Thông tin TC-ĐL-CL 2014-03-26 20:36:58

Giày làm nhái theo các thương hiệu nổi tiếng, được trà trộn cùng hàng thật bày bán công khai tại các cửa hàng, lề đường. Người tiêu dùng không chỉ bị thiệt hại về túi tiền, mà sức khỏe cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.


Lần theo dấu vết giày giả trên thị trường
        Vừa qua, đường dây nóng báo Đời sống và Pháp luật nhận được hàng loạt phản ánh của nhiều bạn đọc về việc mua phải các loại giày thể thao nhái các thương hiệu Adidas, Nike, Codad... Các loại giày nhái này được sản xuất bằng chất liệu kém, có chất keo rởm làm ảnh hưởng sức khỏe, gây ra nhiều bệnh về da. Khi mang các loại giày nhái này trong tập luyện thể thao, nhiều người gặp phải những chấn thương nghiêm trọng. Trước thông tin gây sốc trên, PV báo Đời sống và Pháp luật đã vào cuộc tìm hiểu.
Ghi nhận thực tế tại nhiều cửa hàng, điểm bán vỉa hè dụng cụ thể thao tại khu vực TP.HCM, PV thấy xuất hiện rất nhiều mẫu giày thể thao nhái của các thương hiệu nêu trên. Không những thế, tại các khu vực miền Tây, miền Trung, Tây Nguyên và cả khu vực phía Bắc giấy nhái cũng được bày bán tràn lan. Anh Nguyễn Hải (ngụ quận 3) bức xúc: "Tôi đã ngậm phải quả đắng khi mua loại giày nhái, khi sử dụng toàn bộ vùng da chân bị phồng lên vô cùng ngứa ngáy. Thậm chí, một số người bạn của tôi còn gặp phải những chấn thương nghiêm trọng do mang giày thể thao nhái".
Để hiểu rõ hơn về các loại giày nhái, PV liên hệ gặp ông Nguyễn Ngọc Đức, Giám đốc công ty TNHH thể thao Đức Huy (quận Thủ Đức, TP.HCM), công ty sở hữu nhãn hiệu Codad đang được nhiều bạn đọc báo Đời sống và Pháp luật phản ánh mua phải hàng nhái. Ông Đức cho biết, thời gian qua, người dân tập luyện thể thao thường xuyên tìm mua các thương hiệu giày thể thao có uy tín tại Việt Nam như Adidas, Nike, Codad... sử dụng nhằm tránh để xảy ra các chấn thương đáng tiếc. Tuy nhiên, người dân không thể ngờ rằng, các loại giày nhái xuất hiện tràn ngập tại nhiều cửa hàng, điểm bán hàng lề đường tại TP.HCM. Các loại giày nhái này được các cơ sở làm nhái từ màu sắc, kiểu dáng, thậm chí cả thương hiệu. Để tiêu thụ dễ dàng mặt hàng kém chất lượng này, các chủ cửa hàng, điểm bán đã trà trộn với hàng thật để đánh lừa người dân tìm mua.
Ông Đức cho biết thêm: "Thực tế cho thấy, có rất nhiều kẻ chỉ ăn không, ngồi rồi, làm giả, làm nhái sản phẩm có thương hiệu, kiếm lợi bất chính. Thời gian vừa qua, công ty của tôi với thương hiệu Codad với các dòng sản phẩm như Rocket, Karos, Acura, Everet, Tom - 07, Jerry.10... bị rất nhiều cơ sở tham gia sản xuất hàng nhái tung ra thị trường. Mới đây, sản phẩm giày Karos của công ty tôi được đăng hình trên mạng để dò ý người tiêu dùng. Tuy nhiên, khi sản phẩm chưa kịp đưa ra thị trường thì đã có người bán mẫu giày giống hệt".
Không chỉ có ông Đức lên tiếng tố cáo, một đại diện thương mại thương hiệu Nike tại Việt Nam cho biết, các mẫu giày thể thao Nike đang được người dân ưa chuộng cũng đang bị nhiều cá nhân, cơ sở làm nhái từ A-Z. Các loại giày nhái này đều có chất lượng vô cùng dở. Bà Nguyễn Thị Lan, đại lý kinh doanh giày thương hiệu Adidas, cũng bày tỏ: "Vài năm trở lại đây, giày thể thao nhái các thương hiệu nổi tiếng tại Việt Nam xuất hiện rất nhiều. Thương hiệu giày Adidas mà tôi đang kinh doanh cũng đang bị sản xuất giả một cách tràn lan".
Phát hiện "lò giày nhái": Cần là có!
Qua tiếp xúc với nhiều "đầu nậu" chuyên phân phối hàng nhái tại khu vực TP.HCM, PV lần ra được một cơ sở chuyên sản xuất các loại giày nhái các thương hiệu Adidas, Nike, Codad... nằm tại con hẻm trên đường Nguyễn Văn Quá (phường Đông Hưng Thuận, quận 12, TP.HCM), do người đàn ông tên Quyền làm chủ. Bằng nghiệp vụ, PV nhanh chóng có số điện thoại di động 0934102... của ông Quyền và gọi điện liên hệ.Qua điện thoại, PV lấy lý do là mới mở sân bóng và có nhu cầu mở đại lý phân phối ở khu vực Tây Nguyên thì ông Quyền mới hẹn gặp. Ngay sau đó, PV có mặt trong xưởng của ông Quyền. Lúc này, trong xưởng chỉ có 12 công nhân đang làm việc. Ông Quyền cũng cho biết tại xưởng này chỉ làm công đoạn cuối cùng là đóng đế giày, còn mọi công đoạn gia công khác từ nguyên vật liệu cho đến dập khuôn theo mẫu được thực hiện tại xưởng rộng hơn 3000m2 ở huyện Bình Chánh.
Sau vài câu dò hỏi, ông Quyền nghĩ PV là những "con mồi lớn" nên tìm cách mồi chài. Ông Quyền cho biết cơ sở của ông có rất nhiều kiểu giày mà thị trường đang bán.
Một số kiểu mà ông đang sản xuất và chuẩn bị xuất ra thị trường như mẫu giày Victo SHW 701, Victo SH800, Adidas (Adizero F50), Victo-Rocket, Nike-CR7,... Tất cả những loại này đều có mẫu mã rất giống hàng chính hãng. Để thuyết phục PV lấy hàng, ông Quyền đưa giá bỏ sỉ "rất bèo". Thấy PV có vẻ lưỡng lự, ông Quyền trấn an: "Nếu có ý định lấy hàng về bán, hoặc muốn làm đại lý phân phối hàng... anh sẵn sàng bao tiêu tất cả các loại giấy tờ về bản quyền, mẫu mã... đầy đủ".
696608
Ông Quyền đang giới thiệu giày nhái cho phóng viên

Tiếp đó, hàng loạt các kiểu giày thể thao được ông Quyền đưa ra giới thiệu. Ông Quyền cho biết nhiều loại giày ông sẵn sàng "bao" giấy tờ như: Victo-Rocket, Victo-Arrow...Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, hai mẫu giày này cũng là hàng nhái thương hiệu nước ngoài.
Riêng với hai loại giày hiện đang được sản xuất trong xưởng của ông đó là Adidas và Nike thì ông không chịu trách nhiệm. PV thắc mắc thì ông Quyền thẳng thắn: "Đó là những mặt hàng trôi nổi, làm bán thôi chứ không có đăng ký nhãn mác gì cả, cứ lấy về bán đi, bày ít đôi ra thôi hết lại đưa ra, với lại cũng không có ai kiểm tra đâu mà lo".
Ông Quyền còn cho biết hiện tại cơ sở của ông sản xuất và cung cấp cho hai cửa hàng ngoài Hà Nội, một cửa hàng ở TP.HCM. Trước đây, ông Quyền còn xuất qua Lào, Campuchia...
Gửi mẫu qua mail là có hàng
Nghĩ là cơ sở này còn những đôi giày khác chưa được giới thiệu, PV tìm cách liên lạc lại với ông Quyền sau vài ngày. Phóng viên hỏi ông Quyền một số mẫu giày mới mà thị trường Tây Nguyên đang chuộng như mẫu chữ (A) (thương hiệu của Codad - PV). Nghe xong, ông Quyền quả quyết không có hàng.
Tuy nhiên, ngày 29/12, PV nhận được cuộc gọi từ ông Quyền báo là trong cơ sở của ông có loại giày chữ (A) mẫu Rocket. Ông Quyền cho biết vì hồi trước ông có làm giày cho một cơ sở ở Cần Thơ, Hà Nội nên còn dư lại 100 đôi. Khi PV hỏi chữ (A) là của hãng nào thì ông Quyền cho biết là của thương hiệu Codad, nhưng ông không chịu trách nhiệm về bất cứ loại giấy tờ nào. PV hẹn lại ông Quyền ngay ngày hôm sau sẽ xuống lấy mẫu chữ (A) về chào hàng bán thử.
Chiều 30/12, PV có mặt ở cơ sở như đã hẹn nhưng ông Quyền vắng mặt. Người tiếp chúng tôi tên là Đ. và sau đó là vợ ông Quyền tên T.. Bà T. cho biết nếu PV có nhu cầu làm tiếp hàng chữ (A) thì liên lạc với ông Quyền để làm khuôn mới sản xuất thêm.
Ngay khi nhận được hàng, PV gọi điện lại cho ông Quyền thông báo mình vừa lấy hai đôi giày chữ (A), một đôi giày Nike và một số đôi khác, đồng thời cũng đã gửi hình ảnh cho bạn hàng và bạn hàng rất thích thú. Ông Quyền kêu PV cứ làm đi, nếu cái nào được thì báo ông.
Khi PV đề cập vấn đề muốn đặt hàng số lượng lớn thì bao lâu mới có. Ông Quyền cho biết là rất nhanh và đơn giản. Có gì cứ báo ông là có tất. PV đề cập đến việc sẽ lấy khoảng 600 đôi giày bao gồm: Giày chữ (A), giày Nike, và một số loại khác thì ông Quyền kêu bao nhiêu đôi cũng được. Ông Quyền còn nói loại nào ông cũng làm được, chỉ cần đưa mẫu qua email đặt là ông sẽ làm và báo bao nhiêu ngày có là có hàng.
Vi phạm bản quyền trắng trợn
Ông Nguyễn Ngọc Đức khẳng định: "Những đôi giày mà PV báo Đời sống và Pháp luật cung cấp hoàn toàn là giày nhái của Codad từ logo, mẫu mã, kiểu dáng cho đến thương hiệu... Đây là hành vi vi phạm bản quyền vô cùng trắng trợn".
Bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Luật sư Nguyễn Đăng Liêm, Thành viên hội Luật gia Châu Á, cho biết: "Đối với hành vi sản xuất hàng nhái quy mô lớn, cá nhân, tổ chức có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đối với cá nhân nếu bán hàng nhái sẽ bị cơ quan chức năng tịch thu hàng hóa, phạt hành chính tối đa 200 triệu đồng, còn đối với các đại lý phân phối, ngoài việc tịch thu hàng hóa, còn bị phạt hành chính tối đa 400 triệu đồng"
                                                                      Theo: http://hangthathanggia.com.vn/

Tin khác

TCVN 13975:2024 áp dụng đối với sơn sần dạng nhũ tương nhựa tổng hợp (29/07/2024)

Tiêu chuẩn RDS – Chìa khóa vàng giúp ngành dệt may phát triển bền vững (23/07/2024)

Thúc đẩy tiếp cận và sử dụng năng lượng sạch thông qua xây dựng TCVN về pin lưu trữ năng lượng (21/07/2024)

Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật đối với túi nhựa dùng một lần (18/07/2024)

TCVN 13992:2024 về thu thập thông tin đối với chuỗi cung ứng đồ chơi trẻ em (17/07/2024)

Cà Mau: Hỗ trợ doanh nghiệp OCOP áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (16/07/2024)

Phát triển tiêu chuẩn kỹ thuật về trạm sạc, đưa xe điện đến gần hơn với người tiêu dùng (10/07/2024)

ISO tập trung xây dựng tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên về Net Zero (03/07/2024)

Khoa học công nghệ: Chìa khóa tạo sức cạnh tranh cho doanh nghiệp (16/06/2024)

Truy xuất nguồn gốc thủy sản theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13991:2024 (09/06/2024)

Bàn giải pháp nâng cao năng suất lao động quốc gia (21/05/2024)

Bắc Giang triển khai Giải thưởng Chất lượng Quốc gia năm 2024 (08/03/2024)

Hơn 1.600 chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn chất lượng trong nước và quốc tế (03/03/2024)

Nhanh chóng hoàn thiện và ban hành Quy chuẩn quốc gia về thiết kế đường cao tốc (26/02/2024)

Tiêu chuẩn ISO 56000:2020 về quản lý đổi mới sáng tạo thúc đẩy tăng trưởng bền vững (30/08/2023)

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.