 4 cụm tập huấn. Trên cơ sở đó các nhóm phối hợp với UBND huyện, thành phố, thị xã xuống làm việc trực tiếp với các xã tuyên truyền, vận động, lấy đăng ký thời gian tập huấn, số lượng người tham gia từ đó Trung tâm bố trí giáo viên, thuê thiết bị tập huấn và in ấn, photo tài liệu. Các buổi tập huấn được tổ chức tại hội trường UBND các xã tham gia; cán bộ của Trung tâm phối hợp với cán bộ phòng chuyên môn của huyện, giới thiệu tuyên truyền kế hoạch khung; tổ chức lên lớp tại hội trường rồi tổ chức thực hành ủ rơm, rạ trình diễn ngoài thực địa

- Ông có thể khái quát những kết quả đã đạt được trong vụ chiêm xuân vừa qua?

Ông Nguyễn Cao Đam: Vụ chiêm xuân năm 2011, việc thực hiện Kế hoạch đã đạt được kết quả bước đầu quan trọng. Trước hết là kết quả tập huấn, Trung tâm đã tổ chức 4 buổi tập huấn kỹ thuật tổ chức xử lý rơm, rạ bằng chế phẩm sinh học cho trên 200 đại biểu là lãnh đạo các phòng thường trực của 12 huyện, thị xã, thành phố, đại diện lãnh đạo UBND cấp xã, cán bộ trực tiếp chỉ đạo cấp xã của toàn bộ các xã trên địa bàn tỉnh thực hiện năm 2011. Đồng thời, tổ chức tập huấn cho 60 lớp với trên 6.000 lượt người dân để đào tạo kỹ thuật xử lý rơm, rạ, sử dụng phân bón hữu cơ từ rơm, rạ dư thừa cho cây trồng. Thông qua các lớp tập huấn các hộ nông dân đã hiểu được tác hại của việc đốt, xả rơm, rạ bừa bãi, nắm vững được quy trình kỹ thuật, cách tổ chức thực hiện. Hầu hết mọi người tham gia tập huấn cho rằng: quy trình kỹ thuật xử lý rơm, rạ dư thừa sau thu hoạch tương đối đơn giản và dễ áp dụng vào thực tế; kế hoạch này rất thiết thực với các hộ dân tạo ra lượng phân hữu cơ sử dụng sản xuất nông nghiệp và góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông thôn trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra có 05 xã ở Gia Lộc, Bình Giang, Chí Linh không tổ chức tập huấn chỉ thực hiện thực hành tại thực địa nhưng vẫn triển khai nhân rộng.
Về kết quả xử lý rơm, rạ: Tổng lượng rơm, rạ đã xử lý trong vụ Xuân năm 2011 là 9.192,0 tấn, đạt 77,9% lượng đăng ký tương đương với 1.838,4 kg chế phẩm sinh học. Lượng chế phẩm còn lại đã cấp cho các huyện là 334,4 kg chuyển sang vụ mùa xử lý tiếp. Trong đó, huyện Thanh Hà xử lý được 2.507 tấn rơm, rạ đạt trên 26% lượng rơm, rạ xử lý của toàn tỉnh.

- Trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch có gặp phải những khó khăn gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Cao Đam: Trong quá trình thực hiện, chúng tôi đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo và cấp kinh phí tổ chức thực hiện xử lý rơm, rạ theo hệ thống từ tỉnh đến cơ sở của UBND tỉnh. Quy trình kỹ thuật xử lý rơm, rạ đơn giản, dễ hiểu, dễ làm và đã được thực hiện thành công ở 02 huyện Bình Giang và Thanh Hà cũng là những thuận lợi lớn cho đơn vị thực hiện. Nhưng Trung tâm cũng gặp phải không ít những khó khăn vướng mắc cần tháo gỡ. Trước hết là vấn đề nhận thức của một số cán bộ quản lý các cấp về tính cấp bách và cần thiết phải thực hiện kế hoạch khung còn nhiều hạn chế. Trong khi việc triển khai tổ chức xử lý trong thời vụ quá gấp, lúc thực hiện thường bị mắc ở khâu trung gian, nhiều địa phương khi xuống xã làm việc thì huyện vẫn chưa có kế hoạch triển khai, mặt khác xuống tới các hộ dân việc huy động lao động khó khăn đang vào vụ thu hoạch lúa chiêm xuân nên người tham gia tập huấn và thực hiện xử lý còn ít. Cán bộ một số huyện, xã nhận thức chưa đầy đủ về quyết định số 1597/QĐ-UBND của UBND tỉnh ngày 31 tháng 5 năm 2011 và cho rằng đây là đề tài riêng của ngành khoa học.
Về phía các hộ nông dân, phần lớn người dân đã nhận thức được ý nghĩa của kế hoạch khung về xử lý rơm, rạ nhưng vẫn thích đốt rơm, rạ cho nhanh gọn. Nhất là, trong thời vụ thiếu nhân lực, việc lựa chọn vị trí đống ủ gặp nhiều khó khăn, do đường hẹp, hộ dân không muốn giành diện tích ủ tại ruộng, ngoài chế phẩm cấp phát kịp thời còn lại phụ gia NPK và nilon che đậy phải chờ đợi, mua chịu, nguồn nước tưới bổ sung gặp khó khăn, người dân quen sử dụng phân hoá học tiện lợi, đỡ tốn công lao động hơn, tâm lý ngại sử dụng phân hữu cơ.

- Vậy ông có đề xuất những giải pháp gì để khắc phục những khó khăn trên?

Ông Nguyễn Cao Đam: Để thực hiện tốt trong vụ mùa năm 2011 chúng tôi có đưa ra một số đề xuất sau: Đề nghị UBND tỉnh có chế tài xử lý vi phạm hành chính đối với cá nhân cố tình đốt và xả bừa bãi rơm, rạ ra đường giao thông, công trình thủy lợi ảnh hưởng đến an toàn giao thông và gây ô nhiễm môi trường; đồng thời, chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố vào cuộc quyết liệt chỉ đạo chính quyền cơ sở phối hợp chặt chẽ trong xử lý rơm, rạ vụ mùa năm 2011. Các địa phương cần quản lý chặt chẽ các hộ làm dịch vụ suốt lúa, cần quy định địa điểm suốt lúa để dễ dàng thu rơm phục vụ xử lý. Cần lấy Hội phụ nữ hoặc Hội nông dân làm lực lượng nòng cốt để thu gom và xử lý rơm, rạ.
Về phía đơn vị thực hiện, Trung tâm sẽ chủ động và kịp thời bố trí đủ chế phẩm, tập huấn và hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố và cơ sở trong việc xử lý rơm, rạ và hướng dẫn sử dụng phân hữu cơ sau khi xử lý đạt kết quả; chuẩn bị đầy đủ điều kiện để triển khai thực hiện việc xử lý rơm, rạ vụ mùa năm 2011 với quy mô, địa điểm rộng hơn./.

- Vâng. Xin cảm ơn ông về cuộc nói chuyện hôm nay!
Hải Dương, ngày 15 tháng 8 năm 2011.

Thực hiện: Anh Nguyên
Trung tâm Thông tin KHCN và Tin học Hải Dương

 

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.