Hải Dương chủ động diệt chuột bảo vệ lúa xuân

Chuột cắn phá các loại cây trồng đặc biệt là cây lúa gây ảnh hưởng lớn tới năng suất, gây phá hại nặng sẽ không cho thu hoạch. Chuột đào hang phá hoại bờ vùng, bờ thửa và các công trình thủy lợi như đê điều, cầu ,cống, v.v …Chuột cắn phá các vật liệu, đồ dùng gia đình, kho tàng, trang trại …Chuột còn làm nhiễm bẩn thức ăn; truyền bệnh dịch nguy hiểm cho người như dịch hạch, sốt, dại, tả thương hàn, vàng da…Theo thống kê của tổ chức FAO. Hàng năm, trên thế giới, lượng lương thực do chuột gây hại có thể đủ nuôi sống cho hàng trăm triệu người.

Hải Dương chủ động diệt chuột bảo vệ lúa xuân

Chuột là loài thú nhỏ thuộc bộ gặm nhấm, răng cửa phát triển liên tục nên ngoài chức năng nhai thức ăn, chuột còn thường xuyên cắn phá để mài mòn răng. Chuột là loài ăn tạp, cả động vật lẫn thực vật. Đối với cây trồng chúng có thể cắn phá và ăn tất cả các bộ phận như: mầm, thân, lá, củ, hoa, quả, hạt, rễ...Tùy theo giai đoạn sinh trưởng của cây mà thiệt hại do chuột cắn phá có thể gấp hơn 70 lần lượng chuột ăn. Chất lượng thức ăn quyết định đến khả năng sinh sản của chuột. Ví dụ: Nếu thiếu chất bột chuột không sinh sản. Chuột rất tinh khôn, có thính giác, xúc giác, khứu giác, vị giác rất phát triển, nhưng thị giác lại kém phát triển. Chuột thường hoạt động vào ban đêm, khoảng từ 5 giờ tối đến 5 giờ sáng. Ở những nơi tối tăm, ít ánh sáng chuột hoạt động cả ban ngày. Chuột thường ẩn nấp trong bụi rậm, gò đống, đống rơm rạ, hang hốc và thường dùng hang làm nơi sinh sản. Chuột thường di chuyển ven bờ, rìa tường…Nếu thức ăn khan hiếm chuột có thể di chuyển đi rất xa để tìm kiếm thức ăn. Chuột có khả năng sinh sản nhanh, thời gian thuần thục sớm; thời gian sống của một đời chuột thường từ 372 - 422 ngày; thời gian mang thai từ 20 - 25 ngày, bình quân mỗi năm chuột đẻ 3 - 4 lứa, bình quân từ 6 - 10 con/lứa. Nguyên nhân chính dẫn đến chuột có xu hướng phát sinh phát triển mạnh: Là do ngày càng hình thành nhiều các bãi rác, khu trang trại chăn nuôi, khu bỏ hoang, nhà máy kề sát cánh đồng...đã tạo ra nguồn thức ăn phong phú và nơi ẩn nấp lý tưởng cho chuột.

Để phòng, trừ chuột hiệu quả cao và an toàn cần:

Áp dụng đồng bộ các biện pháp phòng, tiêu diệt chuột. Phải tiến hành đồng loạt trên đồng ruộng và cả trong khu dân cư. Phải tiến hành ngay từ đầu vụ và duy trì thường xuyên, liên tục.

Mỗi năm cần tổ chức diệt chuột đồng loạt tập trung vào  6 đợt chính sau:

- Đợt 1: Thời kỳ đổ ải đến khi gieo, cấy lúa xuân (từ 15-30/01)

- Đợt 2: Thời kỳ lúa chiêm xuân đứng cái, làm đòng (cuối tháng 3 đến đầu tháng 4)

- Đợt 3: Thời kỳ làm dầm đất đến gieo cấy lúa mùa (cuối tháng 6 đến đầu tháng 7)

- Đợt 4: Thời kỳ lúa mùa đứng cái, làm đòng (cuối tháng 8 đến đầu tháng 9)

- Đợt 5: Thời kỳ làm đất trồng cây vụ đông (cuối tháng 9 đến đầu tháng 10)

- Đợt 6: Thời kỳ cây vụ đông gần thu hoạch (cuối tháng 11 đến đầu tháng 12)

Trong đó, chú trọng nhất là đợt 1 và đợt 3 (thời điểm đổ ải, làm đất gieo cấy trong vụ xuân và vụ mùa). Trong  hai đợt này nên tổ chức “Tuần lễ diệt chuột”, phát động toàn dân đồng loạt ra quân diệt chuột cả ngoài đồng ruộng và trong khu dân cư, bằng các biện pháp như: tập trung đặt bả đồng loạt, kết hợp đặt bẫy, đào bắt thủ công, săn chuột...

+ Biện pháp vệ sinh đồng ruộng và canh tác (biện pháp phòng):Sau khi thu hoạch cần dọn sạch tàn dư cây trồng, dọn sạch đống rơm, rạ, phát quang bờ, bụi cây, cỏ dại trên gò đống; lấp vít các lỗ hang nhằm hạn chế nơi trú ngụ và sinh sản của chuột.Gieo cấy tập trung, đúng thời vụ để hạn chế nguồn thức ăn trên đồng ruộng.

+ Biện pháp thủ công: Đào hang, đổ nước, hun khói hoặc lấp chặt hang để diệt chuột. Đây là biện pháp đơn giản dễ làm, có thể huy động được nhiều người cùng tham gia, ít ảnh hưởng đến môi trường.Săn bắt chuột, soi chuột vào ban đêm ở thời điểm đổ ải, hoặc ngâm dầm. Biện pháp này có hiệu quả diệt chuột rất cao, vì  khi nước trắng đồng, chuột thường tập trung co cụm trên bờ, gò đống…

Dùng các loại bẫy, cạm như:Bẫy sập hình bán nguyệt, bẫy lồng, bẫy cò ke, bẫy dính, bẫy trà,… Biện pháp này có thể sử dụng được quanh năm, không gây ô nhiễm môi trường, ít nguy hiểm cho người, vật nuôi, kinh phí đầu tư thấp.

- Bẫy cây trồng:Chọn giống lúa chuột thích gây hại (giống có mùi thơm), gieo sớm từ 15-20 ngày để thu hút chuột. Quây nilon quanh ruộng lúa, mỗi ruộng bẫy khoảng 2- 3 sào bắc bộ, mỗi một cạnh ruộng bẫy đặt từ: 1-2 bẫy (lồng sắt có hom), cứ 15-20ha làm một ruộng bẫy. Khoét lỗ trên nilon bằng lỗ hom của lồng, lỗ hom của lồng khít với lỗ đã khoét trên nilon. Đặt lồng ở trong ruộng, lỗ hom quay ra phía ngoài. Khi chuột đi quanh ruộng tìm cách chui qua lỗ nilon để vào ruộng, như vậy chuột sẽ tự chui vào bẫy. Biện pháp này đòi hỏi tính công đồng của cả nông dân khu đồng.

+ Biện pháp sinh học: Sử dụng thiên địch của chuột trong tự nhiên như:  mèo, rắn,…để diệt chuột. Biện pháp này rất quan trọng vì điều hòa được cân bằng sinh thái trong tự nhiên. Do đó, cần khuyến khích việc nhân, nuôi mèo trong nhân dân.Sử dụng thuốc vi sinh để diệt chuột như: Bả diệt chuột sinh học, bả diệt chuột Microca 109; có chứa vi khuẩn Samonella enteritidis.

+ Biện pháp hóa học: Cho đến nay, biện pháp hóa học vẫn được sử dụng rộng rãi để làm giảm tức thì mật độ chuột trên đồng ruộng vào các thời điểm quan trọng nhất là đầu vụ. Tuy nhiên, thuốc hóa học lại rất độc với người và động vật có ích. Vì vậy, khi sử dụng cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của chuyên ngành.

- Về thuốc hoá học, hiện nay cơ bản gồm 2 nhóm chính:

+ Nhóm thuốc độc cấp tính, như: Fokeba 20%, Zinphos 20%. Đây là nhóm thuốc nằm trong danh mục thuốc hạn chế sử dụng.  Chi cục khuyến cáo nông dân không nên sử dụng nhóm thuốc này.

+ Nhóm thuốc chết chậm, như: Gimlet 800SP, Cat 0.25WP, Diof 5DP, Kaletox800WP, Klerat 0.05% …. Nhóm này chủ yếu là các hợp chất chống đông máu. Ngoài thị trường, nhóm thuốc này, có loại đã được trộn sẵn thành bả, có loại ở dạng chế phẩm, khi sử dụng thuốc thường được trộn với mồi mà chuột ưa thích và được gọi là mồi bả hoặc bả chuột.

* Hướng dẫn sử dụng thuốc diệt chuột Gimlet 800SP

- Chọn mồi:Mồi là những loại thức ăn mà chuột ưa thích như: Thóc, ngô ủ này mầm hoặc cua, ốc, củ, quả … Nhưng thường thì sử dụng luộc thóc nứt ne hoặc thóc mọc mầm. Vụ mùa có thể dùng thóc mầm; vụ xuân do thời tiết rét, không chủ động được mầm nên có thể dùng thóc luộc.

- Cách luộc thóc:Thóc luộc sôi cho dến khi vỏ trấu mở ra là được, sau đó vớt ra để ráo nước rồi mới trộn thuốc. Nên luộc thóc vào buổi sáng, buổi chiều trộn thuốc và đặt.

- Cách ủ mầm:Ngâm, ủ thóc cho nảy mầm, khi mầm dài từ 0,3-0,5cm thì trộn thuốc. Trước khi trộn thuốc nên sấp nước mầm sau đó để ráo nước rồi tiến hành trộn thuốc.

- Cách trộn bả:Pha 1 gam Gimlet 800SP thuốc hoà vào 150ml nước ấm (50oC) sau đó cho thêm 1ml cồn và 0,5ml dầu ăn rồi đảo đều hỗn hợp thuốc đã pha với 600 gram mồi (nếu đánh tập thể, lượng thuốc pha tăng lên bao nhiêu lần thì lượng nước, cồn, dầu ăn và lượng mồi tăng theo tỷ lệ tương ứng). Bả sau khi trộn nên ủ khoảng 2 giờ để thuốc ngấm sâu vào mồi. Cần thực hiện nghiêm các biện pháp an toàn khi trộn thuốc.

- Một số lưu ý:

+ Tính toán lượng mồi (bả) cho phù hợp. Lượng mồi phụ thuộc vào mật độ chuột, thường mỗi lần đặt bả cần khoảng 100 - 150 gram mồi (bả)/sào (chia làm 5-7 bả); 1 kg thóc khô sau luộc sẽ cho ra khoảng 1,3 - 1,4 kg mồi.

+  Đặt bả nơi chuột thường xuyên đi lại như:Ria bờ, ria tường, lối đi, góc tối, cửa hang … Nên tiến hành đặt đồng loạt ở các khu đồng trong cùng một ngày, đặt vào buổi chiều. Sáng hôm sau kiểm tra nếu chỗ nào chuột ăn hết thì đến chiều đặt tiếp, chỗ nào chuột chưa ăn hết thì thôi; trộn thuốc ngày nào thì nên sử dụng hết trong ngày đó.

+ Tập trung đặt bả trong thời điểm tổ chức “tuần lễ diệt chuột”. Thuốc diệt chuột là thuốc độc. Thuốc có thể gây nguy hiểm đến tính mạng cho người cũng như môi trường đặc biệt là gia súc, gia cầm khi tiếp xúc hoặc ăn phải. Vì vậy, khi diệt chuột bằng thuốc hoá học cần chú ý:

- Chỉ sử dụng những thuốc diệt chuột nằm trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành. Tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc cấm, thuốc ngoài danh mục.

- Khi trộn thuốc, khi rải mồi … phải dùng găng tay, khẩu trang và dụng cụ chuyên dùng.

- Không được hút thuốc, ăn uống trong khi tiếp xúc, trộn thuốc cũng như khi đi đặt thuốc diệt chuột.

- Trước khi tổ chức diệt chuột bằng thuốc ở khu, vùng nào thì phải thông báo rộng rãi cho mọi người biết để phòng tránh và không chăn thả trâu bò, nhốt chó mèo trong thời gian đánh bả.

- Khi đánh bả chuột cần thường xuyên thu gom chuột chết và bả thừa  nhất là những thuốc có độc tính cao để tiêu hủy (đào hố sâu ở xa khu dân cư rắc vôi, đổ chuột, rắc vôi lần nữa và lấp chặt).

- Vỏ bao bì tuyệt đối phải thu gom để đúng nơi quy định.

          - Khi bị ngộ độc cần cấp cứu sơ bộ, sau đó nhanh chóng chuyển đến cơ sở y tế nơi gần nhất và nhớ mang theo vỏ bao bì để bác sỹ chuẩn đoán và có các biện pháp xử lý kịp thời.

          - Tuyệt đối không sử dụng điện để diệt chuột dưới mọi hình thức./.

Hải Ninh (Nguồn do Chi cục Thú y tỉnh Hải Dương cung cấp)


Tạp chí KH&CN
Xem tạp chí:
Cổng thông tin điện tử Sở KHCN
Thương hiêu
Sàn Giao dịch công nghệ
Chuyển đổi số
Chuyên trang Nông nghiệp
Trang tiết kiệm năng lượng
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập184
  • Hôm nay29,290
  • Tháng hiện tại412,846
  • Tổng lượt truy cập4,728,266
Thống kê truy cập
Thống kê truy cập
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây