Từ năm 2016, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương đã thực hiện xây dựng mô hình sản xuất 50 ha ổi sản xuất tập trung tại xã Liên Mạc (huyện Thanh Hà), xã Hiệp Lực (huyện Ninh Giang) và 20 ha cam sản xuất tập trung tại xã Thất Hùng (huyện Kinh Môn), phường Bến Tắm (thị xã Chí Linh).
Để đánh giá, giám sát cấp chứng nhận VietGAP, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương đã phối hợp với Công ty Cổ phần Chứng nhận và Giám định IQC thực hiện đánh giá, giám sát, cấp giấy chứng nhận VietGAP cho sản phẩm cam và ổi đối với 4 tổ chức: Hội Nông dân xã Liên Mạc, Hội Nông dân xã Thất Hùng, Hợp tác xã DVNN Hiệp Lực, HTX DVNN phường Bến Tắm là các đơn vị tham gia thực hiện.
Kết quả đã cấp được 4 giấy chứng nhận cho 67,15 ha, đạt 96% diện tích. Trong đó xã Liên Mạc cấp 01 giấy chứng nhận, cho 27,586 ha ổi, với 146 hộ nông dân tham gia, tại xã Hiệp Lực cấp 01 giấy chứng nhận, cho 19,565 ha ổi, với 254 hộ nông dân tham gia, tại xã Thất Hùng cấp 01 giấy chứng nhận, cho 25 ha cam, với 25 hộ nông dân tham gia, tại phường Bến Tắm cấp 01 giấy chứng nhận, cho 5 ha cam, với 6 hộ nông dân tham gia.
Năm 2017,Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương tiếp tục triển khai 55 ha ổi sản xuất tập trung tại xã Liên Mạc (huyện Thanh Hà) với 301 hộ tham gia, 30 ha ổi sản xuất tập trung tại xã Thanh Xuân (huyện Thanh Hà) với 121 hộ tham gia và 20 ha Ổi sản xuất tập trung tại xã Hiệp Lực (huyện Ninh Giang) với 160 hộ tham gia. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dươngcũng đã triển khai 10 ha cam sản xuất tập trung tại xã Thất Hùng, Kinh Môn với 24 hộ tham gia.
Sở đã thuê tư vấn, đào tạo tập huấn cho nông dân thực hiện sản xuất theo quy trình VietGAP. Cấp được 606 giấy chứng nhận kiến thức về thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP. Làm biển báo vùng sản xuất theo VietGAP: Làm 8 biển cắm tại các vùng sản xuất. Hỗ trợ kinh phí cho nông dân mua thuốc BVTV. In sổ ghi chép, sổ tay hướng dẫn cấp phát cho các hộ tham gia. Dự án triển khai các công việc đồng bộ và đảm bảo tiến độ. Cán bộ tham gia dự án có trình độ chuyên môn tốt, có kinh nghiệm triển khai và thực hiện các dự án khoa học nên công tác triển khai thuận lợi. Dự án triển khai trong thời điểm vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề cấp bách nên được sự đồng tình, ủng hộ của các cấp chính quyền, sự nhiệt tình và tình nguyện của bà con nông dân. Các vùng dự án lựa chọn là những vùng sản xuất tập trung, người dân chuyên tâm với cây trồng, có trình độ thâm canh tốt, có ý thức xây dựng và giữ gìn thương hiệu và đã có hiểu biết cơ bản về sản xuất cây trồng theo GAP nên dự án triển khai dễ thành công.
Đây là địa điểm những sản xuất cam và ổi tập trung lớn trên địa bàn tỉnh, người dân có trình độ thâm canh tốt, có ý thức giữ gìn và phát triển chất lượng, thương hiệu cam, có thị trường tiêu thụ tương đối ổn định. Các vùng được lựa chọn triển khai dự án đáp ứng các yêu cầu về vùng sản xuất an toàn được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định như xa khu dân cư; không chăn thả gia súc, gia cầm trong khu sản xuất; xa bệnh viện, khu chăn nuôi tập trung, khu công nghiệp; đất và nước phục vụ sản xuất không bị ảnh hưởng hay ô nhiễm; người dân có trình độ thâm canh tốt, có ý thức và chấp thuận hợp tác và thực hiện các yêu cầu để đảm bảo sản xuất ra sản phẩm an toàn.
Phạm Ninh Hải
Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương