Quản lý đo lường 2011-05-27 07:59:09

Báo Le Monde của Pháp ngày 23-5 đã gây chấn động với thông tin: có 400 loại dược mỹ phẩm chứa Parabens, là thành phần chất bảo quản có khả năng gây ung thư vú và vô sinh ở nam.

 

Đáng nói là trong đó có nhiều mỹ phẩm cho trẻ em như kem dưỡng da chống nắng Biafine, nhiều loại xirô trị ho (Clarix, Codotussyl, Drill, Hexapneumine, Humex, Pectosan, Rhinathiol), thuốc trị đau dạ dày (Maalox, Gaviscon), thuốc trị tiêu chảy (Motilium) hoặc trị nôn (Primperan), thuốc kháng sinh (Josacine, Zinnat), thuốc hạ sốt giảm đau (họ Ibuprofene và Paracetamol)...

Chất Parabens vẫn thường được sử dụng làm chất bảo quản trong 80% mỹ phẩm, nhiều loại thực phẩm và dược phẩm để chống nấm mốc phát triển và vi sinh vật có hại cho con người.

Cơ quan an toàn sức khỏe Pháp về các sản phẩm cho sức khỏe đang hợp tác cùng nhiều hãng dược để nghiên cứu về tính độc hại của chất bảo quản này. Kết quả nghiên cứu có thể được công bố vào tháng 11 tới. Về sự chậm trễ này, ông Vincent Gazin - trưởng nhóm nghiên cứu - giải thích: “Số 400 loại dược mỹ phẩm có chứa Parabens thuộc 80 hãng dược khác nhau”.

nguoiduatin-mypham







Người tiêu dùng châu Âu lựa chọn mỹ phẩm tại một cửa hàng - Ảnh: tt-group.net

Thật ra ngay từ năm 2004, giới chuyên gia y tế của Anh đã lên tiếng cảnh báo khi họ phát hiện những chứng cứ cho thấy chất Parabens trong tế bào của nhiều phụ nữ ung thư vú. BBC cho biết vào thời điểm đó, các nhà khoa học đã lên tiếng kêu gọi các nhà sản xuất hóa mỹ phẩm của châu Âu nên xem xét lại việc sử dụng chất bảo quản này.

Tiến sĩ Philippa Darbre và các đồng nghiệp ở Đại học Reading đã đưa ra chứng cứ là các mẫu tế bào ung thư vú ở 20 người khác nhau đều có chứa Parabens. Xét nghiệm cho thấy chất Parabens đã tích tụ trong tế bào của những người này sau thời gian dài thẩm thấu qua da.

Ngay sau khi phát hiện này được công bố trên tạp chí Journal of Applied Toxicology - một tạp chí chuyên nghiên cứu về chất độc, tiến sĩ Philip Harvey, chủ biên của tạp chí này ở khu vực châu Âu, đã thẳng thừng yêu cầu nhà chức trách kiểm định các hóa chất tương tự Parabens được sử dụng trong các loại mỹ phẩm dùng ở vùng da dưới cánh tay.

Song lúc đó, một số ý kiến lại cho rằng kết quả nghiên cứu trên chỉ ở quy mô nhỏ và khuyến cáo cần có những chứng cứ khoa học thuyết phục hơn bằng việc mở rộng theo dõi và điều nghiên tác hại của Parabens cũng như các hóa chất khác.

Vấn đề càng gây chú ý hơn vào ngày 3-5-2011 khi Hạ viện Pháp nhanh chóng thông qua dự luật cấm sử dụng những chất có khả năng gây rối loạn nội tiết, trong đó có Phthalates và Parabens. Theo giải thích của dự luật, chất Parabens “bị nghi ngờ gây ung thư vú ở phụ nữ và nguy hại cho khả năng sinh sản của nam giới”.

Dự luật còn phải chờ Thượng viện Pháp thông qua mới chính thức có hiệu lực, nhưng nó đang làm rúng động giới dược phẩm Pháp cũng như các ngành công nghiệp liên quan vì phải nhanh chóng tìm chất bảo quản thay thế. Đó là chưa kể việc phải thu hồi các sản phẩm có chứa Parabens đang bán trên thị trường.

Trong khi chờ đợi một kết luận khoa học xác đáng từ các hiệp hội sức khỏe, người tiêu dùng đang lo ngại khi sử dụng những dược mỹ phẩm có nguy cơ chứa chất gây độc hại cho sức khỏe và họ đang bắt đầu lên tiếng... “Các công ty hóa mỹ phẩm phải chịu trách nhiệm về chuyện tồi tệ này. Đây là thời điểm chúng ta cần chất vấn các công ty hóa mỹ phẩm vì sao họ đã làm chuyện tồi tệ này và đòi hỏi họ phải đảm bảo yêu cầu an toàn cho người tiêu dùng” - Lorraine, một người tiêu dùng ở Canada, đòi hỏi.

"Không nên hoang mang vì thuốc có chất nghi gây ung thư"

Không phủ nhận cảnh báo nguy cơ gây bệnh của parabens, tuy nhiên Phó giáo sư - Tiến sĩ Trương Văn Tuấn, giảng viên bộ môn Bào chế - ĐH Y dược TP HCM cho rằng người dân không nên quá hoang mang.

Ông Tuấn cho biết, parabens là tên gọi chung của Nipagin có tác dụng kháng nấm và Nipasol có khả năng kháng khuẩn. Parabens có trong thuốc, thực phẩm thuộc dạng mềm hoặc dạng lỏng như sirô, hỗn dịch, nhũ tương, thuốc keo lỏng, thuốc nhỏ mắt, kem bôi ngoài da.

Các loại thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm này vốn không dùng hết được một lần (tức người dùng mở nắp ra, đậy nắp lại). Mục đích của việc sử dụng parabens trong sản phẩm là để vi khuẩn và nấm khi xâm nhập không thể phát triển. Loại chất bảo quản này không có mặt trong các loại thuốc thuộc dạng viên nén vì loại này rất ít bị vi khuẩn và nấm tấn công.

Theo tiến sĩ Tuấn, parabens là chất bảo quản vừa rẻ, hiệu quả. Từ nhiều năm nay paraben đã được các cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm ở Mỹ, châu Âu cho phép sử dụng mà chưa có một cảnh báo chính thống nào về tác hại hay khả năng gây ung thư.

"Ngay cả thực phẩm cơ bản như muối, đường, nếu dùng quá nhiều cũng không có lợi cho sức khỏe. Chính vì thế, việc cảnh báo để người dân cảnh giác là đúng đắn, nhưng người bệnh không nên vì thế mà hoang mang đến độ bỏ dùng thuốc", ông Tuấn nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Vĩnh, Trưởng phòng Quản lý dược, Sở Y tế TP HCM cho biết, rất nhiều loại dược phẩm có sử dụng parabens đã có mặt tại thị trường cả nước một cách chính thống. Tức chúng được cấp phép lưu hành.

"Nhiều nhất là mỹ phẩm, nhưng tất nhiên mỗi loại sản phẩm đều có liều lượng parabens ở mức cho phép", ông Vĩnh nói.

Tại TP HCM khảo sát của báo cho thấy, rất nhiều loại thuốc nhỏ mắt, kem thoa ngoài da và các loại sirô chứa có chứa thành phần parabens.

Ngày 24/5, báo Le Monde của Pháp đưa tin về 400 loại thuốc thuộc 80 hãng dược khác nhau có chứa parabens (chất bảo quản có nguy cơ gây ung thư). Nhiều loại sản phẩm được nêu danh như kem dưỡng da chống nắng, sirô ho, thuốc trị đau dạ dày, thuốc chống nôn, thuốc uống chữa các bệnh tim mạch, thuốc kháng sinh, thuốc chống suy nhược...

Tại Việt Nam, Cục quản lý dược (Bộ Y tế) cũng vừa có công văn gửi sở y tế các tỉnh thành thông tin này; đồng thời yêu cầu Trung tâm Quốc gia về Thuốc và Theo dõi phản ứng có hại của thuốc, thu thập, cung cấp các thông tin, dữ liệu nghiên cứu lâm sàng có liên quan đến parabens. Những kết quả thông tin này phải gửi về Cục để xem xét, đánh giá.

Nguồn đọc thêm:


Tin khác

Tự động hóa công nghiệp - bước ngoặt lớn trong lĩnh vực đo lường (23/07/2024)

Muốn đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa phải đảm bảo về đo lường (07/03/2023)

Thông tư 10/2022/TT-BKHCN sửa đổi bổ sung một số điêu của Thông tư số 28/2013/TT-BKHCN ngày 17 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (14/09/2022)

Tăng cường đổi mới hoạt động đo lường cho 33 ngành, lĩnh vực trọng tâm (17/05/2021)

Tổ chức hỗ trợ kiểm định cân khối lượng tại Chợ tạm Phú Yên và Chợ Con, TP Hải Dương (01/06/2020)

Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL Trần Văn Vinh: Khung pháp lý về đo lường của Việt Nam hài hòa với khu vực và quốc tế (07/11/2019)

Phát triển hạ tầng đo lường quốc gia theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng hội nhập quốc tế (21/04/2019)

Hội thảo “hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế và kỷ niệm ngày đo lường Việt Nam 20-1” (20/01/2019)

Kết quả kiểm tra về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và nhãn hàng hóa vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường tháng 8 năm 2018 (11/09/2018)

Sửa đổi, bổ sung Khoản 7 Điều 6 Thông tư số 15/2015/TT BKHCN của Bộ trưởng Bộ KHCN (12/07/2018)

Thông tư 15 không quy định cây xăng ‘phải in chứng từ cho khách hàng’ (08/07/2018)

Kết quả kiểm tra về đo lường, chất lượng, nhãn hàng hóa vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường tháng 4 năm 2018 (02/05/2018)

Phổ biến phép đo khối lượng trong thương mại bán lẻ theo Thông tư 09/2017/TT-BKHCN (01/05/2018)

Tập huấn nghiệp vụ kiểm tra nhà nước về Đo lường dành cho cán bộ cấp huyện (28/03/2018)

Hướng dẫn việc gắn thiết bị in chứng từ bán hàng cho cột đo xăng dầu (26/02/2018)

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.