Vụ mùa năm 2017, toàn tỉnh gieo cấy 58.838 ha, trong đó gieo vãi là 14.411 ha, chiếm 24,49%, tiến độ gieo cấy được các địa phương triển khai sớm hơn các năm trước. Cơ cấu giống chủ yếu là các giống: Bắc thơm số 7, HT1, Q5, KD 18, TBR 225, lúa Nếp các loại,....(lúa thuần chiếm 95% diện tích và lúa lai chiếm 5% diện tích). Đến ngày 20/7/2017 toàn tỉnh đã cơ bản gieo cấy xong lúa Mùa. Từ cuối tháng 7 đến nay thời tiết liên tục có mưa nắng xen kẽ, nhiệt độ, mưa kéo dài kèm theo giông gió tạo điều kiện thuận lợi cho cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, đồng thời cũng thuận lợi cho các đối tượng sâu bệnh phát sinh và gây hại.
Thời điểm hiện nay, trà lúa mùa sớm, trung đã thu hoạch, mùa muộn đang ở giai đoạn trỗ - chắc xanh diện tích 3.057 ha. Theo điều tra bệnh vàng lá di động bắt đầu phát sinh gây hại cục bộ vào đầu tháng 7 trên trà mùa sớm, giai đoạn đẻ nhánh đến đẻ nhánh rộ và bệnh lùn sọc đen vào giữa tháng 8, trên trà mùa trung giai đoạn đẻ nhánh rộ đến cuối đẻ nhánh với tỷ lệ hại thấp. Sau đó, bệnh tiếp tục phát sinh gây hại, biểu hiện triệu chứng rõ vào cuối tháng 8; lây lan với tốc độ nhanh vào tháng 9 và đã phát triển thành dịch, gây thiệt hại nghiêm trọng đến năng suất và sản lượng lúa mùa năm 2017.
Đến ngày 10/10/2017 tổng diện tích nhiễm bệnh lùn sọc đen và vàng lụi trên toàn tỉnh là 1.742,22 ha; trong đó thiệt hại dưới < 30% là 23,47; nhiễm nặng thiệt hại 30-70% là 1.038,85; thiệt hại > 70% là 679,9 ha trên địa bàn 4 huyện Kinh Môn, Kim Thành, Thanh Hà và thị xã Chí Linh. Trong đó lúa mùa sớm, trung 1.675,72 ha, mùa muộn là 166,5 ha.
Ngày 25/7/2017, Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã cảnh báo nguy cơ bệnh vàng lụi, lùn sọc đen hại lúa dựa trên tình hình thực tế như: Đã có nguồn bệnh trên đồng ruộng; nguồn rầy lưng trắng ngay đầu vụ đã cao gấp 2-3 lần trung bình nhiều năm và các tỉnh lân cận cũng bị nhiễm vàng lụi, lùn sọc đen. Đồng thời, yêu cầu Trạm Bảo vệ thực vật các huyện, thành phố tăng cường công tác điều tra giám sát, lấy mẫu phân tích, chủ động phòng ngừa bệnh vàng lụi, lùn sọc đen có nguy cơ thành dịch rất cao tại Hải Dương. Chi cục đã lấy 4 mẫu lúa gửi giám định virus gây bệnh vàng lụi, lùn sọc đen. Kết quả, có 2 mẫu có phản ứng dương tính với vàng lụi; 1 mẫu có phản ứng dương tính với bệnh lùn sọc đen và 1 mẫu có phản ứng dương tính với cả vàng lụi và lùn sọc đen.
Chi cục đã phối hợp với các huyện, thị xã đôn đốc nông dân phòng trừ rầy ngay từ giai đoạn mạ. Những diện tích được phòng trừ tích cực đã đạt hiệu quả cao. Đôn đốc, hướng dẫn nông dân nhổ vùi cây bệnh để hạn chế sự lây lan của bệnh; đồng thời, trên ruộng bị bệnh, khuyến cáo, hướng dẫn nông dân bón cân đối N-P-K, lưu ý không bón thừa đạm; sử dụng các dạng phân bón dễ tiêu như: Phân chuồng mục, phân bón qua lá, phân kích thích rễ để tăng khả năng hút dinh dưỡng và tăng khả năng phục hồi của cây. Kết quả: Đến nay bệnh chỉ tập trung gây hại chủ yếu tại 4 huyện Kinh Môn, Kim Thành, Thanh Hà, thị xã Chí Linh. Tuy nhiên, mức độ gây hại và quy mô phân bố của bệnh trong toàn tỉnh lớn hơn so với cùng kỳ năm 2015 - 2016.
Ngay đầu vụ, rầy lứa 4 (chủ yếu là rầy lưng trắng là môi giới truyền bệnh) có mật độ cao bất thường, mật độ trung bình 100 - 500 con/m2, cao 1.000 - 2.000 con/m2, cao gấp nhiều lần trung bình nhiều năm. Ở giai đoạn này cây lúa còn non, do vậy khả năng lan truyền virus bệnh vàng lụi, lùn sọc đen là rất lớn; Thời tiết đầu vụ nắng mưa xen kẽ rất thuận lợi cho rầy phát sinh tăng mật độ; Nguồn bệnh tích lũy sẵn có và nguồn từ các tỉnh lân cận đều đã nhiễm bệnh nên khi gặp điều kiện thời tiết thuận lợi bệnh bùng phát trên trên rộng; Ảnh hưởng của mưa bão, giông gió tạo điều kiện thuận lợi cho dịch hại lây lan, phát triển; Mặc dù tăng cường công tác điều tra phát hiện và đã có những biện pháp chỉ đạo quyết liệt, nhưng bệnh vàng lụi, lùn sọc đen vẫn bùng phát và gây hại nặng, nhất là ở 4 huyện Kinh Môn, Kim Thành, Thanh Hà và thị xã Chí Linh thể hiện rõ rệt ở giai đoạn lúa trỗ.
Trước tình hình dịch bệnh vàng lụi, lùn sọc đen hại lúa vụ mùa năm 2017, UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành Quyết định số 3122/QĐ - UBND ngày 12/10/2017 về việc công bố dịch bệnh vàng lụi, lùn sọc đen hại lúa vụ mùa năm 2017 tại các huyện Kinh Môn, Kim Thành, Thanh Hà và thị xã Chí Linh. Theo đó các địa phương thực hiện công tác phòng trừ dịch bệnh vàng lụi, lùn sọc đen hại lúa theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn trên tinh thần huy động sự tham gia của nông dân, ngành nông nghiệp, tổ chức chính quyền và hệ thống chính trị các cấp để phòng trừ dịch. Tổ chức tuyên truyền cho nông dân về tác hại bệnh vàng lụi, lùn sọc đen hại lúavà biện pháp phòng trừ.
Hải Ninh