Phá hủy hệ thần kinh và muôn vàn biến chứng khác là tác hại mà loại sứa giả tẩm hóa chất độc hại có thể gây nên cho người tiêu dùng.
Nguy hại sức khỏe từ sứa giả
Ngày 10/5, cảnh sát miền Đông Trung Quốc thông báo đã đột kích 2 cơ sở sản xuất sứa giả tại các tỉnh Chiết Giang và Giang Tô. Điều đáng nói, chỉ vỏn vẹn 2 cơ sở này, cảnh sát đã thu giữ tới 10 tấn nguyên liệu đang trộn hóa chất để chuẩn bị tuồn ra thị trường.
Cách thức làm sứa giả vô cùng đơn giản, đó là trộn 3 loại hóa chất gồm axit alginic, phèn amoni và canxi clorua khan chung với nhau. Sau khi thành phẩm, hàm lượng nhôm trên 1 kg sứa lên tới 800 mg, vượt 8 lần giới hạn an toàn ở Trung Quốc.
Bình thường, để nuôi được 0,5 kg sứa đến lúc thành phẩm phải mất 40 ngày, với giá bán buôn trung bình từ 100.000 - 130.000đ. Trong khi đó, sứa nhân tạo có giá rẻ hơn 1 nửa bởi sản xuất ít tốn thời gian.
Theo nhận định từ các chuyên gia sức khỏe Trung Quốc, việc ăn quá nhiều loại sứa kém chất lượng này còn gây ra cơ số những nguy hại đối với sức khỏe. Trong sứa giả, Alginate là một chất phụ gia làm đông ít gây nguy hại. Tuy nhiên, chất này lại chứa nhiều cellulose. Nếu hấp thụ quá nhiều cellulose lại ảnh hưởng không nhỏ tới hàm lượng các chất dinh dưỡng khác.
Thành phần làm sứa giả có chứa amoni nhôm sulfat. Khi cơ thể phải tiếp nhận lượng nhôm quá lớn, việc hấp thụ canxi và sắt sẽ bị suy giảm, hậu quả kéo theo đó là thiếu máu, loãng xương. Về lâu về dài, toàn bộ khung xương có thể bị tổn hại mà khó lòng chữa trị, phục hồi.
Đặc biệt, sứa giả tẩm hóa chất độc hại còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí phá hỏng hệ thần kinh, tăng nguy cơ thiểu năng ở trẻ nhỏ, suy nhược thần kinh ở người lớn và bệnh Alzheimer đối với người cao tuổi.
Hãy bảo vệ chính mình
Trước nguy cơ hàng tấn sứa giả làm từ hóa chất độc hại đổ vào nước ta, người tiêu dùng cần chuẩn bị những kinh nghiệm nhất định cho loại thực phẩm này. Anh Nguyễn Minh Sơn, chủ một cửa hàng bán hải sản trên phố Yên Hòa – Hà Nội chia sẻ, việc nhận biết sứa thật giả tuy không khó nhưng đòi hỏi kinh nghiệm của người tiêu dùng.
Theo đó, nhìn vào bề ngoài sứa thật sẽ có màu trắng hoặc ngà ngà vàng, hơn thế có mùi nước biển và mùi tanh của sứa tươi. Khi chế biến, sứa thật sẽ có hương vị thơm ngon, đậm đà, ăn rất giòn, không bị cứng. Không chỉ vậy, sứa thật còn có hương vị thơm ngon, khi nhai còn phát ra âm thanh sần sật.
Người tiêu dùng có thể phát hiện ra sứa giả nhờ đặc điểm nổi bật nhất của nó là có màu trong suốt, không vị, rất dai. Sứa giả không có màu trắng hoặc vàng nhạt như sứa giả mà có màu trong suốt giống như bột sắn dây nấu lên vậy. Đặc biệt loại sứa này rất dai, thậm chí dùng tay kéo căng cũng không đứt được. Hơn thế sau khi thả vào nước thì độ dai của sứa giả sẽ càng mạnh hơn. Loại sứa này không có mùi tanh của hải sản, khi chế biến cũng không có vị và ăn rất dai, không giòn.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, nguy cơ sứa giả với thị trường nước ta không cao, giá thành của loại sứa giả này khi vận chuyển về đến nước ta cũng đắt ngang với loại sứa thật. Trong trường hợp đó, tiểu thương sẽ chẳng có lý do gì để nhập sứa giả về bán cho khách hàng của mình.
Mặt khác, dù người dân Trung Quốc khoái khẩu món sứa biển, nhưng ở nước ta, nhu cầu không lớn. Sứa chủ yếu được nhập vào các nhà hàng, nhưng cũng chỉ là các món phụ. Trữ lượng sứa đánh bắt và nuôi như hiện tại đủ khả năng cung cấp cho thị trường trong nước với giá thành ở mức trung bình, dao động khoảng 70.000đ/kg sứa muối, nộm sứa có giá 160.000đ/kg.
Tuy nhiên, với tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan như hiện nay, cơ quan chức năng cũng khuyến cáo người tiêu dùng vẫn nên thận trọng với các loại hàng hóa thẩm lậu vào thị trường Việt Nam đặc biệt là những thực phẩm mất an toàn và không rõ nguồn gốc.
Theo vietq.vn