Các nhà nông học đã đem một số loại nấm từ nước ngoài về, để nghiên cứu, thử nghiệm quy trình trồng trọt, tăng năng suất và giá trị, làm giàu cho nông dân Việt… Làm giàu từ trồng nấm
Những thửa ruộng trồng nấm ở xã Liên Nghĩa, huyện Văn Giang, Hưng Yên lúc nào cũng đông khách đứng chờ mua, mỗi khi thu hoạch. Đây là nơi thí điểm trồng loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, của Viện Di truyền nông nghiệp. Nấm ngay sau khi được đưa lên bờ đã được các nhà hàng, doanh nghiệp, cá nhân… đặt mua hết.
Kỹ sư Nguyễn Thị Sơn, Chủ trì Chương trình KC04.DA05/06-10 “Hoàn thiện công nghệ sản xuất theo hướng công nghiệp một số loại nấm ăn có giá trị cao phục vụ nội tiêu và xuất khẩu” cho biết, tuy mỗi tháng nơi đây sản xuất vài tấn nấm nhưng vẫn không đủ bán. Khác với nấm thông thường bán ở chợ, nấm Trân châu, Sò vua, Kim châm ở đây ăn ngon hơn, giòn hơn, giàu chất đạm và axit amin… mà lại đảm bảo vệ sinh vì không dùng hóa chất bảo quản.
Nhà khoa học nữ này tính toán, với một người nông dân bình thường, mỗi tháng có thể làm ra được 2 tấn nấm, đem lại lợi nhuận từ 6 – 12 triệu đồng.
Đặc biệt là ở những nơi vùng cao, vùng sâu, vùng xa… có khí hậu phù hợp với loại cây trồng này. Ở đó lại sẵn nguyên liệu như gỗ, mùn cưa, rơm rạ. Với mỗi tấn rơm rạ, thay vì bỏ đi hoặc đốt như hiện nay, nếu trồng nấm, người dân có thể lãi được 7 triệu đồng. Việc nhân rộng trồng nấm ở những vùng kinh tế khó khăn, phá thế độc canh cây lúa, giúp người nông dân làm giàu trên mảnh ruộng của mình… đang là mục tiêu hướng tới của các nhà khoa học Viện Di truyền nông nghiệp.
Mang nấm từ nước ngoài về Việt Nam
Nhớ lại đầu năm 2006, Kỹ sư Nguyễn Thị Sơn và đồng nghiệp qua khảo sát đã nhận ra nhiều loại nấm “hái ra tiền” của Hàn Quốc, Trung Quốc… rất phù hợp với khí hậu Việt Nam. Trồng nấm không quá phức tạp, mà lại không phải “một nắng hai sương”, lam lũ như trồng lúa. Thế là ý tưởng đưa cây trồng này về Việt Nam, làm giàu cho bà con mình đã được các nhà khoa học nghĩ ra và bắt tay thực hiện.
Dự án được thực hiện hơn hai năm rưỡi, với đầu tư ít ỏi của Nhà nước, nhưng cũng không ngăn được bước chân của các nhà nông học đi đến những cánh đồng ở Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hưng Yên… để khảo nghiệm, đánh giá và đề ra quy trình trồng trọt, chăm sóc tốt nhất.
Để làm được điều đó, họ gần như phải lao động như những người nông dân làm đồng: cũng vun đất làm luống, cùng tưới cây, thử các loại phân bón… Tối đến, họ lại miệt mài ghi chép các số liệu để phân tích, so sánh…
Kết quả là Kỹ sư Sơn cùng đồng nghiệp đã hoàn thiện được quy trình công nghệ sản xuất giống và nuôi trồng nấm Trân châu, Sò vua, Kim châm từ nguồn giống gốc; Xây dựng được 3 mô hình trồng nấm ăn công nghiệp có giá trị cao ở Hà Nội, Lạng Sơn, Quảng Ninh, các mô hình này là nơi giới thiệu nhân rộng ra cho các địa phương; Tạo ra được các quy trình sơ chế, bảo quản, chế biến cho 3 loại nấm. Cán bộ thực hiện dự án đã nắm vững, chủ động hoàn toàn về công nghệ nhân giống, nuôi trồng, chế biến 3 loại nấm và đã đi chuyển giao công nghệ cho các địa phương…
Dự án tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho khoảng gần 100 lao động phổ thông. Lợi nhuận thu về sau khi kết thúc dự án đạt 851,664 triệu đồng và cùng thời gian này đã chuyển giao công nghệ và xây dựng nhà xưởng sản xuất cho các cơ sở với quy mô từ 15 – 20 tấn/ năm thu về 120 triệu đồng .
Kết quả nghiên cứu đã được được tặng cúp vàng Techmart Việt nam Asean +3 về công nghệ nuôi trồng nấm Trân châu, Sò vua, Kim châm năm 2009 của Bộ KH&CN.
Mong muốn được nhân rộng
Tuy nấm ăn và nấm dược liệu đã được đưa vào Chiến lược sản phẩm quốc gia nhưng việc nhân rộng trồng trọt loại thực phẩm này vẫn cần sự đầu tư của nhà nước.
Nói chuyện cùng với chúng tôi, “những nhà khoa học về nấm” vẽ nên ước mơ về những người nông dân quê họ không phải lên thành phố làm đủ mọi nghề mưu sinh. Mà ngược lại, có thể sản xuất nấm và làm giàu ngay tại quê nhà. Họ mong muốn, được nhân rộng các mô hình đã được nghiệm thu tốt trên nhiều địa phương cả nước, được tiếp tục nghiên cứu và tìm ra các quy trình trồng trọt ngày càng hiệu quả cao hơn./.
(Nguồn: VietQ.vn- VPCT)