Trong những năm gần đây, các chương trình, chính sách an sinh của Nhà nước như chương trình xây dựng cụm tuyến dân cư, chương trình xây dựng nông thôn mới… nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ngày càng nhiều. Tại tỉnh Đồng Tháp, các công trình xây dựng ở vùng nông thôn như trường học, trạm y tế, trụ sở các cơ quan nhà nước… cũng được quan tâm đầu tư xây dựng.
Nhiều công trình đã và đang xây dựng ở các vùng đất yếu (như tại các huyện Tháp Mười, Châu Thành, Lai Vung…) kéo theo các giải pháp xử lý nền móng rất tốn kém và đôi khi còn không đảm bảo ổn định cho công trình.
Chất lượng công trình là yếu tố quan trọng hàng đầu trong công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng. Đối với các công trình ở những khu vực đất yếu, khu vực vùng sâu vùng xa của tỉnh Đồng Tháp thì một giải pháp nền móng hiệu quả về mặt kỹ thuật, kinh tế nhằm đảm bảo khả năng chịu lực, ổn định cho công trình với chi phí hợp lý là nhu cầu cấp thiết. Chính vì vậy, việc nghiên cứu “Gia cố nền đất yếu bằng phương pháp xi măng hóa theo công nghệ khoan, phun siêu áp”là rất cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu về giải pháp xử lý nền móng công trình trên đất yếu ở địa bàn tỉnh.
Đề tài đã tiến hành nghiên cứu thực nghiệm tại 3 công trình có địa chất yếu gồm: Trường mẫu giáo Đốc Binh Kiều, Trụ sở UBND xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười và Trường mẫu giáo Nha Mân, huyện Châu Thành. Kết quả nghiên cứu cho thấy, cường độ các mẫu xi măng - đất được trộn trong phòng thí nghiệm từ các mẫu đất tại khu vực nghiên cứu đã tăng đáng kể, mẫu đất trộn xi măng trong phòng ở 28 ngày có sức chịu nén đơn lên tới 130 T/m2; khả năng chịu lực của nền móng công trình sau khi tiến hành khoan, bơm xi măng đất đã được cải thiện đáng kể (có vị trí sức chịu tải giới hạn lên đến gần 16 T/m2 so với khoảng 6-8 T/m2 của đất tự nhiên); cường độ của mẫu xi măng đất lấy tại hiện trường lúc 28 ngày tuổi tăng lên đến 60 lần so với đất tự nhiên…
Đây là đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh do Sở Xây dựng làm đơn vị chủ trì và ThS Nguyễn Thị Thanh Phương làm chủ nhiệm được tổ chức đánh giá nghiệm thu ngày 7.1.2016 tại Sở KH&CN Đồng Tháp. Theo đánh giá của Hội đồng do TS Dương Nghĩa Quốc làm chủ tịch, nhóm nghiên cứu đã thực hiện khối lượng nghiên cứu phù hợp với đề cương hợp đồng, có tính ứng dụng cao, hồ sơ hoàn thiện công trình tại 3 điểm thí nghiệm. Hội đồng đã nhất trí đánh giá nghiệm thu và xếp đề tài đạt loại khá.
Nguồn: khoahocvacongnghevietnam.com.vn